Quảng Ninh: Ngày mất điện 20 lần, Bệnh viện Sản Nhi kêu cứu

05/01/2017 - 07:20

PNO - Là địa chỉ hàng đầu về chuyên khoa sản - nhi của Quảng Ninh, mỗi ngày khám cho 500 lượt bệnh nhân và điều trị nội trú cho trên 400 bệnh nhân.

Nhưng từ ngày đi vào hoạt động (tháng 7/2014 đến nay), Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh luôn ở trong tình trạng điện yếu hoặc liên tục mất điện, khiến công tác điều trị, chăm sóc bệnh nhân gặp khó; gây hư hại các thiết bị y tế hiện đại.

Dù đã được UBND tỉnh Quảng Ninh bổ sung vào diện khách hàng được ưu tiên cấp điện từ năm 2015, nhưng đến nay tình trạng này vẫn tái diễn. 

Tắt bụp liên tục

BV Sản Nhi Quảng Ninh nằm trên phường Đại Yên, TP. Hạ Long, có vốn đầu tư 538 tỉ đồng, từ nguồn sách sách. Trong đó tổng giá trị các trang thiết bị hiện đại, luôn đòi hỏi điện áp ổn định, là khoảng 250 tỉ đồng.

Trong công văn kêu cứu gửi UBND tỉnh Quảng Ninh và một số sở, ngành liên quan, đại diện BV Sản Nhi Quảng Ninh cho biết, kể từ ngày đi vào hoạt động đến nay, bệnh viện thường xuyên bị mất điện lưới, có ngày mất điện đến 20 lần, trong đó có những lần kéo dài trên 60 phút.

Quang Ninh: Ngay mat dien 20 lan, Benh vien San Nhi keu cuu
Các thiết bị hiện đại hỗ trợ chăm sóc trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh không thể hoạt động nếu mất điện liên tục.

“Ngày mất điện tới vài chục lần là chuyện thường, còn chuyện điện cứ tắt bụp theo kiểu mất rồi có ngay thì nhiều. Thực tế này có thể đong đếm được, chứ không nói liều được” - ông Nguyễn Quốc Hùng - Giám đốc BV Sản Nhi Quảng Ninh - bức xúc.

Vì lẽ đó, bệnh viện đã phải mua máy phát điện 550 KVA, nhưng không đảm bảo an toàn cho các thiết bị y tế hiện đại của bệnh viện. “Mất điện lưới khoảng 7 giây là máy phát điện hoạt động, nên việc chăm sóc, khám chữa bệnh thông thường không ảnh hưởng, nhưng các máy móc, trang thiết bị hiện đại đòi hỏi dòng điện lớn và ổn định, như máy chụp CT, X-quang… bị hư hại” - ông Hùng cho biết.

Trong đó, năm 2016, máy chụp CT của bệnh viện trị giá hàng tỉ đồng liên tục trục trặc, dẫn đến hỏng nặng và mất 600 triệu đồng để sửa chữa. Đơn vị cung cấp máy CT, sau một tháng theo dõi, cho biết, thời gian điện áp 3 pha đạt mức danh định rất thấp, tần suất sụt điện áp rất nhiều; trong khi theo kiến nghị từ nhà sản xuất, phải liên tục đảm bảo điện 3 pha cho máy và tần suất sụt điện áp do mất điện tối đa 2 lần/tháng.

Theo ông Phạm Đình Chấn - Trưởng phòng kỹ thuật, Cty Điện lực Quảng Ninh - đường dây cấp điện cho BV Sản Nhi Quảng Ninh thuộc lưới điện nông thôn, cấp điện chung cho các phụ tải dân sinh và phụ tải thi công đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, nên không đáp ứng được tiêu chí cấp điện thường xuyên và ổn định cho bệnh viện này, thuộc hộ cấp điện loại 1.

Hơn nữa, trạm biến áp cấp điện cho bệnh viện lại ở vị trí cuối đường dây nên điện yếu.

Tại buổi làm việc với BV Sản Nhi Quảng Ninh, đại diện Cty Điện lực Quảng Ninh đã đề xuất một số giải pháp, mà theo ngành điện, có thể hạn chế phần nào sự cố mất điện, điện yếu ảnh hưởng đến hoạt động của bệnh viện hiện nay.

Đợi đến năm… 2018

Tuy nhiên, theo lãnh đạo bệnh viện, cho đến nay, điện lưới vẫn liên tục mất như chưa hề có cuộc làm việc trên, và cũng sẽ chỉ là giải pháp tạm thời bởi vấn đề chính: Một đường dây riêng cho bệnh viện không được giải quyết.

Quang Ninh: Ngay mat dien 20 lan, Benh vien San Nhi keu cuu
Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh.

Tại CV 439/QĐ-UBND, ngày 11/2/2015, UBND tỉnh Quảng Ninh đã đưa BV Sản Nhi vào danh sách khách hàng quan trọng thuộc diện ưu tiên cấp điện trên địa bàn tỉnh, cùng với một số khách hàng là đại gia khác. Tuy nhiên, đến nay, một số những khách hàng trên đã được giải quyết, trừ… bệnh viện này.

Về vấn đề này, ông Chấn cho biết, phải đợi đến khi trạm 110KV, do Tổng Cty điện miền Bắc đầu tư tại Yên Cư, phường Đại Yên, TP. Hạ Long làm chủ đầu tư, xây dựng thì mới có đường điện riêng cho BV Sản Nhi Quảng Ninh.

“Dự kiến cũng phải đến năm 2018 mới có trạm 110KV Yên Cư. Từ vị trí này, sẽ kéo một đường điện riêng dài khoảng 1km về BV Sản Nhi” - ông Chấn chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Giám đốc BV Sản Nhi Quảng Ninh - nếu cứ tình trạng này, mỗi năm bệnh viện mất không dưới 5 tỉ đồng để sửa chữa máy móc, trang thiết bị đắt tiền bị sự cố do điện.

“Máy chụp CT bị hỏng vừa qua nếu sửa chữa đúng giá phải mất hơn 1 tỉ, nhưng đối tác giảm giá - chỉ lấy 600 triệu đồng. Bệnh viện vừa mới trang bị thêm một số loại máy đắt tiền khác, luôn đòi hỏi điện áp ổn định như máy cộng hưởng từ…, nếu tình hình điện lưới cứ như hiện nay sẽ rất nguy hiểm” - ông Hùng lo lắng.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI