Rong chơi Sài Gòn: Một ngày ở Quận 5

30/08/2020 - 08:14

PNO - Qua Phố Đông y, thăm các di sản văn hóa hoặc về qua những khu chợ ăn vặt là cũng đủ cho một buổi rong chơi đáng nhớ với phố xá rồi.

Cho đến khi biết Quận 5 là quận có diện tích nhỏ thứ hai của thành phố (hơn 420 ha, diện tích nhỏ nhất là quận 4), tôi bắt đầu nhìn ngắm khu vực này kỹ lưỡng hơn. Một vùng đất hẹp như vậy nhưng lại mang dấu ấn văn hóa rất riêng. Dấu ấn người Hoa in đậm không chỉ với di tích kiến trúc mà còn trong từng ngôi nhà. Có nhiều điều đọng lại khi chúng tôi dành riêng một ngày ở nơi này.

Bắt đầu bằng bữa sáng đậm chất ẩm thực Hoa với cháo tiều, bánh bao, sủi cảo..., chúng tôi đến Phố Đông y (Hải Thượng Lãn Ông - Triệu Quang Phục - Lương Nhữ Học). Cảnh quan khu phố thì không có vẻ gì là lãng mạn thi vị, vỉa hè nhìn còn hơi chật chội nữa là đằng khác. Nhưng thu hút tôi là mùi hương thoang thoảng của trà hoa khô từ những hiệu thuốc. Ngoài đông dược, các loại trà hoa hồng, hoa cúc, hoa nhài, la hán quả... được khách chọn mua khá nhiều. Người đến các hiệu thuốc Phố Đông y ngoài bệnh nhân chữa bệnh, mua thuốc còn có du khách nước ngoài. Từ năm 2017, nơi này cũng đã trở thành một điểm du lịch của Quận 5. 

Một ngày với Quận 5 là thời gian dành cho những Di tích kiến trúc, Di tích lịch sử ở nơi này. Phổ biến nhất có lẽ là chùa Ông (Hội quán Nghĩa An, số 678 Nguyễn Trãi) và chùa Bà (Hội quán Tuệ Thành, số 710 Nguyễn Trãi). Trước mùa dịch bệnh, những nơi này mỗi ngày đều có rất đông khách nước ngoài đến tham quan.

Khách nước ngoài ở chùa Bà. Ảnh - T.Q
Khách nước ngoài ở chùa Bà. Ảnh - T.Q

Hội quán Tuệ Thành do người Hoa ở phủ Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông xây dựng, thờ cúng bà Thiên Hậu. Theo tài liệu ghi chép từ ấn bản Tự hào Di sản Văn hóa Quận 5 (UBND Quận 5), "Tuệ Thành" có nghĩa là: thành phố dồi dào lúa gạo, xuất phát từ truyền thuyết một ông tiên đã ban cho người Quảng Châu nhánh lúa thần diệu, giúp Quảng Châu sung túc, giàu có. 

Đã có chùa Bà thì phải có "chùa Ông". Theo giải thích của GS.TSKH Trần Ngọc Thêm thì cặp đôi "ông-bà" ở đây chính là thể hiện theo triết lý âm dương của người Việt. "Những khái niệm đơn độc khác khi du nhập vào Việt Nam được nhân đôi thành cặp: Thần mai mối ở Trung Hoa chỉ là một ông tơ hồng thì vào Việt Nam thành ông Tơ và bà Nguyệt. Người Hoa ở chợ Lớn dựng lên hai miếu thờ Quan Công và Thiên Hậu riêng rẽ thì người Việt ở đây lập tức gán cho hai nhân vật vốn không liên quan gì với nhau ấy thành một cặp, gọi là chùa Ông và chùa Bà" - ghi chép của GS.TSKH Trần Ngọc Thêm trong công trình Những vấn đề văn hóa học lý luận và ứng dụng (Nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ TPHCM). 

Hội quán Tuệ Thành. Ảnh: internet
Hội quán Tuệ Thành. Ảnh: internet

Chùa Ông (hay còn gọi là miếu Quan Đế) do cộng đồng người Triều Châu xây dựng, chính điện thờ Quan Thánh Đế Quân (Quan Vũ-Quan Vân Trường). Ở Quận 5 còn có khá nhiều hội quán khác: Quỳnh Phủ, Ôn Lăng, Hà Chương, Lệ Châu, Nghĩa Nhuận, Tam Sơn, Phước An... Mỗi nơi đều là không gian đại diện cho những cộng đồng người Hoa di dân từ những khu vực khác nhau của Trung Quốc thưở xưa. Điều đó cũng hình thành nên những nét đặc trưng của văn hóa từng cộng đồng người ở các hội quán. 

Tùy vào thời gian và lựa chọn, bạn có thể ghé thăm các di tích kiến trúc tùy thích. Đặc biệt có hai Di tích Lịch sử cấp Quốc gia cũng rất nên ghé qua: nhà số 5 Châu Văn Liêm-nơi Bác Hồ từng ở trước khi ra đi tìm đường cứu nước và Khu trại giam chợ Quán - nơi cố Tổng Bí thư Trần Phú bị giam giữ và hy sinh. 

Đoàn khách TPHCM trong một lần đến thăm chùa Ông.
Đoàn nhà văn TPHCM trong một lần đến thăm chùa Ông.

Đi qua những con đường thật ra là đã quá quen thuộc với đôi chân mình, nhưng nhiều lúc tôi lại ngẩn ngơ khi hiểu rằng, có quá nhiều điều bản thân trước đó đã không biết. Những bức hoành phi, những dãy số, một chiếc chuông, từng chi tiết điêu khắc, cả những vòng nhang trên mái đình... đều có những câu chuyện của riêng. Khi lắng nghe hết, thấu hiểu được cũng có nghĩa là bản thân đã tiếp nhận thêm một lượng tri thức lớn về vùng đất này.

Sẽ là thiếu sót lớn nếu bỏ qua chợ ăn vặt Phùng Hưng. Đi chơi mải mê đói bụng rồi tạt về đây để tha hồ thưởng thức những món đủ "thể loại" mặn/ngọt, ngon, rẻ. Chợ Phùng Hưng (hay còn gọi là chợ Thủ Đô) được "cộng đồng sành ăn" bình chọn là một trong những khu chợ ăn vặt hot nhất Quận 5. Bạn cứ ghé thử mà xem.

Đường về nhà tôi mỗi ngày đều qua các tuyến đường Nguyễn Trãi, Trần Phú, Hải Thượng Lãn Ông. Nhưng nhiều năm rồi mới có một ngày gọi là "đi chơi Quận 5" và vỡ lẽ bao điều...

Lục Diệp

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI