Phát động thi đua "Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí"

21/06/2022 - 13:08

PNO - Phong trào “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” vừa được phát động hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

 

Trước sự chứng kiến của Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương, lãnh đạo của 11 cơ quan thông tấn báo chí đã đại diện cho các cơ quan báo chí cả nước ký cam kết thực hiện phong trào thi đua

11 cơ quan thông tấn báo chí đại diện cho các cơ quan báo chí cả nước ký cam kết thực hiện phong trào thi đua - Ảnh: N.H

Sáng 21/6, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam và Báo Nhân Dân phối hợp tổ chức lễ phát động phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025).

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, đây là hoạt động rất ý nghĩa đối với các cơ quan báo chí và những người làm báo để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền báo chí truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại theo Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng và triển khai Kết luận chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra cuối năm 2021.

Đây cũng là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, mở đầu chuỗi hoạt động hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

Khẳng định những giá trị tốt đẹp của văn hóa Việt Nam là cội nguồn sức mạnh giúp dân tộc vượt qua mọi khó khăn, thử thách, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị mỗi người làm báo cần xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; thắp lên ngọn lửa tri thức và lòng nhân ái trong toàn xã hội. Mỗi cơ quan báo chí phải là một tấm gương đi đầu trong xây dựng văn hóa công sở và văn hóa cơ quan.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cũng đặt ra một số nhiệm vụ chủ yếu mà các cơ quan quản lý báo chí, cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo nước nhà cần tập trung thực hiện. Trước hết, tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên trong các cơ quan báo chí về vị trí, vai trò, trách nhiệm của báo chí cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; về vị trí, vai trò của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Cùng với đó, xây dựng, hoàn thiện, thực hiện tốt quy trình tác nghiệp, bảo đảm cao nhất tính chính xác, sự tin cậy, tính nhân văn trong từng bản tin, từng bài báo. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về văn hóa, định hướng việc phát huy giá trị văn hóa trong đời sống; tích cực xây dựng các sản phẩm báo chí giàu chất văn hóa, có sức lan tỏa để mỗi sản phẩm báo chí đưa đến công chúng bảo đảm yếu tố thẩm mỹ, giáo dục, trở thành hình mẫu trong giao tiếp, ứng xử văn hóa trong cộng đồng.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại buổi lễ

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại buổi lễ - Ảnh: N.H

Ngoài ra, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cũng lưu ý cần xây dựng môi trường cơ quan báo chí văn hóa, người làm báo văn hóa thời kỳ mới gắn với phát triển, hội nhập; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, quản lý nhà nước đối với báo chí; chú trọng chăm lo, xây dựng văn hóa trong cơ quan báo chí và người làm báo, trọng tâm là xây dựng đội ngũ phóng viên, biên tập viên có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, tinh thần tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; có biện pháp ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, phóng viên, công chức, người làm báo…

Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi khẳng định báo chí là một bộ phận cấu thành đặc biệt của văn hóa. Trong những năm gần đây, cùng với sự đổi mới, đi lên của đất nước, báo chí cách mạng Việt Nam luôn xứng đáng là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị, truyền thống văn hóa tốt đẹp, nâng cao nhận thức của nhân dân, bồi đắp nền tảng tinh thần xã hội.

Tuy nhiên, cùng với sự vươn lên mạnh mẽ, báo chí cách mạng Việt Nam cũng đang đối diện với những thách thức, những hệ lụy, mặt trái của sự phát triển. Đáng chú ý là sự xuất hiện của mạng xã hội và các phương tiện truyền thông mới đã khiến thị phần của nhiều cơ quan báo chí suy giảm; một bộ phận báo chí xa rời tôn chỉ, mục đích, thờ ơ với nhóm công chúng đối tượng của mình, tìm đến những thị hiếu tầm thường, sản xuất nội dung chủ yếu nhằm tăng số lượng truy cập, thỏa hiệp tính trung thực, khách quan để đạt được mục đích kinh tế…

Trong bối cảnh đó, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi nêu rõ, mỗi cơ quan báo chí cần phải là một cơ quan văn hóa, mỗi người làm báo cần luôn có ý thức nâng cao văn hóa của bản thân, đề cao thành tố văn hóa trong sáng tạo tác phẩm. Bên cạnh đó, báo chí cần chủ động, tích cực thúc đẩy, nâng cao văn hóa trong chính ngành nghề, lĩnh vực của mình.

Tại buổi lễ, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đã công bố bản 12 tiêu chí cơ bản, gồm 6 điểm về xây dựng cơ quan báo chí văn hóa và 6 điểm văn hóa của người làm báo Việt Nam. Đồng thời, Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các cơ quan báo chí, các cấp Hội nhà báo Việt Nam và người làm báo trong cả nước tích cực hưởng ứng, chủ động ký kết giao ước thi đua, thực hiện tốt các tiêu chí đã đề ra.

Trước sự chứng kiến của Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cùng lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương, lãnh đạo của 11 cơ quan báo chí đại diện cơ quan báo chí cả nước ký cam kết thực hiện phong trào. 

12 tiêu chí cơ quan báo chí văn hóa và văn hóa của người làm báo Việt Nam

Cơ quan báo chí văn hóa:

1. Nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn của báo chí và tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí; nhận thức đầy đủ sứ mệnh, vai trò của báo chí trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; nỗ lực góp phần xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại.

2. Xây dựng và tổ chức thực hiện nội quy, quy định gắn với các chuẩn mực về đạo đức, văn hóa; tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh, thân thiện, hợp tác trong cơ quan.

3. Tổ chức quy trình hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, công khai, minh bạch; xác định nguyên tắc tác nghiệp trên tinh thần khách quan, xây dựng, vì lợi ích chung. Quản lý, chỉ đạo sát sao hoạt động của phóng viên, biên tập viên, người lao động và của văn phòng đại diện.

4. Đề cao yếu tố văn hóa trong hoạt động nghiệp vụ và trong tác phẩm báo chí; nêu cao tính nhân văn, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, hướng đến các giá trị "chân, thiện, mỹ", lan tỏa những điều tốt đẹp, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, tiêu cực, bồi đắp nền tảng tinh thần xã hội.

5. Tích cực đổi mới, sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số; coi trọng việc bồi dưỡng, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.

6. Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu, của cán bộ lãnh đạo; hưởng ứng và triển khai phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí.

Văn hóa của người làm báo:

1. Có tư tưởng chính trị vững vàng, đạo đức, lối sống trong sáng; chấp hành nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, nội quy, quy chế, quy định của cơ quan, 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam và Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.

2. Tận tụy, trách nhiệm với công việc; hành nghề trung thực, công tâm, không vụ lợi, không sách nhiễu, cửa quyền, giữ gìn phẩm giá, tư cách của người làm báo.

3. Tôn trọng quyền con người, quyền riêng tư, không gây tổn thương tinh thần, nhân phẩm, danh dự cá nhân và tổ chức.

4. Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, nêu cao tính nhân văn trong tác phẩm báo chí cũng như trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác.

5. Ứng xử chân thành, thân ái; sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ đồng nghiệp; khiêm tốn, văn minh trong quan hệ công tác; chuẩn mực, thân thiện với công chúng.

6. Tích cực rèn luyện bản lĩnh nghề nghiệp; thường xuyên học tập, nâng cao kiến thức, nâng cao trình độ nghiệp vụ.

M.Quang 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI