Ở nhà quá dài, nhiều trẻ đột ngột thay đổi thái độ

22/04/2020 - 06:26

PNO - Hơn một tháng ở nhà phòng dịch COVID-19, nhiều trẻ có dấu hiệu ngủ li bì, chán ăn, thái độ cáu gắt…

Cha mẹ lo lắng

Những ngày qua, chị Trần Minh Ngọc (35 tuổi, ở Q.5, TP.HCM) cảm thấy lo khi bé N.Q.T. (5 tuổi, con gái chị) mọi ngày vui vẻ bỗng trở nên ù lì, bạ đâu ngủ đó, khi thức dậy lại ăn liên tục khiến bé tăng ký khá nhanh. Bé T. không còn thích phim hoạt hình, nhạc thiếu nhi, suốt ngày im lặng, ngủ gà gật. Chị Ngọc đưa bé đến bệnh viện khám, bác sĩ khuyên nên cho bé vận động nhiều hơn. Nhưng chị gần như bất lực bởi bé không để ý gì xung quanh, thụ động, mặc mẹ dỗ dành hay dọa đánh.

Ngược lại, bé P.H.N. (8 tuổi, ở Q.Gò Vấp) thường cáu gắt, đập phá hay tự làm bản thân đau khi người lớn không kịp đáp ứng yêu cầu. Chị Quyên, mẹ bé, nói bình thường N. rất hiếu động, tình cảm, ít khi nổi nóng. Hơn một tuần nay, bé lại ưa giật tóc, cào cấu mình mỗi khi không được đáp ứng hoặc những chuyện bé không thích. 

Còn bé T.H.M.K. (9 tuổi, ở Q.1) lại khiến mẹ hoảng hốt khi say mê đọc sách. Ban đầu, chị Ngọc Hoàng - mẹ của bé, vui mừng vì bé không nghiện game, điện thoại, đọc nhiều sẽ giúp bé hiểu biết hơn. Tuy nhiên, càng ngày chị Hoàng càng lo lắng khi bé K. luôn ôm sách và nói về những chi tiết trong sách một cách cuồng nhiệt.

Bé sẵn sàng tranh đấu cho nhân vật mình yêu thích nếu có ai bàn luận. Không chỉ vậy, K. còn đánh em nếu đụng vào sách của mình. Từ việc cầu thị, bé thay đổi thái độ, hỏi để khoe mình giỏi và trở nên căng thẳng nếu người khác không chấp nhận mình. “Thời gian gần đây, con trai tôi lại im lặng không nói chuyện, ngủ li bì và than nhức đầu, tôi đưa đi khám, bác sĩ nói cháu bị suy nhược”, chị Hoàng cho biết. 

Hãy nâng đỡ tâm lý cho trẻ

“Ở nhà quá nhiều sẽ khiến trẻ bị nhàm chán. Trẻ em vốn hiếu động lại bị “giam mình” trong bốn bức tường sẽ có cảm giác bức bí”, tâm lý gia Phan Thị Hoài Yến, Khoa Tâm thể Bệnh viện Quận Thủ Đức TP.HCM, cho biết. Sử dụng điện thoại, máy tính bảng… dù học tập hay giải trí đều khiến trẻ ngồi lì một chỗ. Quá lạm dụng thiết bị này, trẻ có nguy cơ mệt mỏi, chóng mặt, căng thẳng, luôn thấy đau đầu, ảnh hưởng về thị giác. Trẻ không có cơ hội vận động, dần trở nên thụ động, hết hào hứng với các hoạt động xung quanh. Cáu gắt, ngủ li bì, than đau đầu, dễ kích động… là những biểu hiện ban đầu về sức khỏe tâm lý của trẻ. Nếu không được giải tỏa, trẻ có thể stress, nặng hơn là trầm cảm.

Tâm lý gia Hoài Yến chia sẻ: cha mẹ nên sắp xếp công việc, tận dụng thời gian này để ở bên trẻ. Cha mẹ có thể cùng trẻ đọc sách, chơi trò chơi, giải đáp những thắc mắc xung quanh trẻ. Mỗi ngày, nên cho trẻ xuống sân nhà khoảng 5-10 phút, chọn nơi ít người, khoảng cách an toàn để trẻ chạy nhảy, vui chơi. Người lớn quan sát trẻ, hướng dẫn con các biện pháp phòng bệnh trong lúc chơi đùa nơi công cộng, không chạm tay vào đồ vật xung quanh, hạn chế đến gần người lạ, mang khẩu trang thường xuyên. Khi về nhà, trẻ phải rửa tay, vệ sinh cơ thể bằng xà phòng, không cho tay vào mũi, miệng…

Tiến sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân cho hay, cha mẹ quan sát trẻ để kịp thời nhận biết những biểu hiện bất ổn ban đầu nhằm nâng đỡ tâm lý cho con; rõ ràng nhất là cảm xúc, thái độ của trẻ thay đổi quá nhiều như đột nhiên im lặng, mất ngủ, biếng ăn hay cáu gắt, tự làm đau mình, quấy khóc, không tiếp thu lời người lớn… Cha mẹ hãy lắng nghe trẻ thay vì la mắng. Ngoài ra, lưu ý chế độ ăn uống, nên cho trẻ ăn đủ thành phần dinh dưỡng, tránh ăn quá nhiều đường, tinh bột, chất đạm. Tăng cường ăn rau, thức ăn giàu chất xơ, vitamin; uống đủ nước, tăng cường nước hoa quả tự nhiên.

Nếu sử dụng tất cả các biện pháp nhưng trẻ vẫn sợ hãi, giật mình thức đêm, ngủ nghiến răng hay không giao tiếp, người lớn nên đưa trẻ đến chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ kịp thời, tránh để quá lâu buộc phải điều trị bằng thuốc. 

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI