Ồ ạt lấy mẫu xét nghiệm làm tăng nguy cơ lây lan dịch tả lợn châu Phi

14/03/2019 - 15:17

PNO - 'Có địa phương một ngày lấy 300 mẫu gửi về, vừa tốn kém, lãng phí, không đủ sức xét nghiệm. Việc lấy mẫu nhiều cũng có nguy cơ làm lây lan dịch bệnh', Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông khuyến cáo.

17 tỉnh thành xuất hiện dịch tả lợn châu Phi

Ngày 14/3, Bộ NN-PTNT đã tổ chức họp khẩn bàn giải pháp khống chế và ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi.

Theo thống kê, tính tới ngày 14/2, dịch bệnh đã xảy ra tại 221 xã, 52 huyện của 17 tỉnh, thành phố (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Sơn La, Nghệ An). Tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là 23.442 con.

Trong đó, bệnh dịch đang lây lan mạnh nhất tại tỉnh Thái Bình, với 86 xã, 6 huyện (Đông Hưng, Quỳnh Phụ, Hưng Hà, Vũ Thư, Thái Thụy, Kiến Xương), tổng số lợn tiêu hủy là 10.778 con.

Là một trong những tỉnh biên giới mới ghi nhận bệnh dịch, Lạng Sơn đã có 11 con lợn bị tiêu hủy bởi mắc bệnh này.

O at lay mau xet nghiem lam tang nguy co lay lan dich ta lon chau Phi
Tiêu trùng khử độc hộ chăn nuôi có bệnh dịch tại Hải Phòng

Ông Nguyễn Xuân Cường – Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết, kể từ khi ổ dịch đầu tiên xảy ra tới nay, trong một tháng rưỡi, cả hệ thống chính trị, từ Trung ương tới địa phương đã rốt ráo vào cuộc trên tất cả các lĩnh vực từ giám sát, phát hiện, khoanh vùng, xử lý, ngăn chặn tới các công tác khác...

Tuy nhiên, đây là bệnh mới, nguy hiểm và khó nên đến nay dịch bệnh vẫn xảy ra tại 17 tỉnh thành trên cả nước và có dấu hiệu lây lan. “Nếu đợt tới không quyết liệt thì nguy cơ nhãn tiền là lây lan tốc độ nhanh, gây loạn cả một ngành hàng”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Đề nghị không ồ ạt lấy mẫu xét nghiệm

Nhận định về tình hình bệnh dịch, ông Phạm Văn Đông – Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho biết, dịch tả lợn châu Phi chủ yếu xuất hiện ở hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, điều kiện vệ sinh, an toàn sinh học chưa tốt, chưa xuất hiện ở các hộ có quy mô lớn. Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh bùng phát ở các địa phương trong thời gian tới là rất cao.

Trước mắt, sau khi xác định, có 3 nguyên nhân chính khiến bệnh dịch xảy ra: 36% từ vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; 25% do không đảm bảo dụng cụ, sát trùng; 39% do sử dụng thức ăn dư thừa, chưa qua xử lý. Ví dụ như Hà Nội, Ninh Bình... lợn nuôi bằng thức ăn dư thừa lấy từ các khu công nghiệp trên địa bàn... Những nguyên nhân này, theo ông Đông, cũng tương tự cũng giống như ở Trung Quốc và Malaysia.

O at lay mau xet nghiem lam tang nguy co lay lan dich ta lon chau Phi
Ông Phạm Văn Đông đề nghị các địa phương không cần lấy mẫu khi không cần thiết

Cục trưởng Cục Thú y cũng khuyến cáo, việc lấy mẫu vừa qua rất nhiều, hơn 3000 mẫu được xét nghiệm nhưng chỉ phát hiện hơn 1000 mẫu. Việc lấy mẫu nhiều, không chỉ gây tốn kém, lãng phí mà còn chính là một trong những nguy cơ khiến dịch lây lan.

“Có địa phương một ngày lấy 300 mẫu gửi về, vừa tốn kém, lãng phí, không đủ sức xét nghiệm. Việc lấy mẫu nhiều cũng làm lây lan dịch bệnh”.

Do đó, Cục trưởng Cục Thú y cho biết, đối với trang trại quy mô lớn, xử lý toàn bộ lợn trong ô chuồng có bệnh. Nếu có biểu hiện tương tự thì tiêu hủy mà không cần lấy mẫu xét nghiệm. Đối với các hộ, trại khác trong cùng địa phương cấp thôn có dịch bệnh, tiêu hủy toàn đàn có lợn biểu hiện triệu chứng lâm sàng của bệnh tả lợn châu Phi hoặc lợn chết không rõ nguyên nhân và xử lý ổ dịch theo quy định, không cần thiết phải lấy mẫu xét nghiệm.

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI