Phạt rồi thả, tài xế nghiện ma túy vẫn... lái xe

28/03/2019 - 06:00

PNO - Theo số liệu được công bố về đợt tổng kiểm tra vừa qua, lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện gần 200 trường hợp tài xế sử dụng ma túy.

Nếu việc quản lý lỏng lẻo, rất có thể những tài xế nghiện ma túy bị sa thải lại chạy sang chỗ khác, tiếp tục hành nghề.

Doanh nghiệp loay hoay sàng lọc

Mấy ngày qua, sáu bộ hồ sơ xin tuyển dụng làm tài xế vẫn nằm trên bàn của ông Việt - chủ một doanh nghiệp ở TP.HCM. Tất cả tài xế đều có giấy chứng nhận đủ điều kiện sức khỏe để lái xe nhưng ông Việt chưa thể an tâm. “Năm ngoái tôi tuyển hai tài xế vào làm việc, đến khi khám sức khỏe lại thì “rớt” mất một anh. Tình trạng làm giả giấy khám sức khỏe hiện nay khá phổ biến trong khi doanh nghiệp không thể rà soát hết” - ông Việt nói.

Phat roi tha, tai xe nghien ma tuy van... lai xe
Lực lượng chức năng ra quân kiểm tra tình trạng tài xế sử dụng chất kích thích

Sau các vụ tài xế gây tai nạn dương tính với ma túy, doanh nghiệp rất sợ tuyển nhầm người nghiện. Mới đây, qua đợt cao điểm kiểm tra tài xế sử dụng chất kích thích, lực lượng chức năng trên cả nước phát hiện gần 200 trường hợp tài xế nghiện ma túy. Các trường hợp này đều bị xử phạt hành chính rồi thông báo cho doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp lo ngại, tài xế bị doanh nghiệp này sa thải lại nhảy sang doanh nghiệp khác, bị xử phạt ở địa phương này lại sang địa phương khác xin việc, tiếp tục lái xe.

Doanh nghiệp  tự mua máy soi  để kiểm tra bằng lái giả

Tại buổi đối thoại giữa đại diện doanh nghiệp và lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM chiều 22/3, chủ một doanh nghiệp (xin không nêu tên) cho biết: “Hiện nay, các doanh nghiệp vận tải đang rất đau đầu với việc tài xế sử dụng bằng lái giả. Doanh nghiệp chúng tôi đã phải tự mua máy soi giấy tờ giả về kiểm tra nhưng với kỹ thuật làm giả như hiện tại, cũng đành... chịu thua. Nói vậy để thấy, doanh nghiệp rất có trách nhiệm trong việc tuyển dụng tài xế. Thời gian qua, có ý kiến đòi xử lý hình sự chủ doanh nghiệp khi sử dụng lái xe nghiện ma túy gây tai nạn khiến chúng tôi thật sự hoang mang”.

Riêng tại TP.HCM, trong đợt cao điểm kiểm tra tài xế từ khoảng đầu năm 2019 đến nay, các tổ công tác phát hiện không ít tài xế vừa sử dụng ma túy, vừa sử dụng bằng lái giả. Thông thường, mức phạt đối với tài xế sử dụng ma túy là xử phạt hành chính kèm hình thức phạt bổ sung là tạm giữ bằng lái khoảng 23 tháng.

Cách xử phạt này sẽ dẫn đến hiện tượng tài xế tiếp tục sử dụng bằng lái giả xin việc ở nơi khác hoặc “mượn” thông tin của tài xế có bằng thật để làm bằng lái giả. Khi doanh nghiệp tra cứu trên trang dữ liệu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam thì vẫn hiển thị đúng tên của tài xế nhưng thật ra là người khác.

“Hiện nay hệ thống quản lý hồ sơ lái xe không được kết nối với nhau. Đó là một kẽ hở rất nghiêm trọng. Tôi lấy ví dụ, tài xế xe container bị cảnh sát giao thông TP.HCM phát hiện dương tính với ma túy, sau đó xuống Tiền Giang xin việc thì cả doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý ở Tiền Giang không thể biết được tài xế này từng bị phát hiện sử dụng ma túy. Do đó, cần sớm đẩy nhanh việc kết nối thông tin tài xế vi phạm lên mạng” - ông Việt đề nghị.

Là chủ một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải hàng hóa, ông Lâm Đại Vinh - Giám đốc Công ty Vận tải Lâm Vinh - cho biết, hiện nay trên cổng thông tin điện tử của Tổng cục Đường bộ Việt Nam có cập nhật thông tin của tài xế (theo giấy phép lái xe) nhưng không cập nhật hình ảnh, dẫn tới tình trạng nhiều lái xe dán hình ảnh của mình vào giấy giả để đánh lừa doanh nghiệp.

Khi doanh nghiệp kiểm tra, số giấy phép lái xe có thể trùng khớp nhưng hình ảnh lại khác. Thực tế, nhiều doanh nghiệp chưa đủ khả năng xác minh, dẫn tới sử dụng tài xế có bằng lái giả. “Hiện các doanh nghiệp rất khó nắm bắt được quá trình hành nghề của tài xế để sàng lọc” - ông Lâm Đại Vinh phàn nàn.

Phat roi tha, tai xe nghien ma tuy van... lai xe
Nếu không có hệ thống dữ liệu quản lý, tài xế bị phát hiện dương tính với ma túy, bị tịch thu bằng lái vẫn có thể sang địa phương khác hoạt động

Dễ tuyển nhầm tài xế nghiện ngập

Theo các doanh nghiệp vận tải, hiện mức lương cho tài xế có bằng lái FC (đủ tiêu chuẩn lái xe container) là 20 triệu đồng/tháng nhưng rất khó tuyển đủ người. Việc khan hiếm nguồn lao động cộng với tình trạng tài xế sử dụng chất kích thích khiến các doanh nghiệp rất “đau đầu” trong tuyển dụng lao động. 

Từ ngày 1/6, cập nhật vi phạm của tài xế  trên mạng

Chiều 25/3, trong cuộc họp báo quý I của Bộ Công an, ông Vũ Đỗ Anh Dũng - Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông - cho biết, Bộ Công an và Bộ Giao thông Vận tải đã nhất trí cao trong việc chia sẻ dữ liệu tài xế vi phạm giao thông và giấy phép lái xe bị tạm giữ, chậm nhất ngày 1/6 sẽ thực hiện.

Cách chia sẻ thông tin là, những vi phạm của tài xế sẽ được các đơn vị tổng hợp, gửi đến Tổng cục Đường bộ và sở giao thông vận tải các địa phương hằng ngày, các đơn vị thuộc Bộ Giao thông Vận tải sẽ nhập lên hệ thống cơ sở dữ liệu để quản lý. Trường hợp nào vi phạm, bị tước bằng lái nhưng cố tình báo mất để làm lại, sẽ không được cấp mới. Sau khi kết nối, thông tin vi phạm của tài xế, cả về giao thông lẫn sử dụng chất kích thích, sẽ được cập nhật thường xuyên. Hai đơn vị có thể sử dụng dữ liệu của nhau để xử lý, quản lý tài xế.

Ông Bùi Văn Quản - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM - đề nghị: “Nên có một hệ thống dữ liệu trong đó cập nhật thông tin lái xe vi phạm để các doanh nghiệp nắm bắt và xử lý, từ đó hạn chế được tình trạng lái xe sử dụng ma túy”. Theo ông Quản, doanh nghiệp không nắm bắt được tình trạng tài xế sử dụng ma túy chứ không phải dung túng cho tình trạng này, bởi một xe container có giá từ 1 - 2 tỷ đồng, còn hàng hóa trên xe có khi lên đến 50 tỷ đồng.

Không doanh nghiệp nào muốn giao khối tài sản khổng lồ trên cho tài xế nghiện ma túy. “Quy trách nhiệm cho chủ doanh nghiệp có tài xế sử dụng ma túy là hơi vô lý. Thay vì vậy, cơ quan quản lý nên có giải pháp phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp sàng lọc tài xế sử dụng ma túy, chặn ngay từ gốc” - ông Quản nói.

Một chủ doanh nghiệp vận tải tại TP.HCM nói: “Chúng tôi tuyển dụng tài xế dựa trên hồ sơ. Trách nhiệm của cơ quan chức năng là giải quyết được nạn làm hồ sơ giả, nạn mua bán giấy khám sức khỏe. Nếu việc quản lý tài xế nghiện vẫn bất cập thì không thể bảo đảm doanh nghiệp không tuyển dụng nhầm tài xế nghiện ma túy”.

Trong quá trình tuyển dụng lao động, ông Lâm Đại Vinh nhận thấy, có việc mua bán giấy khám sức khỏe. Mặt khác, dù khám nghiêm túc, cũng khó cho ra kết quả đáng tin cậy nếu tài xế cố tình gian dối. “Khi khám sức khỏe, nhân viên y tế đưa cho người khám một cái lọ để họ tự lấy nước tiểu. Như vậy, họ có thể thay nước tiểu của người khác vào. Theo tôi, nên thử máu để tránh tình trạng tài xế đối phó” - ông Vinh kiến nghị.

Theo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, sở đã yêu cầu các doanh nghiệp vận tải phải tổ chức khám sức khỏe của tài xế và báo cáo cho sở trước ngày 28/2. Tuy nhiên, đến hạn, chỉ có 30 doanh nghiệp vận tải báo cáo, buộc sở phải gia hạn đến ngày 31/3. Đến nay, sở mới chỉ nhận được báo cáo của 400 doanh nghiệp với hơn 4.000 tài xế, trong khi TP.HCM có đến 5.000 doanh nghiệp vận tải.

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, với quy trình kiểm tra sức khỏe tài xế lỏng lẻo như hiện nay, rất khó để cho kết quả trung thực. Nên chăng, cơ quan chức năng phải có một quy trình kiểm tra sức khỏe riêng đối với tài xế. 

Hoàng Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI