Nửa thế kỷ 'Khúc Thụy Du': Thụy bây giờ về đâu?

11/10/2019 - 13:27

PNO - 'Khúc Thụy Du' là một khẳng định cho gout nhạc của cộng đồng không nhỏ những ai chưa yêu, đã yêu, đang yêu hoặc xa tình yêu lâu lắm rồi.

“Ai trong chúng ta cũng chỉ có một đời để sống. Nhưng kỷ niệm (luôn cả những kỷ niệm xát muối), vốn có cho nó những định-nghiệp riêng. Nên tôi tin, chúng sẽ ở được với mai sau…”. (Du Tử Lê)

Tình buồn đắm say

Trưa 9/10, đọc dòng tin đầu tiên về cái chết "êm ái và ngọt ngào" khi vừa ngủ được 10 phút trong dòng tin từ nước Mỹ, những ca từ của Khúc Thụy Du tràn về văn phòng bé nhỏ trong cơn mưa trưa. 

Tôi lên mạng, có tới vài chục tài khoản facebook mang tên Khúc Thụy Du, nam nữ, già trẻ đủ cả. Nhìn một trang mạng xã hội đủ biết ca khúc này đã là linh hồn, là máu thịt của bao người. Những avatar mặt người tỏ mờ lướt qua màn hình điện thoại khiến tôi nhớ những năm mới bước chân vào Sài Gòn.  

Nua the ky 'Khuc Thuy Du': Thuy bay gio ve dau?
Chim bói cá trên cọc nhọn trong bìa tập thơ Khúc Thụy Du của Du Tử Lê do nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành

Thời ấy, phải chăng người Sài Gòn lãng mạn hơn bây giờ? Hầu hết các quận tôi qua đều có ít nhiều vài quán cà phê mang bảng tên Khúc Thụy Du. Sang có, bình dân có, thường thường bậc trung cỡ dân văn phòng như tôi đủ tiền ngồi nhưng cũng cân nhắc tính toán cũng có. Đã mang tên Khúc Thụy Du thì hầu như quán nào cũng da diết những bài tình ca, thường là Tuấn Ngọc trình bày, thi thoảng mới "đá" qua nhạc tiền chiến hay giọng ca Khánh Ly hát nhạc Trịnh Công Sơn. (Nhưng yên tâm là không có nhạc trẻ hay tiếng khí cụ remix đau đầu).

Khúc Thụy Du là một khẳng định cho gout nhạc của cộng đồng không nhỏ những ai chưa yêu, đã yêu, đang yêu hoặc xa tình yêu lâu lắm rồi. Là kiểu người không thể thờ ơ khi giai điệu tình yêu "dành cho riêng mình" vang lên mộng mị trong vườn cây xanh lá, hay luẩn quẩn trong khói thuốc những buổi chiều, nơi vách kính nhòe mưa. 

Như loài chim bói cá trên cọc nhọn trăm năm 
Tôi tìm đời đánh mất trong vũng nước cuộc đời 
Trong vũng nước cuộc đời 
Thụy ơi và tình ơi.
 

Một may mắn nhỏ là tôi cùng quê với Du Tử Lê. Ông là kẻ tha nhân nhớ quê một cách điên cuồng. 

Và tôi linh cảm rằng con chim bói cá đứng trên cọc nhọn trăm năm chờ một tích tắc cơ hội trong bài Khúc Thụy Du chính là con chim bói cá trên một mặt hồ nào đó ở Kim Bảng, nơi cậu bé Du Tử Lê năm nào ngồi nhiều giờ thẫn thờ ngắm nhìn. Kim Bảng - Hà Nam là xứ nhiều ao, hồ. Chúng tôi cũng có tuổi thơ bỏ cả trưa nhìn một con chim bói cá đậu như thể nó chính là đầu cây cọc. Rồi trong chớp mắt nào đấy, nó vụt lao xuống mặt nước, xục mỏ bắt mồi, rồi lao vọt lên không trung. 

Nua the ky 'Khuc Thuy Du': Thuy bay gio ve dau?
Nhà thơ Du Tử Lê - tranh: Đinh Cường

Đa số chúng ta tiếp xúc với Khúc Thụy Du qua ca từ và giai điệu của nhạc sĩ Anh Bằng, nên không rõ bài thơ gốc trước khi phổ nhạc ra sao. Thực tế, bài thơ của Du Tử Lê quá khốc liệt với hình ảnh quạ rỉa, những mặt đường ám khí, những thây người không đủ đầy. 

Nhà thơ Du Tử Lê từng kể khá chi tiết về hoàn cảnh ra đời của bài thơ. Đó là tháng 3/1968, khi ông đi ngang qua Thị Nghè tới vùng ven là ngã tư Bảy Hiền (Q.Tân Bình, TP.HCM bây giờ), đã chứng kiến cảnh thịt nát xương tan, chết chóc đến rợn người. Bao trùm lên không gian đó là cảm xúc nhân sinh luẩn quẩn… Bài thơ có rất nhiều câu bi quan và phản chiến.

Bài thơ ban đầu dài 100 câu, thể thơ 5 chữ, dằng dặc luận lý, nghĩ suy về chiến sự, hoài nghi mục đích sống. Khi đăng tải vào tháng 3/1968, ban biên tập cắt khoảng 1/3 khiến nhà thơ rất tiếc, vì chính ông cũng không lưu bản gốc. 

Năm 1983, cuốn thơ này mới tái bản tại Mỹ, nhờ một du học sinh mang theo sang Mỹ tặng nhà thơ bản in trước năm 1975. Một buổi tối, nhạc sĩ Anh Bằng đến tìm nhà thơ ở quán cà phê. Du Tử Lê kể lại: “Anh Bằng nói, ông mới phổ nhạc bài Khúc Thụy Du. Khi ca khúc Khúc Thụy Du ra đời dạng cassette, tôi mới biết, nhạc sĩ Anh Bằng chỉ lọc, lựa một số câu thơ liên quan tới tình yêu mà không lấy câu thơ nào nói một cách cụ thể về chiến tranh, chết chóc...“.

Theo phân tích của nhiều người, Anh Bằng là một nhạc sĩ chuyên sáng tác nhạc tình và cũng là nhà kinh doanh âm nhạc đại tài sau này. Tác phẩm thơ có ý nghĩa phản chiến mạnh mẽ và phù hợp với thời Mậu Thân 1968; lẫn trong dòng viết là thân phận tình yêu, cảm xúc hoang mang và lạc lối nhưng có thể không hợp với thời cuộc sau này. Anh Bằng đã chọn lọc ca từ, chỉ lấy những hình ảnh, câu chữ đẹp nhất, bay bổng nhất của bài thơ phổ nhạc rồi chúng ta đã có tuyệt phẩm Khúc Thụy Du

Ca khúc Khúc Thuỵ Du - Tuấn Ngọc:

Nhiều năm sau, Du Tử Lê công nhận sự có lý và tài năng “marketing” của Anh Bằng. Giả sử bài hát cũng đầy "kim khí" và có phổ rộng về ý nghĩa như bài thơ gốc, thì khả năng lan tỏa chưa chắc đã cao, chưa chắc đã dễ đi vào lòng người.

Người con gái tên Thụy là ai? 

Bất cứ cái tên riêng nào trong các tác phẩm nhạc tình cũng thường gây tò mò cho công chúng. Thụy theo lý giải của nhà thơ, là tên lót của người con gái dược khoa ông theo đuổi lúc bấy giờ - bà Thụy Châu, vợ đầu của nhà thơ. Cũng có người bạn thân thiết ngờ rằng đó là cô gái nhỏ tên Thụy Du, bạn học của cô cháu gái Du Tử Lê. Theo nghĩa Hán Việt, "thụy du" cũng là một khúc hát về giấc ngủ, cái chết hoặc một chuyến đi dài, rất hợp với chủ đề bài thơ. Nhưng dù Thụy có thật là một con người cụ thể hay không thật và là ai đi nữa, thì cái tên ấy đã mềm mại đi vào lịch sử thơ ca nước nhà, từng là cảm hứng để nhiều cha mẹ đặt tên con gái, nhiều chàng trai si tình gọi tên cô gái của mình, bất kể tên khai sinh cô ấy là gì. 

Danh sách các ca sĩ gắn liền với Khúc Thụy Du khá dài. Từ Tuấn Ngọc, Ý Lan, Ngọc Lan, Elvis Phương, Quang Dũng, Hồng Ngọc, Nguyên Khang, Hồng Mơ, Nguyễn Hồng Ân… Nhiều ca sĩ từng chọn tên ca khúc làm chủ đề album phát hành như: Tuấn Anh, Bảo Yến, Thùy Dương, Thanh Duy, Quang Hà…

Mỗi giọng ca thể hiện Khúc Thụy Du với một vẻ đẹp thanh nhạc khác nhau nhưng với tôi, giọng hát sang trọng của Tuấn Ngọc thể hiện chỗ ngân “vì sao và vì sao” hay nhất, tha thiết nhưng không hề bi lụy. Một quý ông yêu là phải thế. Yêu đến run rẩy, quỵ ngã, vẫn là cảm xúc yêu hết mình mà có trong đó sự ngạo nghễ:

Vì sao ta yêu nhau?
Vì sao môi anh nóng?
Vì sao tay anh lạnh?
Vì sao thân anh run?
Vì sao chân không vững?
Vì sao, và vì sao?

Nua the ky 'Khuc Thuy Du': Thuy bay gio ve dau?

Bây giờ, mỗi chiều tôi vẫn theo trục đường của Du Tử Lê năm 1968, từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè để trở về nhà ở khu Bảy Hiền. Dòng kênh Thị Nghè mấy mươi năm qua đã thay đổi rất nhiều, chẳng còn bờ lau, cọc nhọn, những đàn chim rình bắt mồi. Đây cũng không phải con đường cụ thể tác giả đã qua, vì thời 1968 ấy, hai bờ kênh còn là những xóm nước đen, những khu ổ chuột… Chạy xe qua những quán cà phê vỉa hè vẳng tiếng hát Tuấn Ngọc, tôi vẫn nghĩ ca khúc ấy là dành cho riêng tôi, vang giữa nhộn nhạo mặt người, có cái bóng mặt trời vỡ tan trên mặt nước dòng kênh hay bóng trăng mọc sớm loang đi theo con nước triều. Có mấy ai chưa từng mang trong đời mối tình khắc khoải thấm đẫm u buồn và dự cảm chia cắt: Tình yêu như lưỡi dao/ Tình yêu như mũi nhọn/ Êm ái và ngọt ngào/ Cắt đứt cuộc tình đầu/ Thụy bây giờ về đâu.

Tôi nghĩ, những ai yêu thích Khúc Thụy Du đều biết ơn cả tác giả bài thơ và người nhạc sĩ, bởi các ông đã đọc giùm lòng mình. Nhân sinh rộng lớn này, cuối cùng thì chúng ta đang ở đâu? Tình yêu rồi sẽ ra sao? Thụy bây giờ về đâu? Đâu mất rồi? 

Hoàng Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI