Rùng mình trẻ em, người dân đi trên cầu trơ khung sắt: Do người dân tự chọn?

11/12/2016 - 06:30

PNO - "Trên thực tế, cầu đã được phá dỡ và cấm lưu thông từ lâu nhưng người dân chưa ý thức được sự nguy hiểm nên vẫn đi qua cầu'', - lãnh đạo huyện Tân Lạc nói.

Do người dân chưa ý thức được nguy hiểm?

Mới đây, trên mạng xuất hiện những hình ảnh, clip dài hơn 1 phút ghi lại cảnh người dân, trong đó chỉ yếu là các em học sinh xã Lỗ Sơn (Tân Lạc, Hòa Bình) đi qua cây cầu chỉ còn trơ khung sắt chênh vênh được dư luận đặc biệt quan tâm.

Chiều 9/12, trao đổi với PV, một lãnh đạo huyện Tân Lạc xác nhận thông tin sự việc có tại địa phương.

Vị cán bộ huyện cho biết, sau khi nhận được thông tin, huyện đã yêu cầu tháo dỡ toàn bộ cây cầu, rào hai đầu cầu lại và cấm người dân đi qua đó để đảm bảo an toàn.

Video trẻ em đi qua cầu trơ khung sắt (Nguồn: Facebook):

"Trên thực tế, cầu đã được phá dỡ và cấm lưu thông từ lâu nhưng người dân chưa ý thức được sự nguy hiểm nên vẫn đi qua cầu'', - lãnh đạo huyện Tân Lạc nói.

Trả lời câu hỏi về việc, chiếc cầu đã được tháo dỡ từ năm 2014, vậy đến nay huyện đã có phương án nào thay thế cây cầu, phục vụ đi lại của người dân hay chưa? Vị lãnh đạo cho hay, cách cây cầu đó khoảng 1km còn có một cây cầu khác bắc qua suối.

"Phương án đi lại thì có rất nhiều phương án, ở đây là do người dân tự phát chứ không phải là không có đường để đi.

Huyện Tân Lạc là một huyện nghèo, nếu nguồn vốn đầu tư của huyện khá hơn một chút thì sẽ tốt hơn. Cạnh cây cầu đó còn có 1 cây cầu treo mới nữa, có điều người dân cứ đi xa một chút là họ ngại đi sang cây cầu treo mới", vị đại diện phân trần.

Ông cho rằng, nếu người dân chịu khó đi xa một chút thì sẽ đảm bảo an toàn cho chính tính mạng của mình. Bên cạnh đó cũng là tránh lãnh phí nguồn vốn đầu tư của huyện.

Thực tế khiến người dân liều mình qua cầu

Trao đổi với báo chí về việc này, Chủ tịch UBND xã Lỗ Sơn (huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) cho rằng, cây cầu này xây dựng từ lâu, đến năm 2014, đoàn kiểm tra của huyện Tân Lạc và tỉnh Hòa Bình kiểm tra và đánh giá cầu đã xuống cấp, không đủ điều kiện sử dụng nên yêu cầu dỡ bỏ phần mặt sàn của cầu và chờ dự án đầu tư.

Tuy nhiên, theo vị Chủ tịch xã, từ khi tháo dỡ đi đến nay, vẫn chưa có dự án nào sửa chữa, tu sửa lại cây cầu, bởi vậy người dân vẫn liều mình đi qua.

Nói về mức độ cần thiết của cây cầu, vị lãnh đạo xã Lỗ Sơn cho biết, cây cầu trơ khung nối liền hai xóm Đổi Mới và xóm Đá 2.

Rung minh tre em, nguoi dan di tren cau tro khung sat: Do nguoi dan tu chon?
Hình ảnh các trẻ nhỏ, các em học sinh đi trên khung sắt qua suối sâu

Trên địa bàn xã có một con suối chạy dọc, bổ đôi xã ra làm 2. Cây cầu nằm ở giữa xã, mỗi bên cầu có 6 xóm trong tổng số 12 xóm trong xã. Trong đó, 6 xóm bên trong có trường của cả 3 cấp học, trạm y tế, chợ, một số công trình phúc lợi công cộng khác. Do đó, bắt buộc bà con 6 xóm bên kia suối phải đi qua suối sang bên này.

Khi không được đi qua cây cầu này, người dân của 6 xóm bên kia sẽ phải lội suối sang bên này, cuộc sống rất khó khăn, nguy hiểm. Mùa cạn thì thời tiết lạnh, mực nước sâu khoảng gần 1 mét nước nên đi lại rất khó khăn. Nguy hiểm nhất là vào mùa lũ, nước chảy siết khiến bà con không thể qua lại.

Trước thông tin về việc, gần cây cầu bị trơ khung sắt còn 1 cây cầu cũng bắc qua suối phục vụ nhu cầu đi lại của bà con trong xóm, vị Chủ tịch xã cho rằng, tính từ xóm Đổi Mới đi vòng qua cây cầu kia rồi sang xóm Đá 2 khoảng 4-5km.

''Một số hộ dân do không có xe máy, không biết đi xe đạp nên đành cõng con từ nhà đi 4-5km đến trường thì hết nửa ngày", ông chia sẻ.

Chủ tịch xã Nỗ Sơn cũng cho hay, trong khoảng 2 năm qua, UBND xã cũng đã gửi văn bản kiến nghị lên UBND huyện Tân Lạc, đề nghị xem xét, khắc phục kịp thời để đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có hồi đáp.

"Nhiều bà con đã bất chấp nguy hiểm đưa con qua cây cầu trơ khung sắt sang bên kia học cho kịp thời gian'', vị lãnh đạo xã nói.

Đông

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI