Quà quê của mẹ

10/04/2020 - 07:26

PNO - Một quả bưởi đúng mùa, cân măng tươi, chục trứng gà, rồi hạt đỗ, vừng, củ nén. Đôi khi mẹ còn gói cho mấy bó lá lốt, rau me, tiêu xanh cay xè…

Tuổi thơ đi qua, như cơn mưa đã dứt. Tôi bây giờ đã là bà mẹ hai con, có một mái nhà ấm êm ở phố, thế nhưng mỗi lần nghe điện của mẹ bảo “hết gạo chưa mẹ gửi thêm” lại bổi hổi bồi hồi. Gạo ruộng ngon và sạch, hương vị đậm đà của mùa mới đã đành, nhưng có lẽ điều làm tôi khắc khoải nhất chính là tình cảm, sự dõi theo của mẹ.

Chúng như thứ nước trong vắt, mát lành, rỉ lên từ lòng đất, tháng ngày cứ âm ỉ tưới tắm, làm dịu lại những khô cằn. Tôi không ngừng nghĩ về mảnh vườn, cánh đồng, biền bãi, về dòng sông, hàng rào, bờ giậu… những nơi chốn mà ánh mắt và nụ cười những đứa con nít như tôi cách đây 20 năm từng trong trẻo đậu lên. Và bây giờ, những nơi đó hằng ngày vẫn đều đặn dâng cho mẹ những sản vật ngon ngọt, để mẹ gửi tặng con cháu và những người thân quen của mình. 

Ai không phải là người ở quê, hay ít ra từng được lớn lên từ đó sẽ vội vàng đánh giá sai về giá trị của quà quê. Quà quê ngon vì chúng chính là đặc sản vùng miền? Không phải đâu. Quà quê không phải khi nào cũng là đặc sản. Quà quê là những thực phẩm quen thuộc có sẵn trong vườn nhà, thu hái phút chốc trên biền bãi.

Một quả bưởi đúng mùa, cân măng tươi, chục trứng gà, rồi hạt đỗ, vừng, củ nén. Đôi khi mẹ còn gói cho mấy bó lá lốt, rau me, tiêu xanh cay xè… Ở quê hàng vừa rời tay, mẹ đã gọi điện ngay thông báo. Với tôi, cảm giác ngóng xe vào bến cũng háo hức, thấp thỏm y chang niềm vui chờ mẹ đi chợ ngày nào. 

Một món quá khác được khoe trên mạng xã hội
Một "món quà của mẹ" khác được khoe trên mạng xã hội

Đôi khi vì nhiều lẽ mà người ở phố không cảm nhận rõ nhịp bước của thời gian. Nắng to đã có máy lạnh, mưa nhiều cũng chẳng mấy khi đến chân. Môi trường và điều kiện sống quen thuộc chính là trong những tòa nhà công sở không mấy hào hứng với việc đón nhận khí trời.

Vậy nên những món quà quê của mẹ chính là “cánh cửa” để con gái có thể cảm nhận về năm tháng, mùa màng dễ dàng nhất. Quà quê mẹ gửi thường mùa nào thức nấy. Mùa xuân có rau me, bông bí, đọt lang. Mùa hè có bưởi, chanh, măng, khế. Mùa đông thì muối mè, muối ruốc sả, dứa sấy, đồ khô…

Thời buổi 4.0, những ngày đồ tươi mẹ gửi dùng không hết, con gái chỉ cần chụp một bức ảnh, mở máy online đăng đàn, lập tức hội bỉm sữa sẽ nháo nhào vào comment đòi chia quà. Dùng riết đâm nghiện, mẹ của mình thành mẹ của bạn, quê của mình thành quê của bạn. Những công thức nấu nướng dân dã mang tính chất vùng miền cũng được chia sẻ nhiệt tình, nhóm kín thành nhóm mở, rồi mở hơn. Rõ ràng, nhờ chút quà của mẹ mà nhịp sống của con gái “tình” hơn.

Quà quê đâu chỉ dành riêng cho con gái, cho chị em ruột thịt trong nhà. Quà quê còn để tặng người đồng hương, cho bạn bè lâu ngày gặp lại, cho những người quen. Mẹ sớm hôm vất vả ky cóp, đến cái túi ni-lông cũng không để thừa, giắt đầy kẹt cửa, vậy mà lại rộng rãi vô chừng khi trao gửi quà quê.

Nếu là bưởi, mẹ phải chọn trái nào to nhất, láng da, cầm nặng tay. Trứng gà thì phải là trứng gà so. Rồi rau bí, quả na, ớt hiểm… cái gì cũng phải tươi tắn, xanh non. Sự chu đáo của người cho khiến người nhận ở phương xa càng thêm bồi hồi, ngỡ mình nhỏ lại.

Ở phố bây giờ mọc lên khá nhiều siêu thị mini, các cửa hàng rau củ hữu cơ, mỗi loại thực phẩm bán ra đều được niêm phong sạch sẽ, đính kèm nhãn mác chứng minh thương hiệu, nguồn gốc. Vậy mà nhiều khách hàng vẫn cầm lên đặt xuống nghi ngờ, phân vân về hương vị.

Ai nấy chỉ tuyệt đối niềm nở khi tận tay nhận được một giỏ quà quê. Nụ cười ấy chính là dấu son tín nhiệm tấm lòng “của một đồng công một nén” của người quê, nụ cười ấy chính là lời hẹn ước lúc nào có dịp, nhất định sẽ ghé về thăm những triền đất thơm thảo ngọt lành. 

Minh Thi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI