Thâm nhập thị trường ngà voi lậu ở TPHCM - Bài cuối

Quản lý lỏng lẻo đe dọa sự sống loài voi

28/05/2023 - 11:31

PNO - Sau khi thâm nhập thị trường mua bán ngà voi lậu ở TPHCM, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trịnh Lê Nguyên - Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) - về công tác bảo tồn voi và thực trạng mua bán ngà voi hiện nay.

 

LTS: Cuối tháng 3/2023, Cục Hải quan TP Hải Phòng đã phối hợp công an kiểm tra, bắt giữ 7 tấn ngà voi - mặt hàng bị cấm mua, bán ở Việt Nam. Sau hơn 1 tháng điều tra, phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM ghi nhận, các sản phẩm làm từ ngà voi vẫn được mua, bán ở TPHCM với giá vài chục triệu đồng/món.

Bài 1: Ngà voi ngang nhiên vào “chợ du lịch”

Bài 2: Giáp mặt đầu nậu bán ngà voi “khủng”

Phóng viên: Xin ông cho biết về số lượng voi hoang dã ở Việt Nam hiện nay? 
Ông Trịnh Lê Nguyên: Voi hoang dã ở Việt Nam đang suy giảm số lượng ở mức báo động. Những năm 1990, ước tính Việt Nam còn khoảng 1.500-2.000 cá thể voi hoang dã. Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, hiện nay, Việt Nam chỉ còn hơn 100 cá thể voi hoang dã, phân bố rải rác ở 8 tỉnh gồm Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đắk Lắk, Đắk Nông, Đồng Nai và Bình Phước. 

* Theo ông, thách thức đối với công tác bảo tồn voi hiện nay là gì?

- Thách thức lớn nhất là việc đảm bảo và duy trì sinh cảnh (hoàn cảnh sống) của chúng. Những năm qua, các khu vực rừng tự nhiên vốn là sinh cảnh của loài voi đã bị suy giảm về diện tích, suy thoái về chất lượng, phân mảnh, bị chia cắt và ngăn cách bởi các khu vực sản xuất, khu dân cư, cơ sở hạ tầng. Điều đó dẫn đến việc các quần thể voi hoang dã ngày càng ít có cơ hội để tiếp xúc, kết đàn, đảm bảo việc sinh sản tự nhiên và duy trì quần thể. 

Voi là loài động vật có chu kỳ mang thai đến 22 tháng, dài nhất trong các loài động vật trên cạn. Con non sống với mẹ trong thời gian khá dài, đến 3 năm. Với đặc tính sinh thái như vậy, khi áp lực từ môi trường bên ngoài ngày càng lớn, việc gia tăng quần thể tự nhiên của voi gặp nhiều thách thức hơn. Bên cạnh đó, vẫn còn các vụ sát hại voi để lấy ngà. 

* Đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mua bán ngà voi và các sản phẩm khác từ voi tràn lan trên thị trường, thưa ông?

- Theo chúng tôi, có 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất là, nhu cầu của một bộ phận người dân đối với các sản phẩm từ voi như đồ trang sức, trang trí bằng ngà voi, lông đuôi voi. Nhu cầu này xuất phát từ niềm tin mù quáng của họ vào cái gọi là phong thủy, tâm linh. Nhiều người không biết rằng, việc họ muốn sở hữu ngà và lông đuôi voi có thể dẫn đến cái chết của voi, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới. 

Thứ hai là, sự quản lý của các cơ quan chức năng còn thiếu chặt chẽ khiến việc mua bán ngà voi vẫn tồn tại, cả trực tiếp lẫn trực tuyến. Chỉ cần gõ từ khóa “vòng ngà voi” để tìm kiếm là có thể dễ dàng tìm thấy các trang bán hàng làm bằng ngà voi trên mạng. 

Tiệm bạc ở chợ  Bến Thành ngang nhiên quảng cáo bán ngà voi trên danh thiếp - ẢNH: S.V.
Tiệm bạc ở chợ Bến Thành ngang nhiên quảng cáo bán ngà voi trên danh thiếp - Ảnh: S.V.

* Theo ông, hiện nay, các chế tài liên quan đến việc mua bán ngà voi đã đủ mạnh hay chưa?

- Việt Nam được đánh giá là quốc gia có khung hình phạt cao nhất trong các nước Đông Nam Á đối với hành vi xâm hại, vận chuyển, mua bán động thực vật hoang dã thuộc phụ lục của Công ước CITES. 

Đơn cử, đối với hành vi buôn bán ngà voi, nếu trọng lượng dưới 2kg thì theo Nghị định 35/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp, người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 180-360 triệu đồng. Với tang vật ngà voi lớn hơn 2kg, đối tượng buôn bán bị xử lý theo điều 244, Bộ luật Hình sự năm 2017 về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm. Theo đó, mức phạt sẽ từ 500 triệu đồng đến 2 tỉ đồng, hoặc phạt tù từ 1-15 năm đối với cá nhân. Như vậy, mức xử phạt đã khá nghiêm khắc dù vẫn có ý kiến cho rằng, mức xử phạt này còn nhẹ so với lợi nhuận thu được nên chưa đủ răn đe. 

Cùng với đó, việc hợp tác thiếu chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng có thể dẫn đến sự lơ là và chậm trễ trong công tác giám sát, điều tra hành vi buôn bán động vật hoang dã trái phép, trong đó có buôn bán ngà voi.

Ông T. ở cửa hàng số 79 Hải Thượng Lãn Ông, quận 5, TPHCM chào bán sản phẩm  được làm bằng ngà voi cho một nữ du khách - ẢNH: S.V.
Ông T. ở cửa hàng số 79 Hải Thượng Lãn Ông, quận 5, TPHCM chào bán sản phẩm được làm bằng ngà voi cho một nữ du khách - Ảnh: S.V.

* Ông có kiến nghị gì liên quan đến tình trạng mua bán ngà voi ở TPHCM và Việt Nam hiện nay?

- Là thành viên của Công ước CITES, Việt Nam có trách nhiệm tuân thủ các cam kết của công ước này. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, công tác thực thi pháp luật trên thực tế vẫn còn nhiều hạn chế. Theo đó, Việt Nam cần phải giám sát và quản lý chặt nạn buôn bán ngà voi cũng như động vật hoang dã nói chung. Cần có cơ chế quy trách nhiệm cho đơn vị chịu trách nhiệm chính cũng như cơ chế phối hợp liên ngành hiệu quả. 

Ngày 31/3/2022, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 413/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Đề án tổng thể bảo tồn voi Việt Nam giai đoạn 2013-2020. Theo điều chỉnh, đề án trên được thực hiện đến hết năm 2025 và được bổ sung dự án khẩn cấp bảo tồn voi tỉnh Hà Tĩnh, dự án khẩn cấp bảo tồn voi tỉnh Quảng Nam làm dự án thành phần. 

Một trong những nội dung chính của đề án được tiếp tục triển khai là “tăng cường kiểm soát hoạt động buôn bán ngà voi và các sản phẩm của voi trong nội địa, hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu và quá cảnh các mẫu vật ngà voi…”. Chúng tôi hy vọng, các nội dung trong đề án sẽ được triển khai hiệu quả trên thực tế. Điều này không chỉ giúp bảo tồn quần thể voi còn lại của Việt Nam mà còn đảm bảo cam kết của chúng ta đối với các quần thể voi trên thế giới, đặc biệt là châu Phi - xuất xứ của các lô hàng ngà voi bị tịch thu ở Việt Nam. 

Theo ước tính, cứ 15 phút, trên thế giới lại có 1 con voi bị giết; mỗi năm, có hàng chục ngàn con voi bị giết để lấy ngà. Để bảo vệ loài voi, mỗi người dân nên là một người tiêu dùng có trách nhiệm. Trước khi mua sản phẩm bằng ngà voi, hãy nghĩ đến những con voi bị ngã xuống để tạo ra món đồ này. Hơn nữa, bạn rất có thể sẽ bị pháp luật xử lý do hành vi mua, tàng trữ ngà voi. 
* Xin cảm ơn ông. 

Quảng cáo bán ngà voi là phạm luật dù bán hay không

Hoạt động mua bán ngà voi tại các chợ và cửa hàng ở TPHCM như Báo Phụ nữ TPHCM phản ánh là vi phạm pháp luật nghiêm trọng. 
Trong trường hợp phát hiện một đối tượng quảng cáo ngà voi - kể cả trên mạng - cơ quan chức năng phải kiểm tra nhà hoặc cơ sở kinh doanh của đối tượng đó.

Nếu phát hiện ngà voi, đối tượng đó sẽ bị xử lý hình sự theo điều 244, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Trường hợp không phát hiện ngà voi, cơ quan chức năng cũng có thể xử phạt vi phạm hành chính từ 70-100 triệu đồng theo điều 50, Nghị định 158 về hành vi quảng cáo hàng cấm và yêu cầu gỡ bỏ quảng cáo.

Theo như ghi nhận của Báo Phụ nữ TPHCM thì các đối tượng rao bán ngà voi với giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng. Nếu đây là ngà voi thật, các đối tượng này sẽ bị xử phạt về tội “vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” theo điều 244, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Nghị định 35/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp. 

Nếu làm giả ngà voi và quảng cáo là thật để bán cho khách hàng với giá vài chục triệu đồng/sản phẩm thì các đối tượng này có hành vi gian dối, lừa đảo khách hàng để chiếm đoạt tài sản. Hành vi này cũng có thể bị xử lý hình sự. Do đó, cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh, xử lý nghiêm việc mua bán ngà voi như phản ánh của Báo Phụ nữ TPHCM.

Luật sư Nguyễn Tri Đức

(Đoàn Luật sư TPHCM)

Đề nghị Cục Quản lý thị trường TPHCM vào cuộc

Sau khi ghi nhận về tình trạng mua bán ngà voi ở chợ Bến Thành, chợ An Đông và các cửa hàng ở quận 5, TPHCM, ngày 29/4, Báo Phụ nữ TPHCM đã có văn bản cung cấp thông tin về hoạt động mua bán ngà voi cho Cục Quản lý thị trường TPHCM. Trong văn bản, Báo Phụ nữ TPHCM đã cung cấp địa chỉ, phương thức hoạt động của các đối tượng mua bán ngà voi, đề nghị Cục Quản lý thị trường TPHCM kiểm tra, xử lý và có thông tin phản hồi đến báo. Tuy nhiên, đến nay, báo vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi. Chúng tôi rất mong Cục Quản lý thị trường TPHCM vào cuộc sớm.

Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI