Rapper Hà Lê - 'Cuộc đời đó, có bao lâu mà hững hờ'

12/01/2020 - 11:43

PNO - 'Tôi không thể bỏ tiền tỷ để làm MV, không thể chạy theo xu thế như các ca sĩ trẻ hiện tại vì tôi biết mình không còn trẻ, không có ngoại hình thu hút'- Hà Lê nói.

Khi nghe Hà Lê - gã đàn ông lớn lên trong văn hóa hip-hop - nói về khao khát làm mới nhạc Trịnh, đôi lúc, tôi tưởng chừng anh đang lạc vào hai thế giới vô song. Nhưng trong bóng tối còn có ánh sáng, giữa gặp gỡ đã thấy màu chia ly thì với Hà Lê, hãy cứ bắt đầu những điều tưởng chừng không thể.

Khi Hà Lê công bố dự án Trịnh Contemporary vào tháng 3/2019, nhiều người cho rằng anh điên rồ và tham vọng. Thời điểm hành trình chỉ mới vào vạch xuất phát, cái kết dành cho việc Hà Lê làm mới nhạc Trịnh được dự đoán sẽ không ngoài hai chữ thất bại. Hoặc giả, đây là cuộc phiêu lưu tiếp theo làm “vỡ” tinh thần mà nhạc Trịnh cố hữu, giống một vài nghệ sĩ khác đã từng thể nghiệm.

Cho tới hiện tại, khi Trịnh Contemporary đã ra mắt ba sản phẩm và vẫn đang trong quá trình sáng tạo, làn sóng chênh nhau giữa ủng hộ và phản đối, giữa lời khen và tiếng chê vẫn đan xen. “Hành trình đã bắt đầu thì phải đi tới cùng. Ở phía tôi và những cộng sự, chúng tôi nỗ lực hết sức để mang đến những sản phẩm sáng tạo chỉn chu. Còn khán giả, tôi nghĩ họ cần thời gian để chọn lọc, cảm nhận”, Hà Lê chia sẻ.

Hát Trịnh theo cách của Hà Lê

Phóng viên: Bước vào không gian nhạc Trịnh từ tâm thế của người lớn lên trong văn hóa đường phố, với hip-hop và những điệu nhảy, nhạc Trịnh có phần dành cho Hà Lê?

Rapper Hà Lê: Mọi người vẫn thường nói về không gian rộng lớn trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn để ai đến cũng đều tìm thấy mình ở đó. Điều này không sai, kể cả tôi, một người lớn lên từ văn hóa đường phố, nhảy múa và hát những giai điệu tưởng chừng là thế giới khác với nhạc Trịnh. Ngày đầu tiếp xúc, bản thân tôi cũng tự hỏi: “Liệu nhạc Trịnh có phần cho tâm thế này không?”. Tôi lo lắng nhưng để biết nhạc Trịnh có chỗ cho tôi thể nghiệm hay không, tôi phải bắt đầu.

Bản thân cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn muốn người hát nhạc của ông hát theo cảm nhận của chính mình. Cho nên, khi nghe Khánh Ly, Thanh Thúy, Quang Dũng, Hồng Nhung... hát Trịnh, ta thấy họ đều có cách kể chuyện, cách hát riêng. Tôi cũng đi tìm cho mình một cách hát vừa thể hiện được câu chuyện của bản thân, vừa giữ được tinh thần nhạc Trịnh. Mục tiêu của tôi khi ra mắt dự án Trịnh Contemporary là làm mới, không làm khác nhạc Trịnh.

* Làm mới như thế nào để không là làm khác, ranh giới này e không dễ phân định...

- Bất kể sự cách tân nào đều phải dựa trên nền tảng có sẵn. Với nhạc Trịnh, càng không thể làm khác tinh thần mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã đưa vào các ca khúc của ông. Hơn 50 năm kể từ ngày âm nhạc của Trịnh đến với khán giả, người nghe phần nào ấn định nhạc Trịnh gắn với đàn guitar, với những giai điệu mộc và giọng ca thiên về cảm xúc. 

Tôi bắt đầu tìm về những định nghĩa mang tính kinh điển đó qua các giọng hát quen thuộc, tìm hiểu những câu chuyện đằng sau sự ra đời của bài hát. Tôi quan tâm hơn đến các nhân vật dù cụ thể hay xuất hiện thoáng qua trong sáng tác của Trịnh để hiểu điều ông muốn truyền tải là gì. Nhạc Trịnh không hẳn là tình yêu, tình bạn, quê hương hay cuộc đời của mỗi cá nhân nào mà ẩn chứa trong đó là nhiều triết lý sống, nhiều vấn đề được chiêm nghiệm sau năm tháng dài rong chơi giữa cuộc đời.

Và để làm mới mà không làm khác, buộc tôi phải hiểu tinh thần đó. Trong không gian rộng lớn mà nhạc sĩ họ Trịnh vẽ ra, tôi sẽ khó để ngộ ra tất cả những thông điệp mà ông gửi gắm nhưng ít nhất, với những sáng tác chọn thể hiện, tôi biết đâu là chỗ bản thân có thể sáng tạo, đâu là nơi tuyệt đối phải giữ lại để không phá vỡ cảm xúc người nghe.

Cái mới không tự nhiên mà có

* Nhiều người vin vào chữ sáng tạo để tung tẩy và bị cho là “làm vỡ” tinh thần nhạc Trịnh, điều này chắc anh đã nghe không ít lần?

- Tôi chỉ muốn nói một điều, cái mới không tự nhiên mà có. Giống như văn hóa hip-hop không tự dưng sinh ra, nó bắt nguồn từ Jazz, Disco nhưng ngay cả Jazz cũng bắt nguồn từ một thứ nhạc khác. Do đó, mọi sáng tạo đều phải dựa trên nền tảng, sự hiểu biết và khi đủ hiểu, người nghệ sĩ tự biết đâu là giới hạn.

Tôi không ủng hộ việc “đập bỏ” và “xây mới”, đó không phải là tinh thần đúng đối với nhạc Trịnh. Nhiều lần bước vào phòng thu, tôi luôn tưởng tượng rằng mình đang ngồi làm nhạc với cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại nơi có đầy đủ máy móc, công nghệ tối tân. Tôi đặt câu hỏi: “Trong tình huống đó, nhạc sĩ sẽ làm gì?”. Quá trình hỏi và trả lời chỉ diễn ra sau khi tôi thật sự hiểu về ca khúc mình đang thực hiện.

* Sau Diễm xưa, Mưa hồng, đến Biển nhớ, Hà Lê từng bước xuất hiện một cách “vẹn nguyên” từ hát, nhảy đến rap, tự bản thân, anh có thấy điều này khiên cưỡng?

- Với Diễm xưa, tôi chỉ đứng và hát. Đến Mưa hồng, tôi hát và có thêm một vài vũ điệu. Sang Biển nhớ, tôi hát, nhảy và đọc rap. Một sự tăng dần theo các cấp độ đúng như tôi và những cộng sự mong muốn rằng ca khúc sau phải hay hơn, độc đáo hơn ca khúc trước. 

Nếu những ai đủ hiểu về nhạc Trịnh, khi nghe đoạn rap tôi viết thêm trong Biển nhớ sẽ không cho đó là gàn dở, khiên cưỡng. Tôi viết về biển đêm bởi những ngày tháng đó, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và bạn bè thường ra biển đàn hát, say sưa cùng nhau. Tôi viết về hình ảnh dã tràng vì Trịnh đã từng viết nên Dã tràng ca trong một lần ngồi trên bờ biển, phải viết nhạc cho đội văn nghệ Trường Sư phạm Quy Nhơn.

Gió vẫn còn đang vấn vương/ Biển đêm vẫn còn nghe anh hát/ Sóng muốn xoa dịu kẻ chấn thương/ Nhưng lời ca bỗng dường như tan nát/ Anh như con dã tràng đang xe cát/ Vì em là ngọc quý cuộc đời anh khao khát/ Dã tràng lấp biển có thành công/ Để rồi em đi liệu có trở về không?...”.

Biển nhớ không đơn thuần là bài hát về nỗi buồn thương cô gái ngày mai đi xa, mà là một câu chuyện tình đơn phương day dứt. Hai người học cùng nhau, cùng chơi chung một nhóm bạn, sinh hoạt chung đội văn nghệ nhưng ngày mai cô ấy rời đi, người nam vẫn chưa kịp thổ lộ điều gì. Tôi thực hiện MV Biển nhớ trong không gian hẹp chỉ với một chiếc cửa sổ. Trong đó, chỉ một mình tôi và 8, 9 vũ công xung quanh. Tôi xem đây là sự bủa vây của nỗi nhớ khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn một mình gặm nhắm nỗi nhớ thương người con gái ấy. Đó là một sự cài cắm có chủ đích của tôi, không đơn thuần là việc tôi khoe khả năng nhảy hay rap.

* Trịnh Contemporary đã trình làng ba ca khúc. Hành trình đồng hành với nhạc Trịnh của anh sẽ còn đi đến đâu? 

- Tôi dự định sẽ thực hiện mini album Trịnh Contemporary với bảy ca khúc. Sau đó, có những dự án tiếp tục về Trịnh mà tôi phải tìm hiểu thêm trước khi thực hiện. Còn nhiều ca khúc của Trịnh chưa được nhiều người biết đến, tôi cũng muốn thử nghiệm nhưng ở thời điểm hiện tại, tôi nghĩ bản thân nên hát những ca khúc quen thuộc, đã từng tiếp xúc để dễ cảm được tinh thần bài hát.

Hát nhạc Trịnh để biết mình là ai

* Trước khi thực hiện Trịnh Contemporary, Hà Lê có 10 năm hoạt động với nghề vũ công, chỉ vài năm trở lại trong vai trò ca sĩ. Vì sao anh chọn nhạc Trịnh, chẳng phải thể nghiệm này quá mạo hiểm sao?

- Ca khúc Hà Nội mùa vắng những cơn mưa trình diễn trong The Remix 2015 là sản phẩm đầu tiên tôi chọn làm mới. Đến ca khúc thứ hai, tôi hợp tác cùng ca sĩ Hoài Lâm thực hiện Thành phố buồn. Sau đó, Hạ trắng được tôi và một người bạn trình diễn trong cuộc thi Sao đại chiến. 

Dù chọn để thi thố nhưng tôi thấy nhạc xưa như có ma lực nào đó thu hút tôi lao vào tìm hiểu. Ban đầu, Diễm xưa được thực hiện vì đã một thời gian, tôi chưa ra ca khúc nào. Nhưng ngay sau khi thực hiện Diễm xưa, tôi thấy có một sự phù hợp giữa nhạc Trịnh và phần giọng của mình. Ngoài ra, tôi còn muốn phong cách âm nhạc của bản thân được định hình rõ hơn, muốn có một dự án nghệ thuật để mọi người biết đến Hà Lê nhiều hơn.

* Điều đó có nghĩa anh đến với nhạc Trịnh không hẳn vì yêu thích mà có một sự tính toán nào đó để tên tuổi Hà Lê được nâng tầm hơn khi hát nhạc Trịnh?

- Tôi muốn đưa ra một sự so sánh. Người ta gọi nhạc boléro, nhạc cách mạng, nhạc vàng, nhạc đỏ và cũng xem Trịnh là một dòng nhạc tương tự. Một nhạc sĩ được nâng lên thành một dòng nhạc ắt hẳn, âm nhạc và con người họ có sức ảnh hưởng. Khi hát được nhạc Trịnh, đương nhiên, bản thân tôi cũng được nâng tầm. Nhưng nhạc Trịnh không dễ hát nên tôi nghĩ đây là sự thừa nhận công bằng cho những ai nỗ lực. 

Thời gian vô tình làm cho âm nhạc trở thành món đồ cổ. Thỉnh thoảng, tôi nghe có người nói nhạc Trịnh là nhạc sang nhưng với tôi, nhạc Trịnh luôn tồn tại ở hai hình thức. Một bên, âm nhạc được vang lên bên trong nhà hát, được thể hiện bởi những ca sĩ ăn vận sang trọng và bên còn lại là không gian tại những quán cà phê nhỏ, nơi học sinh, sinh viên, người lao động đến nghe. Vì điều này, tôi nghĩ để nói về tầm vóc của một ca sĩ nào đó, nhờ hát nhạc của ai mà trở nên giỏi hơn thì không phải.

* Nhạc Trịnh có thay đổi Hà Lê thành một con người khác không khi anh hôm nay nói nhiều về triết lý sống, về cuộc đời? 

- Tôi vẫn luôn là người sôi nổi, hòa đồng. Tôi có những nguyên tắc riêng nhưng không cứng nhắc. Sự thay đổi mà tôi thấy rõ là tôi không còn suy nghĩ quá nhiều. Nhạc Trịnh không đơn thuần là vui hay buồn mà đó là triết lý sống. Mình sẽ chỉ là mình, đi lại trên cuộc đời này rồi mất hút như chưa từng xuất hiện nên nếu được, hãy sống ung dung, thư thái, không lười biếng, sống hết mình để không hối hận. Cuộc sống đưa tới khổ đau lẫn vui sướng nên cách duy nhất là chấp nhận tất cả và xem đó như điều tất yếu để cuộc sống cân bằng.

* Đó có phải là lý do anh bình thản chấp nhận mọi sự khen chê với dự án Trịnh Contemporary, một sự tự vỗ về, an ủi?

- Về sự khen chê, yêu ghét, tôi cũng cho đó là một điều bình thường. Nếu càng về sau, càng có nhiều người hiểu và yêu thích, tôi sẽ rất mừng, nhưng nếu giai đoạn đầu chỉ toàn lời khen thì đó là điềm lạ. Lời chê thời điểm này cho tôi được cảm giác cân bằng, động lực để cố gắng.

Tôi không trách khán giả có những lời chê bai, vì họ có cách thưởng thức riêng. Với chính tôi, khi một ca khúc đã tạo được ấn tượng, cảm xúc thì bản thân cũng chỉ muốn nhìn chúng trong “hình hài” ban đầu. Vì vậy không có gì phải buồn, thắc mắc chuyện ai đó không thích những gì tôi đang làm. 

* Anh chú trọng chất lượng nhưng đôi khi, thị trường nhạc Việt không có chỗ đứng cho một sản phẩm được đầu tư chỉn chu vì chúng không theo xu hướng, không chiêu trò ồn ào, không nhiều nghệ sĩ tham gia...

- Khi bắt đầu thực hiện Trịnh Contemporary, mỗi khi ra sản phẩm, tôi quan tâm đến lượt xem và bình luận của khán giả. Với nhiều ca sĩ, con số 1 triệu view không mang ý nghĩa nhưng với tôi, con số này là thành công. Tôi xem tốc độ tăng view giữa các ca khúc, đọc những bình luận để xem khán giả đã thích những sản phẩm tôi thực hiện chưa.

Tôi không thể bỏ tiền tỷ để làm MV, không thể chạy theo xu thế như các ca sĩ trẻ hiện tại vì tôi biết mình không còn trẻ, không có ngoại hình thu hút. Những điều mà thị trường đang cần, tôi hoàn toàn không có. Do đó, tôi chọn đi con đường riêng để khẳng định mình là ai, mình có gì và cống hiến được gì. Đó là giá trị cốt lõi mà tôi muốn bản thân phải xác định.

Hà Lê hát Hạ trắng

* Hà Lê nhiều năm trước mà tôi biết là người khao khát vươn ra thế giới. Liệu bây giờ, khao khát ấy còn mãnh liệt không?

- Tôi vẫn luôn khao khát vươn ra thế giới. Tôi đang từng bước thực hiện ước mơ của mình. Nếu ai quan tâm sẽ biết tôi là nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên và duy nhất, tính đến thời điểm này, có được chữ Vevo trên MV của mình. Vevo là dịch vụ lưu trữ video đa quốc gia chỉ dành cho nghệ sĩ của ba công ty thu âm lớn là Universal Music, Sony Music và Warner Music. Tôi ký thu âm độc quyền với Sony Music trong vòng 10 năm và hiện tại đang ở năm thứ ba.

Nhạc của tôi đã xuất hiện trên Spotify, iTunes cách đây 2-3 năm. Đây là những minh chứng cho việc tôi muốn tiếp cận quốc tế. Tôi muốn giới thiệu với thế giới rằng âm nhạc Việt Nam đang phát triển từng ngày và họ hoàn toàn có thể thưởng thức, hợp tác với chúng ta. 

So với 10 năm trước, thị trường âm nhạc Việt Nam đã phát triển rất nhanh. Với các nước trong khu vực, có thể xem Việt Nam là thị trường âm nhạc sôi động hàng đầu nhưng so với thế giới, quãng đường để rút ngắn khoảng cách còn rất dài. Tôi trân trọng những nghệ sĩ trẻ đang tích cực quảng bá nhạc Việt với thế giới và cố gắng đi đến cùng con đường mà tôi đã chọn.

* Cảm ơn anh đã chia sẻ. 

Từng ngày trôi qua, tôi hiểu bản thân hơn, biết vai trò của mình. Điều này khác rất nhiều vì chỉ mới cách đây vài năm, tôi mông lung về con đường mình phải bước tiếp.

Nhưng tôi vẫn là Hà Lê, tốt hơn chứ không thay đổi. Một Hà Lê không gai góc nhưng tình cảm. Một Hà Lê nhận thức rõ hơn về cuộc đời, về các mối quan hệ xung quanh, về từng khoảnh khắc đang sống. Tôi muốn bản thân có “trái tim lớn” để sống luôn hứng khởi, để âm nhạc luôn đầy cảm xúc, để trở thành một người kể chuyện bằng âm nhạc. Mà muốn như vậy, tôi phải yêu cuộc đời này thêm, yêu say đắm.

Rapper Hà Lê

 

 

Diễm Mi (thực hiện)
Ảnh: nhân vật cung cấp

 

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI