Phạm Trang: Đường rất xa, có khi đi mãi không đến

16/10/2014 - 04:17

PNO - PN - Vay một khoản tiền lớn để bay sang Đức theo học khóa nâng cao kỹ thuật biểu diễn dòng nhạc thính phòng - vốn rất kén người nghe - nghệ sĩ Phạm Trang, soliste duy nhất, phó đoàn nhạc kịch Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM...

edf40wrjww2tblPage:Content

Phạm Trang không xuất hiện nhiều trên sóng truyền hình hay các tụ điểm ca nhạc - điều này gần như hiển nhiên đối với một giọng ca hàn lâm. Bù lại, mỗi khi anh xuất hiện thì y như rằng đó là những chương trình mà tính nghệ thuật được đầu tư một cách nghiêm túc, tử tế.

Với một nghệ sĩ kiếm sống bằng cách dạy kèm piano tại nhà, vợ là giáo viên dạy múa, tổng thu nhập chỉ vừa đủ nuôi thêm một đứa con, nhưng năm 2013, Phạm Trang vẫn quyết tâm vay 15.000 USD để theo học tại ngôi trường danh tiếng mà “đầu vào” bắt buộc phải thi, trường Hothschule fur musik (Đức). Vượt qua rào cản ngôn ngữ, địa lý, kết thúc khóa học, anh là học viên duy nhất được trường mời tham gia biểu diễn chương trình kỷ niệm 200 năm ngày mất của nhạc sĩ nổi tiếng Virdi. Điều đó đủ thấy quyết tâm đi đến tận cùng con đường âm nhạc đỉnh cao của anh mà bố anh từng khuyến cáo: Con đường này rất xa, có khi đi mãi không đến!

Pham Trang: Duong rat xa, co khi di mai khong den

Sáu tuổi, Phạm Trang đã lon ton theo chị gái (NSƯT Minh Khánh) vào Nhạc viện Hà Nội để học đàn kìm. Mười hai tuổi, bước chân vào trung cấp thanh nhạc Nhạc viện TP.HCM bái NSƯT Quốc Trụ làm thầy. Khi nhạc nhẹ đang vào thời hoàng kim, nhiều người theo dòng nhạc này để tiến thân, thì từ năm thứ hai, Phạm Trang đã chọn cho mình con đường ngược chiều: nhạc thính phòng - dòng nhạc vốn rất kén sân khấu và cũng lắm chông gai.

Tám năm trèo từ trung cấp lên đại học rồi tự túc đi chuyên tu nước ngoài, điều anh thu hoạch được không phải là tiền cát-sê ngất ngưởng, là nhiều sô, nhiều tụ điểm chào mời... mà là kỹ năng phát âm và sự hiểu biết ý nghĩa ngôn từ khi thể hiện bài hát, những thứ tưởng chừng đơn giản nhưng ít nghệ sĩ Việt Nam chịu rèn luyện. Quá trình tự hoàn thiện mình cũng mang lại cho anh một nhận thức mới: âm nhạc thính phòng là món ăn tinh thần cho mọi người chứ không chỉ dành cho một số người quyền quý cao sang; dành cho mọi dân tộc chứ không chỉ cho các nước ở phương Tây.

Anh bảo: “Nếu ai cũng nghĩ không đưa được nhạc thính phòng đến với công chúng thì sẽ không làm được. Nhưng nếu đừng làm khó người nghe, tạo điều kiện để người nghe tiếp cận với nhạc thính phòng thì... nghe riết cũng sẽ ngấm”.

May mắn khi gần đây, Ban giám đốc HBSO cũng có nhiều nỗ lực để đưa loại hình âm nhạc vốn rất kén chọn người xem này tiếp cận nhiều đối tượng ở cộng đồng. Có thể kể các chương trình định kỳ phối hợp với Thành Đoàn TP.HCM biểu diễn miễn phí hoặc bán vé ưu đãi cho đối tượng sinh viên học sinh nhằm tạo điều kiện để các bạn trẻ hiểu thêm về dòng nhạc cổ điển.

Tiếp đó là các chương trình Giai điệu mùa thu mỗi hai năm một lần, những người thực hiện chương trình cố gắng Việt hóa đến mức có thể, bằng cách dàn dựng, phối mới các tác phẩm âm nhạc cổ điển Việt Nam trong kho tàng dân ca hoặc các tác phẩm của các nhạc sĩ tên tuổi như Văn Cao, Đỗ Nhuận, Nguyễn Đình Thi, Đàm Thanh, Hoàng Dương... mà gần đây nhất là chương trình hòa nhạc Việt Nam nước non ngàn dặm. Phạm Trang vẫn giọng tenor với vai trò soliste chủ lực trong hai tác phẩm: Tình ca (Hoàng Dương) và Đất nước tình yêu (Lệ Giang).

Nhìn gương mặt bầu bĩnh của Phạm Trang, ít ai nghĩ bên trong con người ấy ẩn chứa một nghị lực phi thường. Gần gũi với gia đình nghệ sĩ Phạm Trang, không ai tin vợ anh, người chạy ăn từng bữa… lại ủng hộ chồng vay nợ để mùa thu năm sau tiếp tục theo khóa học nâng cao hai năm ở ngôi trường mà anh vừa kết thúc khóa chuyên tu sáu tháng, để miệt mài theo con đường mà anh biết là vẫn còn... rất xa này.

NGUYỄN THIỆN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI