Giá điện tăng, áp lực đối với doanh nghiệp tăng theo

14/05/2025 - 06:58

PNO - Từ ngày 10/5, giá điện tăng 4,8% khiến chủ các doanh nghiệp chật vật tìm cách để vừa ghìm giữ giá sản phẩm vừa không lỗ lã.

Chị Minh Vy - chủ một quán cà phê sân vườn ở quận 12, TPHCM - cho biết, hệ thống máy lạnh, tủ lạnh, máy pha cà phê, đèn chiếu sáng ngốn của quán trung bình mỗi tháng 16 triệu đồng tiền điện. Giá điện tăng 4,8% khiến mỗi tháng, chị tốn thêm gần 800.000 đồng, làm đội chi phí vận hành quán lên đáng kể, ảnh hưởng trực tiếp đến khoản lời. “Tôi chưa dám nghĩ đến chuyện tăng giá bán lúc này bởi tăng giá thì sẽ mất khách” - chị than.

Sản xuất hàng xuất khẩu ở Công ty TNHH Việt Thắng Jean
Sản xuất hàng xuất khẩu ở Công ty TNHH Việt Thắng Jean

Ông Lê Trọng Đôn - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Cà Mèn - cho hay, 3 tháng nay, thời tiết nắng nóng khiến tiền điện phải đóng của công ty tăng từ 30 triệu đồng lên trên 40 triệu đồng/tháng (tăng khoảng 30%). Từ đầu năm, mức lương nhân viên đã tăng gần 20%; từ tháng trước, giá tôm, thịt, cá mua vào cũng tăng 10 - 20%. Nay, giá điện tăng thêm 4,8% càng làm chi phí vận hành tăng mạnh, khiến lợi nhuận của công ty gần như không có.

Theo ông Vương Ngọc Dũng - Giám đốc tiếp thị phát triển thị trường, Công ty cổ phần Mỹ phẩm Sài Gòn (SCC) - các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu đang chịu áp lực lớn từ chính sách thuế quan của Mỹ, nay giá điện lại tăng càng khiến DN thêm khó khăn. Trước mắt, việc tăng giá điện đẩy chi phí sản xuất tăng cao làm đội giá thành sản phẩm khiến DN suy giảm về lợi nhuận. Về lâu dài, điều này sẽ tác động đến năng lực cạnh tranh của DN, nhất là khi thị trường xuất khẩu đang rất khó khăn. “Chúng tôi không thể tăng giá sản phẩm mà chỉ có thể thay đổi bao bì, mẫu mã sản phẩm hoặc đưa sản phẩm mới ra thị trường để áp dụng giá mới, nhưng việc này không dễ” - ông nói.

Theo ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Việt Thắng Jean - chi phí điện chiếm khoảng 2% trong giá thành sản phẩm. Khi giá sản phẩm không thể tăng do thị trường cạnh tranh khốc liệt, đơn hàng giảm sút thì việc tăng giá điện buộc DN phải tiết giảm các khoản chi khác. Cũng may, các nhà máy của Việt Thắng Jean đã chuyển đổi gần như hoàn toàn sang sử dụng điện năng lượng mặt trời nên không bị ảnh hưởng bởi đợt tăng giá điện này.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), với mức tăng giá 4,8%, các hộ sử dụng điện sinh hoạt sẽ trả thêm từ 4.550 đồng đến hơn 65.050 đồng/tháng tùy theo mức sử dụng. Với khách hàng kinh doanh dịch vụ (có khoảng 574.000 khách hàng), mức tăng trung bình là 332.000 đồng/tháng. Còn với khách hàng sản xuất (cả nước có khoảng 1,98 triệu khách hàng), mỗi khách hàng sẽ trả thêm trung bình 677.000 đồng/tháng. Lãnh đạo EVN khẳng định, việc điều chỉnh giá điện không ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng không đáng kể đến các hộ nghèo, gia đình chính sách.

Tiến sĩ Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng - đánh giá, việc tăng giá điện sẽ ảnh hưởng trên diện rộng, từ sản xuất đến tiêu dùng, không chỉ tác động trực tiếp mà còn tác động gián tiếp thông qua sự tăng giá các mặt hàng, có thể làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI), nên rất cần sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan liên quan. Ông nói: “Việc tăng giá điện là cần thiết trong bối cảnh giá điện ở Việt Nam vẫn thấp hơn so với các nước nhưng việc tăng giá cần có lộ trình minh bạch, đi kèm cải cách sâu về thị trường điện và cơ chế kiểm soát hiệu quả tài chính của EVN. Nếu không, người dân và DN vẫn sẽ tiếp tục gánh chi phí mà chưa thấy lời cam kết rõ ràng nào từ bên cung cấp điện”.

Mai Ca

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI