Chọn sống là chính mình

23/05/2025 - 14:40

PNO - Chỉ khi sống trọn vẹn, tôi mới có thể truyền cho con năng lượng tích cực và tình yêu với cuộc sống, con người xung quanh con.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Từ khi còn nhỏ, tôi đã được dạy rằng phụ nữ tốt là người biết nghĩ cho người khác, biết thấu hiểu, nhường nhịn và hy sinh. Khi làm vợ, làm mẹ càng phải biết sống cho gia đình, đặt lợi ích của mình xuống hàng sau. Tôi từng tin điều đó, đến mức lấy nó làm thước đo cho bản thân.

Tôi từng hạnh phúc khi người ta gọi tôi là “mẹ bé Bin”, như thể danh xưng ấy chứng minh tôi đã trở thành một người mẹ đúng nghĩa: chu toàn, dịu dàng, yêu thương con hết lòng - như mẹ và bà ngoại tôi đã từng. Họ đều là những người phụ nữ giỏi quán xuyến, luôn nghĩ cho chồng con trước tiên. Nhưng tôi không nhớ nổi từng có lần nào bà và mẹ đã kể về ước mơ của mình. Cũng chẳng ai biết mẹ tôi thích gì hay sợ điều gì.

Tôi từng nghĩ đó là yêu, là bổn phận, là thiên chức làm mẹ.

Cho đến một ngày, con trai tôi - mới lên 4 - nhìn tôi rồi hỏi: “Mẹ ơi, mẹ thích gì nhất trên đời?”.

Tôi không biết trả lời sao. Trong tôi khi đó chỉ có 1 câu quen thuộc mẹ tôi thường nói khi tôi còn bé xíu: “Mẹ thích con nhất trên đời!”. Đến khi đó, tôi giật mình nhận ra mình đã biến mất từ lúc nào không hay.

Tôi nhớ năm 7 tuổi, lần đầu bế một đứa bé đang khóc trong đám cưới ở quê, tôi dỗ dành, nựng nịu nó vu vơ mấy câu vô nghĩa, vậy mà nó nín. Ai cũng khen tôi có khiếu làm mẹ. Tôi thấy lòng mình reo vui, mơ mộng về một tương lai làm mẹ dịu dàng như bà, như mẹ, như các dì.

Chưa ai dạy tôi rằng là một người mẹ tốt không cần phải quên đi bản thân.

Lớn lên, điều làm tôi khó chịu nhất là nghe nhiều bạn bè, đồng nghiệp nam bày tỏ suy nghĩ họ sẽ chọn yêu một phụ nữ vì cô ấy hiền lành, biết nhún nhường, biết hy sinh… chứ không phải vì cô ấy cá tính, hài hước, thông minh hay có chính kiến. Đã một thời, người ta luôn ca ngợi những phụ nữ chịu từ bỏ sự nghiệp, tự lùi về sau để toàn tâm toàn ý lo cho chồng con. Lạ thay, bây giờ đã là thế kỷ XXI, vẫn có nhiều người vỗ tay khen ngợi điều đó.

Tôi nghĩ về mẹ tôi. Suốt tuổi thơ tôi là hình ảnh mẹ luôn âm thầm đứng sau mọi người. Mẹ chẳng bao giờ chọn món ăn vì “tụi con ăn gì thì mẹ ăn đó”. Mẹ không sắm gì cho riêng mình vì “mẹ không thích” hoặc “mẹ không cần”. Mẹ tổ chức sinh nhật đều đặn cho ba và chị em tôi, mẹ dành rất nhiều thời gian trước sinh nhật của từng thành viên để nghĩ ra những kế hoạch thú vị, để chọn những món quà làm người được tặng bất ngờ. Còn mẹ lại không có sinh nhật hoặc nếu có thì đó là những bữa ăn ngon mẹ nấu chiêu đãi cả nhà nhân… sinh nhật mẹ.

Và khi tôi đủ lớn để muốn hiểu mẹ hơn thì mẹ đã quên mất chính mình là ai. Trong suy nghĩ của mẹ chỉ còn chồng và các con.

Chúng ta ca ngợi sự hy sinh như một điều cao cả mà quên mất rằng khi một người mẹ đánh mất bản thân, đó cũng là một khoảng trống lặng lẽ trong ký ức những đứa con.

Đến một lúc nào đó, chúng sẽ tự hỏi: “Có phải vì mình mà mẹ sống một cuộc đời không thuộc về mẹ?”.

Tôi không muốn con tôi phải mang gánh nặng đó. Là một người mẹ, một người vợ, một phụ nữ có tên riêng với những sở thích, đam mê, cảm xúc riêng, tôi không cần phải vị tha để chứng minh tình yêu của mình. Tôi không cần phải quên mình để trở thành một người mẹ tốt.

Tôi học cách nói “không” với những điều khiến tôi mệt mỏi. Tôi giữ những điều nhỏ bé cho riêng mình: một buổi cà phê với bạn, một cuốn sách đang đọc dở, 3 buổi học rumba mỗi tuần. Tôi để con thấy mẹ nó cũng có thế giới riêng, có điều mình yêu, có lúc vui, có lúc buồn như một con người thực sự. Chỉ khi sống trọn vẹn, tôi mới có thể truyền cho con năng lượng tích cực và tình yêu với cuộc sống, con người xung quanh con.

Tôi không cần những lời khen biết hy sinh. Tôi cần những người chấp nhận tôi như một phụ nữ đầy đủ và đúng nghĩa. Hơn tất cả, tôi mong con mình lớn lên cũng sẽ như thế: yêu thương người khác bằng trái tim rộng mở nhưng không bao giờ đánh mất bản thân.

Thanh Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI