Phim tài liệu về dịch bệnh: Ám ảnh và ấm áp

27/09/2021 - 06:59

PNO - Những bộ phim tài liệu về dịch COVID-19 phát sóng thời gian qua đem đến cái nhìn ám ảnh, vì phơi bày sự thật khốc liệt của cuộc chiến chống dịch, nhưng đồng thời đó cũng là những thước phim đầy ấm áp bởi tình người trong thời dịch.

Sau bộ phim tài liệu Ranh giới gây nhiều tiếng vang, phần tiếp theo của phim Ngày con chào đời một lần nữa đưa người xem đến rất gần với sự tàn khốc của dịch bệnh. Câu nói “Đàn bà đi biển mồ côi một mình” càng thấm thía hơn khi đi kèm với những hình ảnh kể về hành trình sinh con thời dịch của những sản phụ mắc COVID-19. 

Một số hình ảnh gây xúc động trong phim tài liệu Ngày con chào đời phát sóng trên VTV
Một số hình ảnh gây xúc động trong phim tài liệu Ngày con chào đời phát sóng trên VTV

Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đã và đang đối mặt với cuộc chiến chống dịch đầy cam go như những gì ở Ranh giới hay Ngày con chào đời lột tả. Hai tác phẩm này chỉ là hai trong số hàng chục phim tài liệu đề tài dịch COVID-19 khiến người xem tò mò, xúc động khi lên sóng thời gian qua. 

Không chỉ ở Ranh giớiNgày con chào đời, người xem mới nhận ra những nỗ lực hy sinh của đội ngũ y, bác sĩ ở những bệnh viện tuyến đầu điều trị cho những bệnh nhân COVID-19, mà điều này cũng được phản ánh trong các tác phẩm tài liệu khác như hai tập phim Dã chiến và Ngày vềCùng nhau vượt qua đại dịch (HTV), Chuyện ở thành phố thức (VTV). Trong đó, những câu chuyện diễn ra ở Bệnh viện Dã chiến số 6 được nhiều phim đề cập nhất và để lại ấn tượng mạnh mẽ nhất, khi khắc họa toàn cảnh những gì lực lượng y tế đã tận hiến, xứng đáng với cụm từ “thiên thần áo trắng” mà mọi người dành tặng. 

Những hình ảnh ấm áp trong phim tài liệu Ranh giới
Những hình ảnh ấm áp trong phim tài liệu Ranh giới

Đó là chuyện bác sĩ Phan Trung Hiếu với sáng kiến mua bộ chia ô-xy dùng trong hồ cá để sử dụng vào việc chia một bình ô-xy cho năm, sáu bệnh nhân dùng trong tình trạng bình khan hiếm. Là chuyện về một điều dưỡng (giấu tên) phát hiện mình mắc bệnh ung thư nhưng vẫn xin được làm việc tiếp, vì biết nơi này các đồng nghiệp cũng đang căng mình phục vụ. Là chuyện bác sĩ Trần Văn Tiến “mát tay” cứu một bệnh nhân 82 tuổi suy thận nặng, nằm một chỗ nhiều năm, thoát khỏi cửa tử, nhưng sau khi bà xuất viện thì đến lượt anh dương tính. Con số hơn 700 y, bác sĩ phục vụ cho 8.000 bệnh nhân ở đây, và hơn 100 người trong số họ đã trở thành F0 nhưng vẫn tranh thủ thăm khám điều trị cho bệnh nhân quả thật là những con số lay động lòng người.

Cung cấp nhiều kiến thức về phòng, chống dịch 

Ngoài những phim về cuộc chiến chống dịch kể trên, màn ảnh nhỏ thời gian qua cũng có nhiều phim tài liệu chuyên sâu, bám sát các vấn đề liên quan đến dịch bệnh, nhất là vấn đề vắc-xin. Những tác phẩm như Vắc-xin COVID-19 khát vọng Việt Nam, Vắc-xin không chờ đợi, Vắc-xin - Vũ khí trong đại dịch, Cuộc chiến mang tên vắc-xin, Cuộc chiến với các biến thể, Khúc quanh trong đại dịch giúp khán giả phần nào hiểu rõ hơn về các loại vắc-xin hiện có, các biến thể vi-rút hay việc tiêm vắc-xin sớm sẽ mang lại những hiệu quả như thế nào. 

Có nhiều thông tin thú vị về dịch bệnh được các phim đề cập, chẳng hạn so với các dịch bệnh khác, vi-rút SARS-CoV-2 - không có nhiều chất liệu di truyền, chỉ có 15 gen di truyền so với vi khuẩn E.coli có đến 3.000 gen. Tuy nhiên, COVID-19 có cơ chế kiểm tra di truyền, khiến nó thành thạo trong việc tránh những lỗi sai khi nhân lên so với hầu hết các vi-rút khác. Hay việc một người mắc COVID-19 có thể mang 10 tỷ bản sao vi-rút đủ để tạo ra hàng tỷ đột biến mỗi ngày. Những thông tin chính xác, thiết thực và chính thống được các phim cung cấp giúp khán giả tránh được sự hoang mang, nâng cao hiểu biết về vắc-xin trong thời điểm cả nước đang triển khai tiêm vắc-xin trên diện rộng. 

Ngoài lực lượng y tế, những bộ phim tài liệu về dịch bệnh còn hướng đến những đối tượng khác như đội ngũ tình nguyện viên, các mạnh thường quân, nhà hảo tâm hay những bệnh nhân đã khỏi bệnh. Càng ở trong hoàn cảnh khó khăn mới thấy xã hội có rất nhiều người bình thường nhưng có thể làm những việc phi thường. Họ là những tài xế của những chuyến xe cấp cứu giúp F0, là F0 đã khỏi bệnh tình nguyện ở lại nơi điều trị để giúp đỡ các bệnh nhân khác (Phim Lựa chọn của tôi) hoặc là những người vận chuyển miễn phí những tấn nông sản của nông dân đến tay người dân TP.HCM (phim Niềm tin vững bước). Đặc biệt những trải lòng của các F0 đã bình phục (phim Trở về cuộc sống) càng khiến người xem nhận diện gần hơn “bộ mặt” tử thần cũng như sức mạnh tinh thần tiềm tàng trong mỗi người.

Về mặt thể hiện, những thước phim tài liệu đề tài dịch bệnh đa số đều không có lời bình mà chỉ tập trung vào phần hình ảnh, âm thanh thực tế ghi tại hiện trường. Những cú máy cũng không trau chuốt mà chỉ cốt ý nắm bắt thật nhanh từng khoảnh khắc cảm xúc của nhân vật. Cách làm này đã khiến một số phim vấp phải phản ứng về việc vi phạm quyền riêng tư. Tuy nhiên, những tranh cãi này có lẽ là không thực sự cần thiết vì bản thân dòng phim tài liệu là sự giao thoa giữa tính nghệ thuật (phim ảnh) và thông tấn (báo chí) nên rất cần những hình ảnh không có dấu vết biên tập, để làm tăng tính chân thật, thuyết phục của tác phẩm. 

Những bộ phim tài liệu về cuộc chiến chống dịch bệnh phát sóng vừa qua không chỉ chuyển tải sự phức tạp của dịch bệnh, những hậu quả nặng nề mà nó để lại, mà qua đó còn lan truyền những câu chuyện tốt đẹp để mọi người có thêm niềm tin vào tình người, cuộc sống. Vì lẽ đó mà dòng phim tài liệu vốn khô khan, nhưng những bộ phim tài liệu trong thời dịch bệnh này lại lấy đi nhiều nước mắt người xem, để lại nhiều ám ảnh nhưng vẫn toát lên sự ấm áp, nhân văn. 

Hương Nhu

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI