“Quái vật bạc đầu”

21/11/2021 - 16:52

PNO - Sau một ngày hoạt động đến nỗi chân run gối mỏi, ăn chén cơm nóng với cá bạc đầu kho tộ, vị ngon quyến rũ một cách khó tả, nhất là trong khoảng thời gian lúa gạo khan hiếm và cuộc sống muôn vàn thiếu thốn khó khăn.

Khi bà ngoại mang bầu cậu Út, má cũng đang mang thai tôi. Tôi thậm chí lớn hơn cậu vài tháng tuổi, vì vậy những người bạn trang lứa đầu đời của tôi chính là các cậu, các dì. 

Chúng tôi lớn lên ở ngoại ô, nơi vùng đất trũng nhiễm phèn, ngập mặn. Phía sau dãy nhà làng xóm là cánh đồng rộng mỗi năm chỉ cấy một vụ lúa. Sau cánh đồng là khu vực đất hoang rất rộng chưa ai khai phá. Người lớn trong làng gọi đó là khu mười mẫu, để ước lượng diện tích của nó. Mười mẫu là vùng đầm lầy với nhiều cỏ năng, lau sậy và cây dừa nước. Ở đó cũng có rất nhiều cá bạc đầu sinh sống.

Bạc đầu là loài cá bé, khi trưởng thành chỉ bằng đầu đũa, hình dáng tựa như con cá lóc thu nhỏ. Chúng sống theo đàn, thường nổi trên mặt nước, có một chấm bạc lấp lánh trên đầu. Vào những ngày nắng to, không biết cá bạc đầu ở đâu kéo đàn nhiều vô kể trên mặt nước khắp khu mười mẫu và các ruộng lúa. 

Ông ngoại làm một cây vợt lưới mành cán gỗ hình bầu dục để bắt loài cá nhỏ ấy. Những trưa nắng chang chang, tôi theo các dì các cậu ra đồng xúc cá. Chúng tôi bẻ một số lá cây bỏ vào rổ làm chỗ trú ngụ cho cá, cẩn thận đặt một cái thau bên ngoài để rổ cá có thể nổi trên mặt nước. Đứa lớn nhất làm “trưởng đoàn”, tay cầm cán đặt vợt tựa vào mép nước, đám còn lại bao vây đàn cá, tạo thành một vòng tròn. Chúng tôi cùng nhau xua nước, thu nhỏ vòng vây, lùa cá vào lưới. 

Tôi và cậu Út là hai đứa trẻ nhỏ nhất bọn, vừa làm vừa nghịch. Nhiều lúc vui quá nên hai đứa đập nước bắn tung tóe, nhảy bổ nhào vào vợt, khiến mớ cá trong vợt hốt hoảng chạy ngược ra. Dì và các cậu lớn mắng một trận, hai đứa nhỏ giận dỗi ngồi khóc trên bờ, khóc từ lúc quần áo ướt cho đến khi mọi thứ khô ráo thì quên, lại nhào xuống phá tiếp.

Tôi thường tưởng tượng khu mười mẫu là vùng đầm lầy có nhiều quái vật. Nước ở đó không sâu nhưng đất rất dễ lún. Chính xác thì có vẻ nó không có đất trên lớp mặt, sau tầng nước chỉ có lớp rác cỏ phân hủy đã nhiều năm. Đôi khi mê mải đuổi theo đàn cá, tôi và cậu Út bị sa vào bãi lầy, bùn nước ngập tới cổ, không có cách nào vượt qua. Các cậu lớn một tay bám vào cây cỏ, một tay đưa ra kéo chúng tôi lên. Bây giờ nhớ lại, đó là tình huống nguy hiểm cho một đứa trẻ. Nhưng ngày đó, chúng tôi không biết nghĩ như vậy.

Sau gần một ngày rẽ nước lội bùn, đứa trẻ nào cũng mệt lả, bụng đói, chân mỏi. Nhưng cầm rổ cá nặng tay, cả bọn hớn hở nhảy chân sáo trở về. Chúng tôi ra sông tắm gội trong khi mẹ hoặc bà ngoại làm cá. Lần nào bắt được nhiều không ăn hết, ngoại đem bán bớt cho hàng xóm, chúng tôi sẽ có tiền mua quà bánh khi đến trường.

Bạc đầu là loài cá sạch, chỉ cần chà cho tróc lớp vảy, bà ngoại cho vào một ít muối rồi dùng tay chà xát cá trong rổ tre, sau đó rửa vài lần nước. Cá được kho trong tộ, rưới thêm ít mỡ heo và nấu đến khi khô lại, bốc mùi thơm lừng. 

Sau một ngày hoạt động đến nỗi chân run gối mỏi, ăn chén cơm nóng với cá bạc đầu kho tộ, vị ngon quyến rũ một cách khó tả, nhất là trong khoảng thời gian lúa gạo khan hiếm và cuộc sống muôn vàn thiếu thốn khó khăn.

Bây giờ, cánh đồng sau nhà không còn trồng lúa. Tất cả đã là vườn cây trái. Khu đất hoang mười mẫu cũng đổi diện mạo, trở thành những ao cá cảnh. Con cá bạc đầu bé nhỏ chỉ còn lại trong ký ức tuổi thơ của tôi và các dì các cậu. Đôi khi ngán mấy loại thực phẩm nhiều năng lượng, mẹ tôi buột miệng ước được ăn một bữa cơm nóng với bạc đầu kho tộ như xưa. Ước mơ bất chợt của mẹ khiến tôi nhớ hoài hình bóng những đứa trẻ và đàn cá nhỏ trên đồng. 

Việt Quỳnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI