Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: Quản lý chặt thời gian lao động và khám sức khỏe tài xế xe tải

04/01/2019 - 18:23

PNO - Bên cạnh nguyên nhân khách quan do người điều khiển phương tiện vi phạm luật giao thông gây tai nạn nghiêm trọng, còn có yếu tố điều kiện kết cấu hạ tầng, quản lý nhà nước, chủ xe...

Ngày 4/1, Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 được tổ chức dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia.

Liên quan đến tình trạng tai nạn giao thông làm chết nhiều người, thiệt hại lớn về tài sản, gây bức xúc trong dư luận, ông Bình cho rằng, nguyên nhân do lái xe chủ quan khi điều khiển phương tiện, mệt mỏi, ngủ gật do làm việc quá thời gian quy định, vi phạm nồng độ, sử dụng chất ma túy. Bên cạnh đó, còn có yếu tố liên quan đến điều kiện kết cấu hạ tầng, quản lý nhà nước, quản lý của chủ xe và cả ý thức của hành khách.

Pho Thu tuong Truong Hoa Binh: Quan ly chat thoi gian lao dong va kham suc khoe tai xe xe tai
Hiện trường xe container gây tai nạn thảm khốc tại huyện Bến Lức (Long An) khiến hơn 20 người thương vong ngày 2/1

Phó Thủ tướng nhấn mạnh những trường hợp vi phạm an toàn giao thông dứt khoát phải phạt thật nặng. Việc thi, cấp giấy phép lái xe phải nghiêm, xem xét tuổi tác phải đủ nhận thức về trách nhiệm xã hội, đủ kinh nghiệm mới được cấp phép lái xe tải nặng, xe container. Cùng với đó, siết chặt quy định pháp luật về quản lý thời gian lao động và khám sức khỏe của lái xe vận tải đường bộ. Xây dựng văn hóa an toàn trong cơ quan cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng thực thi công vụ và doanh nghiệp vận tải, tuyên truyền văn hóa giao thông liên tục, để ý thức giao thông thấm vào trong từng người, từ trẻ em mầm non đến người cao tuổi thấy được trách nhiệm của mình trong khi tham gia giao thông.

Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, năm 2019 sẽ sửa Luật Giao thông đường bộ để tăng cường quản lý nhà nước, xử nghiêm các vi phạm, đảm bảo tính nghiêm minh. Bộ trưởng cam kết sẽ tập trung khắc phục tình trạng yếu kém trong công tác duy tu, sửa chữa, cải tạo kết cấu hạ tầng, tập trung nguồn vốn để xử lý dứt điểm khoảng 200 “điểm đen”, đảm bảo an toàn giao thông.

Về công tác sát hạch, đào tạo, theo Bộ trưởng, sẽ triển khai sát hạch đào tạo cấp phép lái xe theo hướng tăng cường câu hỏi lý thuyết, yêu cầu đảm bảo chất lượng cao để các lái xe nắm vững lý thuyết, nhất là đối với lái xe container, xe tải. Đồng thời, xác định một số lỗi vi phạm có thể cho trượt ngay như vi phạm biển báo đường sắt, vượt đèn đỏ ở ngã tư, vị trí đèo dốc vì những lỗi này không có thời gian khắc phục khi xảy ra vi phạm, ảnh hưởng nghiêm trọng. Cùng với đó, giám sát cả đạo đức lái xe trong quá trình lái xe, nâng cao trách nhiệm của lái xe với cộng đồng xã hội.

Về vấn đề các trạm BOT, Phó Thủ tướng cho biết, đây là chủ trương huy động nguồn lực của xã hội để làm cơ sở hạ tầng, phát triển đất nước. Thời gian qua đã phát hiện và xử lý nghiêm đối với những tiêu cực, tham nhũng. Doanh nghiệp vi phạm, kéo dài thời gian thu phí là phải xử lý nghiêm, nhưng việc này khác với nghĩa vụ đóng phí BOT của người tham gia giao thông.

Có một số ít nhóm người xấu vận động với danh nghĩa “Bạn hữu đường xa”, nhóm phóng viên nhà báo, nếu tiếp tục kích động gây rối là phải xử lý.

“Không chấp nhận một xã hội văn minh mà đi kích động, biểu tình gây rối. Làm như thế là gây ùn tắc giao thông tại các trạm BOT, gây hao tổn tiền của, công sức của xã hội vì động cơ không lành mạnh”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Theo Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, tính từ ngày 16/11/2017 đến 15/11/2018, toàn quốc xảy ra 18.736 vụ tai nạn giao thông, làm chết 8.248 người, bị thương 14.802 người. So với cùng kỳ năm 2017, giảm 1.348 vụ, giảm 33 người chết và 2.238 người bị thương. Trong đó, tai nạn giao thông đường bộ chiếm tỷ lệ cao với 18.490 vụ, làm chết 8.079 người, bị thương 14.732 người. Tai nạn giao thông đường sắt xảy ra 147 vụ, làm chết 119 người, bị thương 60 người. Đường thủy xảy ra 83 vụ, làm chết 46 người, làm bị thương 6 người và hàng hải xảy ra 16 vụ, làm chết 4 người, bị thương 4 người.

Có 44 tỉnh, thành phố có số người chết vì tai nạn giao thông giảm so với cùng kỳ năm 2017, trong đó 17 địa phương giảm trên 10% số người chết. Tuy nhiên, vẫn còn 18 địa phương có số người chết vì tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ, trong đó 6 tỉnh tăng trên 10% là: Thừa Thiên - Huế, Hải Dương, Cao Bằng, Kiên Giang, Hậu Giang, Bắc Giang trong đó, có 3 tỉnh có số người chết tăng trên 20% là: Kiên Giang, Hậu Giang và Bắc Giang.

Tai nạn giao thông trên cao tốc và quốc lộ tăng so với bình quân năm 2017, trong đó, số lái xe ô tô gây tai nạn giao thông chiếm 33,5% (tăng cao so với bình quân năm 2017, 24,3%). Số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng có giảm nhưng số người chết tăng; riêng 4 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe ô tô chở khách tại Kon Tum, Cao Bằng, Quảng Nam và Lai Châu làm 34 người chết, bình quân hơn 8 người chết trong mỗi vụ.

B.T.N.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI