Tùy tiện cho trẻ dùng kháng sinh gây hậu quả khôn lường

24/05/2025 - 10:26

PNO - Việc tự ý sử dụng kháng sinh cho trẻ em đang trở thành một vấn đề đáng báo động, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe của bé.

Khi cha mẹ tự biến mình thành bác sĩ

Trong hành trình chăm sóc con cái, không ít bậc cha mẹ vì thiếu kiến thức hoặc tin theo những lời mách bảo chưa được kiểm chứng đã mắc phải những sai lầm trong việc sử dụng kháng sinh.

Như câu chuyện của chị P.T.T.V, 27 tuổi, ngụ tại quận 12. Khi con gái 3 tuổi của chị bị ho và sổ mũi, thay vì đưa con đi khám, chị V. đã tự ý cho bé uống kháng sinh. Chị tin rằng việc "dập kháng sinh” sẽ giúp bé khỏi bệnh, tránh các triệu chứng kéo dài gây mệt mỏi. Chị cũng chia sẻ rằng mình đã từng làm như vậy trước đây và thấy con nhanh khỏi.

Còn bà mẹ ngụ tại huyện Củ Chi có con gái 4 tuổi bị viêm tai giữa. Sau khi đưa con đi khám và được bác sĩ kê đơn kháng sinh, chị đã tuân thủ việc cho bé uống thuốc. Thế nhưng, chỉ sau 3 ngày, thấy con không còn triệu chứng đau tai, chị lại tự ý giảm liều kháng sinh từ 2 lần/ngày xuống còn 1 lần/ngày.

Lý do bà mẹ này đưa ra là lo lắng việc uống kháng sinh "nặng đô quá" không tốt cho con, bệnh đã giảm thì giảm liều cũng không sao. Điều này vô tình tạo điều kiện cho vi khuẩn còn sót lại tiếp tục phát triển, dẫn đến nguy cơ kháng kháng sinh và làm bệnh tái phát nặng hơn.

Tình trạng phụ huynh tự ý cho trẻ uống kháng sinh đang ngày một phổ biến gây ra những hậu quả khôn lường (ảnh Freepik)
Tình trạng phụ huynh tự ý cho trẻ uống kháng sinh ngày phổ biến, gây ra hậu quả khôn lường - Ảnh Freepik

Một sai lầm khác thường gặp ở các phụ huynh là tự ý kéo dài thời gian dùng thuốc theo đơn cũ. Bé N.T.D, 5 tuổi, ngụ tại quận Gò Vấp bị viêm họng, được bác sĩ kê toa kháng sinh trong 5 ngày, rồi hẹn tái khám. Tuy nhiên, sau khi cho con uống hết toa thuốc, thấy bệnh thuyên giảm nhưng chưa dứt điểm hoàn toàn, thay vì đưa bé đi tái khám theo lịch hẹn, mẹ bé lại cầm toa thuốc cũ tự ý đi mua thêm kháng sinh về cho con uống tiếp.

Đừng để yêu con thành hại con

Theo bác sĩ Đoàn Trịnh Nhã Khanh - Hội Nhi khoa Việt Nam - Việt Nam là một trong những nước có tỉ lệ sử dụng kháng sinh không đúng chỉ định cao nhất thế giới. Tình trạng cha mẹ lạm dụng kháng sinh hoặc yêu cầu bác sĩ kê đơn kháng sinh cho con, kể cả khi bác sĩ nhận định không cần thiết, đang diễn ra phổ biến.

Điều này dẫn đến nguy cơ cao về tình trạng kháng kháng sinh ở trẻ. Khi trẻ bị kháng kháng sinh, bệnh sẽ không còn đáp ứng với loại kháng sinh đó nữa, khiến việc điều trị trở nên phức tạp hơn trong các giai đoạn tiếp theo.

Ngoài ra, việc tự ý sử dụng kháng sinh còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến phác đồ điều trị của bác sĩ. Nếu gia đình đã cho bé uống loại kháng sinh đó trong giai đoạn đầu của bệnh (khi chưa cần thiết), thì khi bệnh tiến triển hoặc bội nhiễm, bác sĩ sẽ gặp khó khăn trong việc lựa chọn kháng sinh phù hợp tiếp theo.

Nhiều phụ huynh thường có quan niệm sai lầm rằng cứ thấy con sốt, ho, sổ mũi là phải "dập kháng sinh luôn" để giúp dứt điểm bệnh sớm, tránh các triệu chứng dai dẳng gây mệt mỏi, ảnh hưởng chất lượng sống của trẻ. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không đúng.

Nguyên nhân hàng đầu gây sốt, ho, sổ mũi ở trẻ thường do siêu vi hoặc các vấn đề về dị ứng, phản ứng với thời tiết. Kháng sinh không có tác dụng với những nguyên nhân trên.

Thực tế, bệnh viêm hô hấp ở trẻ thường sẽ có giai đoạn diễn tiến và tự thuyên giảm. Cha mẹ cho con uống kháng sinh rơi vào đúng thời điểm trẻ giảm bệnh một cách tự nhiên. Chính vì thế, cha mẹ lầm tưởng là nhờ hiệu quả của kháng sinh. Trong khi thực tế dù không uống kháng sinh, bệnh cũng sẽ tự khỏi.

Bác sĩ Nhã Khanh cũng nhấn mạnh rằng, việc cha mẹ tự ý tăng, giảm liều thuốc của trẻ là hoàn toàn sai lầm. Thuốc của trẻ đã được bác sĩ kê đơn dựa trên triệu chứng lâm sàng, bệnh lý, cân nặng và độ tuổi cụ thể. Cùng một loại kháng sinh nhưng với viêm họng, viêm tai, viêm phổi thì thời gian sử dụng cũng khác nhau.

Việc tuân thủ theo toa thuốc của bác sĩ rất quan trọng, việc tự ý thay đổi liều lượng, ngưng thuốc sẽ khiến bệnh tình thêm trầm trọng và nguy cơ đề kháng kháng sinh ở trẻ (ảnh Freepik)
Việc tự ý thay đổi liều lượng, ngưng thuốc sẽ khiến bệnh tình thêm trầm trọng và nguy cơ kháng kháng sinh ở trẻ - Ảnh: Freepik

Ví dụ, viêm họng sẽ dùng kháng sinh ngắn ngày hơn viêm tai và viêm phổi. Nhưng trường hợp viêm họng do liên cầu khuẩn thì thời gian sử dụng kháng sinh có thể lên tới 10 ngày. Tự ý giảm liều hoặc giảm số ngày sử dụng kháng sinh sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị. Khi bệnh nặng hơn, bác sĩ lại phải đổi thuốc, điều này làm tăng nguy cơ kháng kháng sinh ở trẻ.

Hơn thế nữa, tự ý giảm liều kháng sinh khi thấy trẻ có dấu hiệu gần khỏi bệnh là rất nguy hiểm. Lúc này, kháng sinh đang có tác dụng kìm khuẩn lại thôi, nếu ngừng thuốc, bệnh sẽ lại bùng lên và làm cho tình trạng nhiễm trùng trở nên nặng hơn.

Đặc biệt, đối với tình trạng viêm họng bội nhiễm do liên cầu khuẩn mà không được điều trị kháng sinh dứt điểm, bệnh nhi có nguy cơ cao bị biến chứng vào tim và khớp.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI