Quán chè Hoa hơn 80 năm tuổi cùng những câu chuyện nhuốm màu thời gian

05/05/2020 - 13:47

PNO - Hàng chè Hoa với thời gian tồn tại hơn cả đời người như một nhân chứng lưu giữ kí ức quý báu của Sài Gòn.

Sau gần một tháng thực hiện cách li xã hội, các hàng quán Sài Gòn đã dần mở lại và đón tiếp nhiều lượt khách ghé đến. Chắc có lẽ, ai cũng đã lên hẳn danh sách các quán quen để kịp tìm về cho thỏa "nỗi nhớ". Tôi cũng không ngoại lệ, vi vu dạo phố cùng nhỏ bạn bỗng dưng cơn thèm ngọt lại trỗi dậy. Vừa hỏi nhỏ: "Chè không mày ơi?", một cái gật đầu đồng ý mà chẳng cần hỏi đến địa chỉ, tên quán. Chẳng mấy chốc cả hai đã yên vị tại góc chè Hoa quen thuộc. 

Ở đất Sài Gòn giao thoa nhiều nền văn hóa ẩm thực nhưng tôi lại dành sự ưu tiên cho các món của người Hoa. Một phần vì sự đa dạng hương vị, công thức đòi hỏi sự chỉn chu và nguyên liệu cầu kì. Phần quan trọng hơn, mỗi quán ăn của người gốc Quảng, gốc Tiều lại gắn với một câu chuyện trải dài theo năm tháng. Bởi thế, hàng chè ở góc đường Châu Văn Liêm này đã trở thành quán "ruột" của tôi từ hồi lên Sài Gòn đến nay.

Giới thiệu đến đây, hẳn dân sành ăn hay người gốc Sài Gòn đã đoán được quán chè mà tôi đề cập. Thật khó để gọi cho đúng cái tên bởi vì từ hồi sơ khai đến nay, trải qua hơn 80 năm với 4 thế hệ người bán, quán đã để lại ấn tượng với thực khách qua rất nhiều kiểu gọi độc đáo.

Theo lời cô Hà, người nối nghiệp đời thứ 4 của quán, kể lại: "Hàng chè này do cụ tổ của tôi là Hạnh Phan gầy dựng khi di cư từ Quảng Đông về Sài Gòn từ năm 1938. Ban đầu cụ chỉ nấu một nồi chè đậu xanh, ngồi bán ở góc đường Tổng Đốc Phương (nay là Châu Văn Liêm). Hồi xưa ăn một chén chè đậu thơm mát, ngọt thanh được xem là sang chảnh, dư dả lắm. Không ngờ, hàng chè được thời nên khách ghé đến đông và dần có tiếng khắp Sài Gòn". 

Từ một nồi chè nhỏ, cụ Phan mua hẳn một chiếc xe cho tươm tất và cố định ở khoảng sân trước trạm biến áp. Vị trí đắt địa nép mình sau cây cột điện lớn nên được nhiều thực khách gọi tên thân thuộc là chè Nhà Đèn, chè Cột Điện. Chứ thật ra, ban đầu cụ đặt cho hàng chè tên là Châu Giang.

Trải qua biết bao thăng trầm cuộc sống, sự đổi thay phố phường nhưng hàng chè vẫn yên vị nơi góc xưa ngày ngày lưu giữ vị ngọt thơm, thanh mát gia truyền. Căn nhà nhỏ giờ đã bám rêu, nhuốm màu của thời gian nhưng vẫn luôn nhộn nhịp khách mỗi tối. Từ thời cô Hà đứng bán, quán thường đông đúc đến tận khuya muộn nên cái tên hài hước "chè ma" cũng ra đời từ đấy.

Bà truyền mẹ nối, con cháu thay phiên nhau giữ lửa, nhờ thế mà hương vị xưa vẫn luôn trọn vẹn. Có chăng, thay đổi cũng chỉ là sự đa dạng thêm nhiều món để đáp ứng khẩu vị nhiều khách. Hiện nay, thực đơn quán đã gom góp được gần 20 loại chè Hoa từ quen thuộc như đậu đỏ, đậu xanh, hạt sen, sâm bổ lượng... đến lạ mắt lạ miệng như hột gà trà, đu đủ tiềm, bạch quả... 

Điều tôi thích nhất ở quán chính là sự chu đáo của cô Hà từ ngày đầu đến đây. Vì là khách mới nên cô tận tình giới thiệu từng nguyên liệu, hương vị của món chè để tôi lựa chọn. Mãi sau này, trở thành "mối ruột" tôi mới có dịp hỏi "Sao cô không để họ gọi ăn thử mà kiên nhẫn giải thích thế?". Cô thẳng thắn chia sẻ, "Cô không muốn khách ăn rồi lại không hợp miệng, bỏ thì phí tiền, cô cũng tiếc chén chè đã nấu". Chỉ chi tiết nhỏ thôi cũng khiến tôi ngưỡng mộ cái tâm, cái tình cô dành cho nghề.

Thưởng thức chén chè, bạn sẽ cảm nhận rõ rệt từng hương vị đặc trưng của nguyên liệu. Chẳng hạn như món bạch quả bo bo đã làm tôi phải xuýt xoa với độ dẻo bùi, đắng dịu đúng chất của hạt bạch quả. Nhưng khi kết hợp cùng nước chè ngọt thơm, man mát lại hài hòa cuối vị giác. Hay hột gà trà là sự cầu kì trong quá trình chế biến. Cái hay là làm cho trứng thấm đều với nước trà từ ngoài vào trong và át hẳn mùi tanh đặc trưng. Nhưng vị trà lại không đậm đắng mà thanh thơm, sảng khoái.

Chè ngon Sài Gòn không thiếu, nhưng ngoài độ ngon miệng thì từng món ăn ở đây lại đong đầy dư vị của kỉ niệm. Khách quen của quán ở nhiều độ tuổi, từ lứa thanh niên trẻ đến các gia đình nhỏ. Đặc biệt là các vị khách trung niên, những người đã gắn bó với chén chè từng thuở nhỏ. Đối với họ, hàng chè  Cột Điện như một người bạn, một nhân chứng lưu giữ kí ức quý báu của thành phố này. Còn với người gốc Hoa, quán như một góc nhỏ quê hương bởi không chỉ chứa đựng vị chè truyền thống mà còn giúp họ thoải mái xì xào tiếng mẹ đẻ cho thỏa nỗi nhớ.  

Dù có nhiều cơ hội mở rộng quán, tìm địa chỉ tươm tất hơn nhưng cả gia đình cô Hà vẫn luôn muốn gắn bó cùng góc nhỏ này. Mỗi thành viên đều tâm niệm, phải luôn giữ gìn truyền thống quý báo do ông bà đã gầy dựng. Và đấy cũng là niềm tự hào của họ mỗi khi nhắc đến quán chè gia truyền này.

Địa chỉ: 476 - 478 Trần Hưng Đạo B, Quận 5

Giờ mở cửa: 16 giờ - 0 giờ

Giá: 18.000 - 28.000 đồng/phần

Trúc Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI