Ôi Giàng ơi!

19/04/2019 - 05:16

PNO - Những con số khống từ 3 đến 25 điểm kia là nấc thang cho những đầu óc kém cỏi, kiến thức hỏng hóc, đạo đức vấy bẩn thăng tiến và tìm chỗ đứng danh giá trong xã hội.

Thuở xa xưa, theo thần thoại H’Mông, trời và đất gần nhau lắm, gần tới nỗi người dưới đất nói chuyện được với người trên trời, cũng từ đó sinh ra lắm điều phiền nhiễu. Cho đến ngày, mỗi khi giã gạo, người dưới đất lại cầm chày đẩy trời lên cao, trời cứ thế cao dần và rồi không còn phải nghe nhau nữa. 

Oi Giang oi!

Danh sách cha mẹ chạy điểm cho thí sinh tại Sơn La (nguồn Tuổi Trẻ)

Một ngày nọ, có đám quan chức phàm trần thi nhau vơ vét điểm thi của người ăn học đàng hoàng, tử tế để làm quà cho con cháu nhà mình. Tót một cái, từ điểm 0, nửa điểm chúng sỗ sàng leo lên điểm 8, điểm 9; rồi xênh xang, vênh váo nào là thủ khoa kép, nào là quán quân điểm khủng. Thói gian manh, tham lam vô độ của những kẻ phàm mang cấp hàm nào là “cục trưởng Cục Thống kê tỉnh”, “cục trưởng Cục Thuế tỉnh”, “phó chủ tịch UBND thành phố”, “cán bộ công an tỉnh”, “chánh thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo”… làm cho chính những người dưới đất cũng phải ngửa mặt mà kêu Chử Lầu - vua Trời. Nhưng quá kinh hãi trước đám phàm trần quan chức kia, người trên trời cũng nín thinh, im thít. 

Ngay từ đầu vụ việc sửa điểm, nâng điểm ở Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang… tôi đã đoan chắc “phạm nhân kiêm nạn nhân” chỉ có thể thuộc về cán bộ, quan chức. Bởi dù cay đắng, mỉa mai cỡ nào thì cũng phải thừa nhận rằng, chỉ có thể trong cùng “hệ thống chính trị”, họ mới đủ “lòng tin”, “tiền lực” để cấu kết, thông đồng, ngã giá bất chấp như thế. Vụ việc càng hé lộ, dự đoán càng không sai. Vậy mà đến khi cầm trong tay “bảng phong thần - gia phả” của những thí sinh dính gian lận điểm thi là “con đồng chí nào” (báo Tuổi trẻ), vẫn cứ trao tráo con mắt, không phải ngờ vực dữ liệu mà xấu hổ, kinh hãi cho mớ chức danh, vị trí đang máng trên chừng ấy con người; hay ngược lại, con người đang đội lốt chức tước để đổi chác, bán mua điểm, tiền, quyền lực, để dối trá, tước đoạt cơ hội, công sức chính đáng của các thí sinh xứng đáng. 

Oi Giang oi!
28 sinh viên Hòa Bình gian lận điểm thi

Cũng là đường dây chạy điểm, ngày 17/4, nhà chức trách Mỹ tiếp tục thông tin các tội danh mà 33 phụ huynh chạy suất vào các trường đại học danh tiếng cho con phải nhận lãnh, ngoài gian lận qua email thì cáo buộc về âm mưu gian lận và âm mưu rửa tiền hối lộ sẽ càng gia tăng bản án. Vậy, theo “bảng phong thần” thì những cán bộ quan chức kia có công khai số tiền mua điểm, chứng minh nguồn tiền để chạy điểm, đối chiếu với phần kê khai tài sản (theo quy định) để trích lập nguồn kinh phí dự phòng… chạy chọt. 

Ngó cái “bảng phong thần” ấy, liếc qua 53 giấy cam kết “điểm trúng tuyển là điểm thực tế bài thi” của 53 thí sinh tại Học viện An ninh nhân dân, Học viện Cảnh sát nhân dân, Đại học Phòng cháy chữa cháy thì mới thấy lớp hậu sinh không hề kém cạnh tiền bối. Thậm chí, như trường hợp thủ khoa Đại học Sư phạm Hà Nội 2018 còn xoen xoét: “Điểm số đó là do bản thân em tự làm được chứ không phải bằng một tác động nào hết. Và em tự tin, tự hào về điều đó”. Rốt cuộc, 14,85 điểm là mức nâng của thủ khoa ảo này, liệu có thể “tự hào” cho một người trẻ chọn lối vào đời bằng sự lẻo mép, trí trá như thế? 

Lại nghe chuyện cổ tích của người Tày: xưa, có chàng nho sĩ nghèo làm bạn cùng cóc tía. Một ngày, chàng lai kinh ứng thí, trên đường gặp một người đang hấp hối, bèn ra tay cứu chữa. Cóc tía nhìn thấy tâm địa của người bệnh nên cản nhưng chàng nho sĩ vẫn quyết tâm cứu người. Cóc tía đành nhả ngọc quý cứu nhân. Người kia vừa khỏe lại đã cướp ngọc trốn đi. Về đến kinh thành, chàng nho sĩ vào tâu vua, khẩn cầu vua tìm giúp viên ngọc. Đúng lúc ấy, công chúa ngã bệnh nặng. Vị “danh y” bèn xung phong chữa bệnh cho công chúa bằng ngọc quý. Nhưng y không ngờ, chỉ có phép thần của cóc tía mới làm cho viên ngọc hiệu nghiệm. Kết cuộc, ngọc quý trở về chủ cũ, danh y dỏm bị xử trảm. 

Ngọc quý không hiệu nghiệm nếu không có thần chú của cóc tía. Nhưng những con số khống từ 3 đến 25 điểm kia là nấc thang cho những đầu óc kém cỏi, kiến thức hỏng hóc, đạo đức vấy bẩn thăng tiến và tìm chỗ đứng danh giá trong xã hội. Xã hội băng hoại dần chính là từ những cá thể “danh y” này, không ai khác. 

Bỗng dưng, muốn kéo mặt đất càng xa bầu trời như ông Chày bà Chày, để ít nhất còn có chỗ ngước nhìn, còn có nơi mà thảng thốt ôi Giàng ơi… 

Ái Mỹ 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI