Phó thủ tướng họp đột xuất với 6 tỉnh để ứng phó bão số 8

12/10/2021 - 18:24

PNO - Chiều 12/10, Phó thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp đột xuất của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống thiên tai về ứng phó bão số 8.

Tham dự cuộc họp có lãnh đạo 6 tỉnh: Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế tại các đầu cầu trực tuyến.

Tại cuộc họp, Phó thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, theo thông tin gần nhất, cơn bão số 8 đang di chuyển rất nhanh. Do đó, Phó thủ tướng tổ chức cuộc họp đột xuất với các địa phương dự kiến chịu tác động của cơn bão này.

Theo Phó thủ tướng, bão số 7 không phải là cơn bão mạnh nhưng vẫn xảy ra những trường hợp thiệt hại như tàu đắm ở Thái Bình hay 2 người chết ở Yên Bái. Vì vậy, Phó thủ tướng nhấn mạnh không được chủ quan, cần phải tập trung tuyên truyền, từ tỉnh ủy, thành ủy tới các quận, huyện, xã, phường và tổ dân cư.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì họp ứng phó bão số 8. Ảnh: VGP
Phó thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì họp ứng phó bão số 8 - Ảnh: VGP

Ở đầu cầu tỉnh Nghệ An, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu cho biết, theo dự báo, bão số 8 sẽ ảnh hưởng trực tiếp Nghệ An, lượng mưa có thể lên tới 200-300mm. Hiện ở Nghệ An có rất nhiều hồ, đập (hơn 1.000 hồ).

"Đến giờ lượng mưa bình quân lớn hơn các năm, với lượng hồ đầy nước như vậy thì rất nguy hiểm vì toàn hồ đập nhỏ, hồ xây dựng đã lâu, đã tổ chức trực 24/24 để kịp thời ứng phó khi có tình huống bất ngờ" - ông Hoàng Nghĩa Hiếu nói.

Cũng theo ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Nghệ An có 5 kịch bản sơ tán dân ven biển ứng với từng cấp độ bão, nước biển dâng. Tuy nhiên, khó khăn hiện tại là hiện có 6.500 lao động từ các tỉnh, thành phía Nam đổ về đang phải cách ly tập trung. Nơi sơ tán dân đã dùng làm nơi cách ly tập trung, do đó tỉnh đang rà soát tìm nơi mới để sơ tán dân.

Ngoài ra, miền núi Nghệ An có độ dốc phức tạp, đang có 33 điểm sạt lở núi từ năm 2020. Từ chiều và đêm nay (12/10), tỉnh đang di dời, sơ tán dân đến nơi an toàn…

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo, bão số 8 di chuyển nhanh, đạt cường độ mạnh nhất cấp 11, giật cấp 14 trong ngày 12-13/10 khi di chuyển trên khu vực Bắc biển Đông đến gần đảo Hải Nam, Trung Quốc. Bão đi vào Vịnh Bắc Bộ với sức gió cấp 8, giật cấp 10 vào rạng sáng 14/10. Dự kiến đổ bộ vào khu vực Thanh Hóa - Quảng Bình trong sáng đến trưa 14/10.

Từ chiều 13-14/10, Bắc Bộ và Quảng Trị có mưa từ 100 - 150mm/đợt, có nơi trên 200mm/đợt. Thanh Hóa - Quảng Bình có mưa 150 - 250mm/đợt, có nơi trên 300mm/đợt. Từ ngày 15/10, Bắc và Trung Trung bộ có khả năng xảy ra đợt mưa lớn.

Từ ngày 13-15/10, từ Thanh Hóa - Quảng Trị xảy ra một đợt lũ với đỉnh lũ ở thượng lưu lên mức BĐ1-BĐ2, có sông trên BĐ2, riêng sông Thao (tỉnh Yên Bái) và sông Bôi (tỉnh Hòa Bình) ở mức BĐ2. Hạ lưu các sông chính còn dưới mức BĐ1.

Về công tác phòng chống bão, đã kiểm đếm, hướng dẫn 233.335 người trên 53.944 tàu. Có 7 tỉnh duy trì cấm biển gồm Quảng Ninh, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế đã cơ bản thu hoạch xong lúa mùa.

Báo cáo cho biết, hệ thống đê biển, đê cửa sông các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế có tổng chiều dài 708km (346km đê biển, 362km đê cửa sông), 33 vị trí xung yếu và 13 công trình đang thi công. Các vị trí trực diện biển cần quan tâm: đê biển Nga Sơn (tỉnh Thanh Hóa), đê cửa sông tả Thái (tỉnh Nghệ An), đê biển Vĩnh Thái (tỉnh Quảng Trị), kè biển Phú Thuận (tỉnh Thừa Thiên - Huế).

Chi Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI