Quảng cáo mỹ phẩm 'lố' tính năng, ai xử lý?

15/06/2015 - 11:48

PNO - PN - Các từ “trị”, “điều trị”, “chữa trị” không được chấp nhận trong việc công bố tính năng cũng như đặt tên sản phẩm (SP) mỹ phẩm (MP). Tuy nhiên, hiện có nhiều sp MP quảng cáo sai, dẫn đến ngộ nhận cho người tiêu dùng.

edf40wrjww2tblPage:Content

Quang cao my pham 'lo' tinh nang, ai xu ly?

Lạm dụng “trị mụn”, “diệt nấm”…

Theo phụ lục số 03-MP, Thông tư số 06/2011/TT-BYT ngày 25/1/2011 của Bộ Y tế, các tính năng “chữa trị” không được chấp nhận khi công bố tính năng cũng như đặt tên SP MP. Chẳng hạn, thông tin: trị gàu, trị nám, trị mụn; chữa trị hay phòng chống các bệnh áp xe răng, viêm lợi và một số bệnh về răng miệng khác; xóa sẹo… không được ghi trên nhãn mác SP MP. Tuy nhiên khi khảo sát các dòng MP của Công ty Nguyên Khí, ngay trên bề mặt vỏ hộp của SP có dòng chữ rất lớn “kem dưỡng da trị nám”, “kem dưỡng da trị mụn”. Để thu hút khách hàng, SP còn khẳng định lành tính, phù hợp với mọi loại da.

Tương tự, SP của TiTiOne không những ngoài hộp có dòng chữ “kem trị mụn với chiết xuất nghệ” mà trong phần công dụng còn ghi: xóa sẹo, xóa các vết thâm do mụn cũ để lại, diệt các vi khuẩn sinh mụn…; MP Lana cũng có dòng chữ rất lớn để thu hút khách hàng “kem trị mụn Topal Extra Strong”; MP Gamma Chemicals Pte. có dòng chữ “kem trị mụn trứng cá Bé Bé”…

Tại các siêu thị, gian hàng nước rửa tay Clinsoap, ngay trên vỏ chai đã “nổ” về công dụng “có tác dụng sát khuẩn phổ rộng, nhanh chóng tiêu diệt 99,99% các loại vi khuẩn, vi rút và nấm gây bệnh bao gồm trực khuẩn lao, E.coli, P.aeruginosa; tiêu diệt hoàn toàn các mầm bệnh truyền nhiễm qua đường tiếp xúc…”. Nước rửa tay Doctor Kiri không chỉ diệt 99,99% vi khuẩn có hại mà còn “diệt nhanh chóng các vi rút gây bệnh tay chân miệng các chủng nấm bệnh, vi rút cúm A/H1N1, H5N1…”.

Quang cao my pham 'lo' tinh nang, ai xu ly?

Tóc bạc thành đen, đánh răng chữa…viêm phế quản (?)

Các tính năng: loại bỏ gàu vĩnh viễn, phục hồi tế bào tóc/nang tóc, làm dày sợi tóc, chống rụng tóc, kích thích mọc tóc… không được chấp nhận ghi trên sản phẩm chăm sóc tóc. Tuy nhiên, tại các siêu thị, tinh dầu hoa bưởi chuyển màu Long Thuận, trên vỏ hộp in dòng chữ rất lớn “kích thích mọc tóc”; “giúp chân tóc bạc đen trở lại, kích thích mọc tóc khi kết hợp xịt tinh dầu hoa bưởi chuyển màu với uống trà hà thủ ô trong vòng ba tháng”. Dầu gội đầu bồ kết Saroma giới thiệu “hương thơm từ tinh dầu thiên nhiên kích thích mọc tóc, làm sảng khoái sau mỗi lần gội đầu”. Hay như serum bưởi Milaganics có dòng chữ “nuôi dưỡng, phục hồi và kích thích mọc tóc”; SP tinh dầu vỏ bưởi Milaganics ghi “trị rụng tóc, kích thích mọc tóc nhanh, giảm đau đầu, viêm cơ khớp”. Hoặc dầu dừa hoa nhài dưỡng tóc do Công ty TNHH XNK Liên Á phân phối, trên nhãn phụ có ghi “tinh chất hoa nhài bảo vệ da đầu khỏe, kích thích tóc mọc chắc khỏe”. Dầu dưỡng tóc Olive của Gamma Chemicals VN có công dụng “chống gãy tóc và rụng tóc”.

Chị Ngọc Hà (Q.1, TP.HCM) bị hói đầu, phải đội tóc giả, từng dùng nhiều loại dầu “kích thích mọc tóc” cho biết: “Tôi bấm bụng thử đủ các SP dầu gội, tinh dầu, serum quảng cáo có tính năng kích thích mọc tóc, chi phí cao, nhưng mất tiền mà tóc vẫn không mọc”. BS Trần Thế Viện, khoa Lâm sàng, Bệnh viện Da liễu TP.HCM lý giải, nếu đã hói đầu thì dù có dùng SP hoặc thuốc gì đi nữa cũng không thể kích thích mọc tóc. Trong khi đó, tóc bạc được xem là một bệnh lý lành tính, nguyên nhân có thể do di truyền, tâm lý, mắc một số bệnh lý, thói quen sinh hoạt. Cho đến nay y học hầu như chưa có phương pháp nào để điều trị hữu hiệu và triệt để bệnh bạc tóc. Vì vậy, không có chuyện một loại tinh dầu có thể giúp chân tóc bạc đen trở lại. Sẹo mụn thì có sẹo thâm, sẹo lõm, sẹo lồi. Các loại kem hoặc thuốc trị sẹo chỉ làm mờ vết sẹo thâm, giảm bớt sẹo lồi, nhưng sẹo lõm thì không thể được.

Không chỉ quảng cáo sai quy định, một số SP ngoại còn quảng cáo quá tính năng, trong khi Thông tư 06 nói trên không “miễn trừ” cho các SP nhập khẩu. Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi bất ngờ với quảng cáo kem đánh răng như Xyldent Real Cool Fresh của Hàn Quốc với thảo dược hoa chanh xanh và bạc hà… chữa được bệnh viêm phế quản (!?). Ghé một cửa hàng trên đường 3/2 (Q.10), một nhân viên giới thiệu với chúng tôi công dụng kem đánh răng Lacalut Aktiv: “Kem này hay lắm, bệnh răng miệng nào cũng điều trị khỏi”. Tò mò vì kem đánh răng có tính năng điều trị bệnh, chúng tôi xem trên nhãn phụ SP do Công ty TNHH Sản phẩm Tự Nhiên Việt Nam nhập khẩu, thấy ghi “phòng và chống chảy máu nướu răng, viêm nhiễm ở răng lợi, điều trị tụt lợi, chống hôi miệng”. Tại đây cũng bán kem đánh răng Farmasi Aloegel do Công ty CP SX và XNK Đức Nam nhập khẩu và phân phối với công dụng “chống viêm và làm dịu các mô da ở miệng, ngăn ngừa sâu răng, nhiễm trùng nướu, chống hôi răng miệng”.

BS Tạ Thị Trúc Mai - phòng Răng-Hàm-Mặt, khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết, các SP như vậy chỉ mang tính hỗ trợ, không thể điều trị được bệnh. Một số bệnh nhân khi bị bệnh viêm nướu, thay vì đi bác sĩ điều trị lại mua kem đánh răng về xài, lâu ngày bệnh diễn tiến càng nặng, dẫn đến viêm nha chu, mất răng. Có một số bệnh răng miệng, nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn phá hủy ổ xương xung quanh, áp-xe nướu, viêm mô tế bào, dẫn đến nhiễm trùng máu, ảnh hưởng nặng đến sức khỏe.

Quang cao my pham 'lo' tinh nang, ai xu ly?

Cơ quan chức năng chưa làm hết trách nhiệm?

Trong Thông tư số 06/2011/TT-BYT cũng có ghi, SP MP không được thể hiện như một SP để chữa bệnh hoặc phòng bệnh. Các SP điều chỉnh vĩnh viễn, phục hồi hoặc làm thay đổi chức năng cơ thể bằng cơ chế miễn dịch, trao đổi chất hoặc cơ chế dược lý không được phân loại là MP.

Sau khi Thông tư 06/2011/TT-BYT được ban hành ngày 25/1/2011, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã có công văn số 1609/QLD-MP ngày 10/2/2012 về việc hướng dẫn phân loại MP, công bố tính năng MP. Đó là phụ lục số 03-MP của Thông tư số 06/2011/TT-BYT. Công văn đã được gửi đến sở y tế các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh MP.

Nhiệm vụ của sở y tế các tỉnh, thành là rà soát các SP đã cấp số tiếp nhận, phiếu công bố SP MP tại địa phương; thông báo cho các doanh nghiệp trên địa bàn rà soát các SP và phải thực hiện điều chỉnh đối với những SP không đáp ứng quy định. Riêng các doanh nghiệp đứng tên công bố SP MP có trách nhiệm rà soát lại SP, công bố tính năng SP (nêu ở phần mục đích sử dụng cũng như tên SP) đã được cấp số tiếp nhận và phải thực hiện điều chỉnh, công bố lại đối với những SP không đáp ứng quy định. Nếu MP lưu thông có ghi nhãn công dụng không phù hợp với hồ sơ công bố hoặc không đáp ứng quy định về ghi nhãn SP của thông tư này, tùy mức độ vi phạm có thể bị đình chỉ lưu hành và thu hồi.

Loại trừ các trường hợp quảng bá SP MP trên facebook - có thể được cho là mang tính chất cá nhân, không chính danh, các trường hợp in tính năng trên bao bì, nhãn phụ hoặc đăng trên trang web chính thức của công ty chính là chứng cứ rõ ràng về sai phạm của các tổ chức, cá nhân tiến hành các hoạt động liên quan đến công bố thông tin, quảng cáo, xuất khẩu, nhập khẩu, sản xuất, buôn bán SP MP. Do đó, để tồn tại tình trạng quảng cáo “lố” như trên là điều khó chấp nhận.

Ngay tại trang web Sở Y tế TP.HCM, trong mục văn bản quy định về MP hiện hành đều có đăng tải Thông tư 06/2011/TT-BYT và Công văn số 1609/QLD-MP. Phải chăng cơ quan chức năng chưa rà soát và làm hết trách nhiệm trong xử lý vi phạm? Bởi, thực tế, từ cửa hàng, chợ đến siêu thị vẫn tràn lan SP MP quảng cáo sai tính năng và mục đích sử dụng, gây hiểu lầm, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

 HOA LÀI

Nếu doanh nghiệp đứng tên công bố SP MP quảng cáo sai quy định trên trang web, bao bì SP thì những cơ quan quản lý đã cấp số tiếp nhận, phiếu công bố MP của công ty đó có quyền yêu cầu công ty ký biên bản sai phạm; yêu cầu thực hiện điều chỉnh, công bố lại đối với những SP không đáp ứng quy định. Trường hợp công ty không chịu ký biên bản, nơi cấp số tiếp nhận và phiếu công bố MP phối hợp với cơ quan công an, chính quyền địa phương và các sở, ngành có liên quan áp dụng các biện pháp hành chính khác để rà soát, kiểm tra và xử phạt.

Luật sư Huỳnh Minh Vũ (Đoàn Luật sư TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI