Mạo danh quân nhân, bác sĩ, giáo viên mời gọi đầu tư

20/05/2025 - 07:10

PNO - Hàng loạt tài khoản trên mạng xã hội Facebook đang mạo danh quân nhân, giáo viên, bác sĩ… lôi kéo người dân tham gia các hình thức đầu tư tài chính “vốn ít, lời nhanh”.

Đầu tư 400.000 đồng, nhận lãi 1 triệu đồng

Tự xưng là quân nhân với mức lương khoảng 10 triệu đồng/tháng, tài khoản Trần Thị Ngọc Vũ khoe, mỗi ngày chỉ tốn khoảng 15 phút thao tác mà có thêm thu nhập 9 con số nhờ đầu tư chứng khoán dưới sự dẫn dắt của các “thầy”. Với cách nói lấp lửng, người này kêu gọi cộng đồng mạng nhắn tin để được hướng dẫn.

Một tài khoản khác đăng video ghi cảnh một phụ nữ 30 tuổi tên Hạnh ngồi trên xe sang cầm cọc tiền và tự nhận là giáo viên Trường tiểu học Lê Hồng Phong, TP Hải Phòng. Hạnh kể, từng kinh doanh thua lỗ nhưng sau đó đã trả được nợ, có thu nhập ổn định nhờ đầu tư theo hướng dẫn của một đồng nghiệp tên Thắm và kêu gọi mọi người liên hệ với “cô giáo Thắm” để được tư vấn cách làm giàu.

Tài khoản Đinh Thu Hoài đăng video quay bài báo có tiêu đề “Nóng: Thu nhập khủng của cô bác sĩ Đinh Thu Hoài, con số khiến ai cũng ao ước”. Tài khoản này có dấu tích xanh, khẳng định một phần thu nhập của “bác sĩ” Đinh Thu Hoài là nhờ đầu tư vào công ty tài chính, đồng thời mời gọi mọi người nhắn tin để được hỗ trợ. Đáng chú ý, lợi dụng việc nhiều nơi đang tinh giản biên chế, các đối tượng xấu còn tạo các video có nhân vật tự xưng là công chức, viên chức nhà nước chia sẻ về cuộc sống khó khăn, bấp bênh sau khi mất việc ở độ tuổi ngoài 40 nhưng đã khấm khá lên nhờ tham gia các quỹ đầu tư.

Khi để lại bình luận bên dưới các video này, chúng tôi liền nhận được phản hồi, trong đó giới thiệu đường dẫn (link) đến các trang web đầu tư khác nhau nhưng phương thức hoạt động giống nhau: kêu gọi góp số vốn ban đầu chỉ từ 50.000-400.000 đồng, hứa hẹn mức lợi nhuận 50% mỗi ngày. Cách thức đầu tư là đặt lệnh tăng giảm của một loại tài sản trong một khoảng thời gian nhất định; nếu đoán trúng, nhà đầu tư có thêm tiền, ngược lại thì sẽ mất tiền.

Vẫn là chiêu “thả tép bắt tôm”

Phó giáo sư, tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính - nhận định, các đối tượng xấu đang dùng chiêu trò mạo danh người nổi tiếng và các sự kiện để thu hút sự chú ý của dư luận. Ông nói, cách đây 2 năm, khi chương trình Shark Tank Việt Nam gây tiếng vang, nhiều kẻ xấu đã mạo danh các shark (doanh nhân thành đạt) để dụ dỗ người dân đầu tư vào các trang web do chúng lập ra, từ đó chiếm đoạt tài sản. Gần đây, lợi dụng các sự kiện kỷ niệm ngày 30/4 hay thông tin về tinh giản biên chế, các đối tượng xấu chuyển sang dùng hình ảnh các chiến sĩ, công chức, viên chức, bác sĩ, giáo viên để mời gọi đầu tư.

Trên mạng xã hội Facebook có rất nhiều bài viết, video mạo danh quân nhân, bác sĩ, giáo viên, công chức, viên chức nhà nước  kêu gọi đầu tư - Ảnh chụp màn hình
Trên mạng xã hội Facebook có rất nhiều bài viết, video mạo danh quân nhân, bác sĩ, giáo viên, công chức, viên chức nhà nước kêu gọi đầu tư - Ảnh chụp màn hình

Theo ông, hình thức lừa đảo không mới nhưng các đối tượng xấu biết cách đánh vào tâm lý muốn giàu nhanh của nhà đầu tư để dụ dỗ rót vốn vào các trang web xấu có tên miền và giao diện giống hệt trang web của các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước. “Chúng dụ bỏ ra khoản tiền nhỏ để đầu tư, thu về lãi khủng. Ban đầu, chúng cho nhà đầu tư thắng thật, rút được tiền, nhưng khi nhà đầu tư “say mồi”, nạp số tiền lớn thì giở trò yêu cầu nộp các khoản phí vô lý và chiếm đoạt cả tiền phí lẫn tiền đầu tư” - ông phân tích.

Từ đầu năm 2025 đến nay, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) thuộc Cục An toàn thông tin đã phát hiện gần 125.600 trang web giả mạo cơ quan, tổ chức nhà nước, ngân hàng, doanh nghiệp lớn để lừa đảo, gây thiệt hại lớn cho người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các đơn vị bị mạo danh.

Chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu - Hiếu PC, công tác ở NCSC và là Giám đốc dự án chongluadao.vn - cho rằng, các chiêu thức lừa đảo ngày càng tinh vi, khó lường; chính ông cũng bị kẻ xấu mạo danh, lập các trang Facebook giả mạo. Các trang này sao chép hoạt động của trang chính, đăng lại các sự kiện mà ông từng tham gia. Gần đây, còn xuất hiện trang web giả mạo hệ thống chống lừa đảo, sử dụng tên miền chongluadao, tự nhận là nơi tiếp nhận thông tin tố giác lừa đảo nhưng thực chất là để thu thập trái phép thông tin cá nhân như số điện thoại, số tài khoản ngân hàng nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc làm những việc phi pháp.

Ông Vũ Ngọc Sơn - Giám đốc công nghệ Công ty NCS, Trưởng ban Nghiên cứu công nghệ của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia - lưu ý, Việt Nam có hơn 40 triệu người dùng Facebook nên các tài khoản giả mạo sẽ là công cụ đắc lực để bọn lừa đảo dễ dàng tiếp cận mục tiêu. Việc rò rỉ thông tin cá nhân cũng giúp chúng có các dữ liệu cần thiết để xây dựng kịch bản lừa đảo được cá nhân hóa. Sự phát triển của công nghệ hiện đại giúp chúng tạo ra các video với hình ảnh và giọng nói chân thực, làm tăng khả năng sập bẫy của nạn nhân.

Theo ông, các cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của cộng đồng. Các tổ chức và doanh nghiệp cần tăng cường giám sát và bảo vệ thông tin người dùng. Các cá nhân cần nâng cao cảnh giác, tự bảo vệ thông tin cá nhân, tránh tham gia các nhóm không rõ nguồn gốc, tránh cài đặt ứng dụng không chính thống và luôn kiểm chứng thông tin nhận được, nhất là luôn cảnh giác với những lời mời chào đầu tư hấp dẫn, phi thực tế.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI