Phụ huynh "phát sốt" với tiền trường đầu năm

05/10/2016 - 06:15

PNO - Nhiều năm nay, cứ đầu năm học là rất nhiều trường bị phụ huynh “tố” lạm thu mà người “hỗ trợ” ban giám hiệu lạm thu chính là các Ban đại diện cha mẹ học sinh.

“Hết gắn máy lạnh đến lắp máy chiếu, món nào cũng tiền triệu. Phụ huynh (PH) chúng tôi không phải kho bạc, nhiều người rất khó khăn. Nhưng, ai dám đứng ra nói mình không có tiền đóng khi hầu hết PH đều đồng ý với đề xướng của Ban đại diện cha mẹ học sinh (CMHS)?” một PH bức xúc nói, sau buổi họp PH đầu năm.

Đủ kiểu thu

Nhiều phụ huynh (PH) ở TP.HCM phản ánh, thời lượng họp PH chỉ 1-2 giờ nhưng phần lớn thời gian không dành cho những mục tiêu học tập của học sinh (HS) mà được quan tâm và tranh luận nhiều nhất là các khoản tiền đầu năm học.

Mới đây, sau khi kết thúc buổi họp, PH ở Trường THPT Thủ Thiêm (Q.2) đã tá hỏa khi thấy các khoản thu đầu năm lên đến tiền triệu. Cụ thể, các khoản tiền nhà trường thông báo gồm: học phí (tháng 9 - tháng 12) là 480.000đ; bảo hiểm (y tế và tai nạn): 508.000đ; sử dụng tin nhắn: 50.000đ/học kỳ/HS; quỹ cha mẹ học sinh (CMHS): 200.000đ/học kỳ; chữ thập đỏ: 15.000đ/năm; hỗ trợ vệ sinh: 35.000đ/tháng/ HS; giấy thi: 60.000đ/học kỳ; chuyên đề tự chọn nâng cao: 180.000đ/tháng; học bơi: 140.000đ/HS... Ngoài ra, còn có thêm khoản thu “hiện đại hóa phòng học” 300.000đ/ tháng để lắp máy lạnh và camera. “Chúng tôi phản ứng rất dữ nên trường tạm ngưng thu những khoản vô lý này, nhưng chắc cũng không thoát được, rồi cũng phải đóng thôi”, một PH bức xúc.

Phu huynh

Nhiều PH có con học tại Trường THPT Tân Phong (Q.7) cũng mang tâm trạng tương tự. Đưa chúng tôi xem phiếu thu tiền đầu năm vừa nhận được, ông Phạm Văn T. nói: “Tính sơ sơ cũng gần 1,3 triệu đồng, nếu cho con nghỉ trưa lại trường, còn phải đóng thêm 100.000-120.000đ”.

Ngoài những khoản thu phổ biến, trường còn thu những khoản khác như ấn phẩm học kỳ I 35.000đ/HS; giấy thi, đề thi, giấy nháp 30.000đ/HS; học chuyên đề 200.000đ/HS/ tháng; học tự chọn 200.000đ/ HS/tháng; học trải nghiệm 48.000đ/HS/tháng…

Nhìn bảng thu này, không ít PH băn khoăn tại sao tiền ấn phẩm đã đóng rồi lại còn thêm khoản giấy thi, đề thi; đã thu học phí chính khóa rồi còn thu thêm các khoản tiền học chuyên đề, tự chọn là thế nào; máy tính thực hành do Nhà nước trang bị sao HS vẫn phải đóng phí 25.000đ/học kỳ để thực hành?

PH có con học tại Trường THCS Lê Quý Đôn (Q.3) cũng “phát sốt” khi nghe kế hoạch thu tiền đầu năm. PH K.H. cho biết: “Đầu năm học bao nhiêu thứ tiền phải lo: quần áo đồng phục, cặp sách… thứ nào cũng cần tiền. Kế hoạch của trường dự kiến sẽ thu thêm tiền tin nhắn điện thoại 120.000đ/ năm/HS; tiền điện sử dụng máy lạnh 25.000đ/tháng/HS; quỹ PH 400.000đ/năm/HS; tiền thay sách giáo khoa tiếng Anh 280.000đ/bộ…

“Khủng nhất là tiền trang bị máy chiếu riêng cho 36 lớp, tính ra phải đóng 14 triệu đồng/lớp. Đáng nói là trước đó đã có một số lớp có sẵn máy chiếu nhưng tất cả vẫn phải đóng tiền thì thật vô lý. Nghe đâu khoản thu này đã được sự đồng ý của ban đại diện”, một PH lớp 6 phàn nàn. Khi chúng tôi liên lạc với hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn để tìm hiểu về những khoản thu PH phản ánh thì vị này báo bận, sẽ liên lạc lại sau.

Chỉ còn biết kêu khổ!

Nhiều năm nay, cứ đầu năm học là rất nhiều trường bị PH “tố” lạm thu mà người “hỗ trợ” ban giám hiệu lạm thu chính là các Ban đại diện CMHS. Với việc thu - chi như vậy, Ban đại diện CMHS đã đánh mất lòng tin với PH và làm khổ cả giáo viên (GV).

Phu huynh
Phụ huynh đóng các loại quỹ, khoản tiền ngay tại buổi họp phụ huynh đầu năm.

Mới đây, trong buổi làm việc với Ban đại diện CMHS một trường THCS tại Q.9, nhiều GV đã có thái độ bất bình. Trước khi làm việc với PH lớp mình, các GV chủ nhiệm được hiệu trưởng “bố trí” làm việc với Ban đại diện CMHS trường.

Một vị trong ban đã triển khai việc thu quỹ với mức thu 100.000đ/ HS/ năm, gọi là “tự nguyện” nhưng GV chủ nhiệm phải thống nhất nói với PH là bắt buộc đóng và thu ngay. Vị này còn nói thêm: “Nói tự nguyện mà không bắt buộc là không ai đóng đâu!”.

Đến lượt phát biểu, ông hiệu trưởng tiếp tục “điệp khúc” tiền nong, chỉ đạo các GV về lớp làm việc với PH trong vòng 45 phút, sau đó đem nộp toàn bộ biên bản, tiền bạc… về văn phòng.

 “Đề cập đến các khoản tiền là vấn đề nhạy cảm mỗi đầu năm học, thu tiền không phải chuyện dễ, người trong cuộc cũng chịu nhiều áp lực” - ông Hoàng Sơn Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Tân Phong tâm sự. Ông Hải giải thích: “Hai khoản thu học chuyên đề và học tự chọn 400.000đ/tháng thực ra là học phí buổi thứ hai, chỉ một cách gọi tên của những giờ học này.

Sở GD-ĐT cho phép các trường thu từ 200.000-300.000đ và chúng tôi bàn với ban đại diện thống nhất thu 300.000đ. Do nhiều HS học lực yếu nên PH cứ đòi tăng thêm 3-4 tiết/tuần. Bản thân tôi không đồng ý vì ngại kiện cáo nhưng PH vẫn yêu cầu nên phải chấp nhận.

Với số tiết tăng thêm, chúng tôi chỉ thu thêm 100.000đ/tháng so với quy định. Chuyện thu tiền học trải nghiệm cũng vậy, ngoài việc để HS vui chơi thì còn thành lập các câu lạc bộ khoa học kỹ thuật, võ thuật, tổ chức xe đưa đón HS đi thảo cầm viên, bảo tàng, mời báo cáo viên dạy kỹ năng sống… tất cả đều cần tiền.

Rồi máy tính được trang bị sẵn nhưng hư hỏng, cũng cần tiền sửa chữa, chúng tôi phải xã hội hóa. Do HS đa phần con em lao động, người nhập cư nên chúng tôi chỉ thu rất thấp. Ví dụ, phí bán trú quy định phải hơn 200.000đ/tháng nhưng chúng tôi chỉ thu 100.000- 120.000đ/tháng nếu HS ở lại nghỉ trưa”.

Thực tế, với việc thu - chi không minh bạch, ban giám hiệu và ban đại diện CMHS nhiều trường đã đánh mất lòng tin với PH, đẩy quan hệ giữa nhà trường và CMHS thành một mối quan hệ thực dụng, đối phó hơn là đồng cảm, chia sẻ khó khăn.

Ái Nhân - Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI