Nữ ứng cử viên và những trăn trở vì dân

17/05/2021 - 19:49

PNO - Các nữ đại biểu đều hội tụ một khát vọng xây dựng thiết chế bền vững - bao gồm văn hóa, giáo dục - cho từng cộng đồng dân cư và cho mỗi người dân.

Nỗ lực góp phần nâng cao chất lượng sống của phụ nữ

Làm thế nào để góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của phụ nữ, nhất là phụ nữ khó khăn, tạo điều kiện cho phụ nữ vươn lên trong cuộc sống luôn là trăn trở của bà Nguyễn Thị Lệ - Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM, là một trong năm ứng cử viên thuộc đơn vị bầu cử số 27 (H.Củ Chi) - tại cuộc tiếp xúc trực tuyến với hơn 700 nữ cử tri ở H.Củ Chi chiều 16/5. 

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng các ứng viên tranh thủ xem thông tin báo chí đăng tải trước khi vào buổi tiếp xúc cử tri - Ảnh: Quang Phương
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng các ứng viên tranh thủ xem thông tin báo chí đăng tải trước khi vào buổi tiếp xúc cử tri - Ảnh: Quang Phương

Bà Nguyễn Thị Lệ cho biết, là người sinh trưởng trong gia đình có truyền thống cách mạng ở H.Củ Chi, bà luôn mong muốn làm sao cho Củ Chi phát triển, đời sống người dân được cải thiện. Bà chia sẻ, trong nhiệm kỳ vừa qua, với vai trò Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM, bà đã cùng với HĐND TPHCM đặc biệt quan tâm những vấn đề liên quan thiết thực nhất đến đời sống người dân, nhất là người trẻ, phụ nữ và thanh thiếu nhi. HĐND TPHCM đã ban hành nhiều nghị quyết, chính sách được cử tri đánh giá cao như tiếp tục chương trình sữa học đường, tạo điều kiện tăng thu nhập cho giáo viên mầm non, chương trình giảm nghèo bền vững, chính sách cho vay ưu đãi, chính sách hỗ trợ các đối tượng bị tác động bởi dịch COVID-19…

Bà nói về chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu HĐND TPHCM khóa X: “Tôi sẽ chú trọng việc xây dựng chính sách, cơ chế để tạo điều kiện cho phụ nữ học tập, lao động bình đẳng”. Phản hồi ý kiến của cử tri Nguyễn Ngọc Dung (xã Tân Phú Trung) về chế độ thai sản, phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách, bà Lệ nói: “Sắp tới, với trách nhiệm của mình, tôi sẽ cùng tập thể lãnh đạo TPHCM kiến nghị, đề xuất với Trung ương về chính sách cho cán bộ không chuyên trách, nhất là chị em đang làm việc tại các xã, phường, thị trấn”.

Bà thông tin thêm, mới đây, Ban Tổ chức Thành ủy đã đề xuất với Ban Thường vụ Thành ủy có khoản hỗ trợ thêm đối với người có trình độ đại học, trên đại học về công tác ở phường, xã, thị trấn; HĐND TPHCM cũng có một nghị quyết vào cuối năm 2020 về hỗ trợ cán bộ không chuyên trách ở cấp này. 

Vừa ứng cử HĐND TPHCM khóa X, bà Lệ cũng đồng thời là ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV tại đơn vị bầu cử số 10 (H.Củ Chi và H.Hóc Môn). Theo bà Lệ, nếu được cử tri tín nhiệm bầu làm người đại diện cho dân, bà sẽ nỗ lực thúc đẩy các giải pháp phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị hiện đại, bền vững, thúc đẩy đào tạo nghề cho người dân khu vực nông thôn, xây dựng các cơ chế, chính sách để phụ nữ có cơ hội việc làm, phát triển bản thân.

Bà Lệ còn cho biết, bà quan tâm nữ giới, người nghèo, gia đình chính sách, trẻ em nên bà sẽ cùng lãnh đạo TPHCM và các cơ quan chức năng giám sát, nhanh chóng tháo gỡ các dự án treo, đẩy mạnh cải thiện, nâng cấp cầu, đường, thúc đẩy tháo gỡ vướng mắc trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thủ tục cấp giấy tờ nhà đất, đảm bảo quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người dân để sớm ổn định cuộc sống. 

Thay mặt các ứng cử viên, bà cho biết, nếu trúng cử, bà sẽ nỗ lực không ngừng, làm tròn những gì đã hứa với dân; nếu không trúng cử, bà cũng làm tốt phần việc đã được phân công. Dù ở vị trí, nhiệm vụ nào, các ứng cử viên cũng sẽ làm tốt nhất nhiệm vụ, công tác được giao và luôn cố gắng phấn đấu, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức. 

Tuyết Dân

Tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện quyền bình đẳng

Là đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu HĐND TPHCM khóa VIII và IX, bà Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM - tiếp tục được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND TP.HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026. 

Trong các cuộc tiếp xúc cử tri hoặc giám sát hoạt động của các cơ quan Nhà nước, đại biểu dân cử, bà Bích Châu luôn chăm chú lắng nghe người dân, ghi chép tỉ mỉ. Khi trả lời dân, hầu như bà không bỏ sót vấn đề nào. Ngay cả với những vấn đề ngoài thẩm quyền giám sát, bà vẫn ghi nhận và hứa phản hồi. Để rồi sau đó, trong các kỳ họp HĐND và Quốc hội, bà đã thay dân chất vấn các vấn đề với người có trách nhiệm. 

Bà Tô Thị Bích Châu (phải) trong một lần trao đổi lắng nghe ý kiến của người dân  - Ảnh: Tuyết Dân
Bà Tô Thị Bích Châu (phải) trong một lần trao đổi lắng nghe ý kiến của người dân - Ảnh: Tuyết Dân

Nhắc đến đại biểu Tô Thị Bích Châu, nhiều người vẫn còn nhớ “kỳ án” của chị Mai Thị Ngọc Vân - ở P.2, Q.Tân Bình, TPHCM. Chị Vân bị Tòa án nhân dân Q.Tân Bình tuyên án chín tháng tù về tội “cố ý gây thương tích”, đến phiên phúc thẩm lại bị tuyên phạt bốn năm tù. Nhận đơn của chị Vân, bà Tô Thị Bích Châu đã liên tiếp gửi các đơn kiến nghị đến Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao.

Kết quả, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã chấp nhận kháng nghị toàn bộ vụ án, trả hồ sơ đề Tòa án nhân dân Q.Tân Bình xét xử lại từ đầu, còn vị thư ký Tòa án nhân dân TPHCM vòi tiền chạy án đối với chị Vân cũng bị nghiêm trị. Đây chỉ là một trong nhiều vụ việc mà bà Bích Châu đã lên tiếng giúp dân. 

Tiếp xúc cử tri ở Q.6 và H.Bình Chánh, ứng cử viên ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND TPHCM khóa X này nói: “Trong nhiệm kỳ tới, nếu tiếp tục được nhân dân tín nhiệm, tôi sẽ thường xuyên tiếp xúc cử tri, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri, phản ánh kịp thời đến lãnh đạo chính quyền TPHCM những ý kiến đóng góp của cử tri. Tôi cũng tiếp tục tham gia xây dựng và giám sát việc thực hiện Hiến pháp, pháp luật, chính sách có liên quan đến quyền lợi, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nói chung và của phụ nữ, trẻ em nói riêng, nhằm tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện quyền bình đẳng và phát triển”.

Hạnh Chi

Từng người trong cộng đồng phải trở nên giỏi hơn 

TPHCM triển khai đề án đô thị thông minh từ cuối năm 2017. Đề án giúp người dân cùng tham gia giám sát hoạt động quản lý của chính quyền. Chính quyền cấp quận, huyện đã tăng cường các ứng dụng trực tuyến để người dân dễ dàng phản ánh thông tin. Đề án cũng tập trung vào việc số hóa dữ liệu với mục tiêu xây dựng kho dữ liệu dùng chung để tăng cường hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, tiến tới công khai cho người dân và doanh nghiệp cùng khai thác.

Trong đề án này, không thể không nhắc đến vai trò của bà Võ Thị Trung Trinh - Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM, ứng cử viên đại biểu HĐND TPHCM khóa X. Là người trực tiếp phụ trách lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin của TPHCM, bà đã có nhiều đóng góp trong việc triển khai đề án đô thị thông minh. 

Bà Võ Thị Trung Trinh đang từng ngày cùng cộng sự vận hành đề án  xây dựng thành phố thông minh
Bà Võ Thị Trung Trinh đang từng ngày cùng cộng sự vận hành đề án xây dựng thành phố thông minh

Theo bà Trung Trinh, việc xây dựng đô thị thông minh giúp TPHCM hiện đại hóa đô thị và sử dụng những công cụ thông minh để giải quyết mọi vấn đề phát sinh của đô thị một cách hiệu quả nhất. Xây dựng đô thị thông minh vừa là cơ hội, vừa là thách thức, nó vừa giúp bộ máy chính quyền làm việc hiệu quả hơn, cuộc sống có chất lượng cao hơn, mọi người được phục vụ tốt hơn nhưng thách thức nằm ở chỗ chính con người ra quyết định chứ không phải máy móc, thiết bị. 

Bà Trinh nói: “Để TPHCM thật sự là đô thị thông minh, từng người trong cộng đồng phải nỗ lực hơn, năng động hơn, trở nên giỏi hơn thì mới có thể điều khiển, khai thác, làm chủ được các hệ thống kỹ thuật ngày càng thông minh hơn đó. Nếu không, đô thị thông minh cũng chỉ là một giấc mơ công nghệ”.

Tinh Châu

Khát vọng xây dựng thiết chế về văn hóa, giáo dục

Bốn nữ ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND TP.HCM khóa X (nhiệm kỳ 2021-2026) mà chúng tôi giới thiệu trong bài viết này đều hội tụ một khát vọng xây dựng thiết chế bền vững - bao gồm văn hóa, giáo dục - cho từng cộng đồng dân cư và cho mỗi người dân. 

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử

Năm ngoái, khi đại dịch COVID-19 làm tê liệt các hoạt động kinh tế, đặc biệt là hoạt động du lịch, trả lời phỏng vấn của chúng tôi, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - khi đó là Phó giám đốc Thường trực Sở Du lịch TPHCM - tỏ ra rất trăn trở, đồng thời cũng thẳng thắn đánh giá về hiện trạng ngành du lịch của TPHCM. Theo bà, dù có dịch bệnh hay không, phải nhìn nhận năng lực cạnh tranh của ngành vẫn còn yếu do thiếu một chiến lược chung. 

Bây giờ, là Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, ứng cử viên đại biểu HĐND TPHCM khóa X, bà vẫn tiếp tục mạch trăn trở ấy: “Nghị quyết Trung ương V khóa VIII khẳng định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội. Như vậy, muốn phát triển một cách bền vững và có đặc trưng riêng, du lịch phải gắn liền với phát huy, tôn tạo các giá trị văn hóa, lịch sử”.

Theo bà, ngành du lịch TPHCM đã, đang và sẽ đi theo hướng này để không chỉ trở thành một ngành kinh tế dịch vụ mũi nhọn, mà còn góp sức bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc nói chung và những đặc trưng văn hóa riêng của TPHCM, bảo vệ và tôn tạo tài nguyên môi trường, cải thiện cảnh quan đô thị, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch.

Trong chương trình hành động của mình, bà mong muốn kết nối và giám sát công tác cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách và các hoàn cảnh khó khăn thông qua các chương trình vì cộng đồng tại Q.Gò Vấp, nơi bà sinh sống. Theo bà Ánh Hoa, đây là cách tốt nhất để xây dựng thiết chế văn hóa tại cộng đồng dân cư.

Đưa nghệ thuật truyền thống vào học đường

Là đại biểu HĐND TPHCM khóa VIII và IX, ca sĩ Thanh Thúy, tức bà Nguyễn Thị Thanh Thúy - Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, ứng cử viên đại biểu HĐND TPHCM khóa X - nói: “Tôi ý thức sâu sắc đây là trách nhiệm lớn trước cử tri và nhân dân thành phố. Là đại biểu HĐND TPHCM hai nhiệm kỳ, tôi luôn nỗ lực kế thừa và phát huy kết quả, kinh nghiệm hoạt động của HĐND thành phố, đồng thời mong muốn tiếp tục cùng tập thể Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM quyết tâm thực hiện chiến lược phát triển ngành văn hóa thành phố”.

Bà cho biết, TPHCM đã đưa các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống dân tộc vào học đường, góp phần nâng cao kiến thức lịch sử văn hóa, nghệ thuật dân tộc trong các cấp học. Năm 2020, Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM đã ký kế hoạch liên tịch với Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM nhằm đưa các loại hình văn hóa dân tộc, nghệ thuật truyền thống tiêu biểu, đặc trưng của phương Nam vào trường học. Đến nay, dù dịch bệnh ảnh hưởng đến tiến độ, nhưng đã có khoảng 150 giáo viên đăng ký tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức âm nhạc dân tộc, múa dân gian, đờn ca tài tử, cải lương.

Một nội dung khác mà bà Thanh Thúy quan tâm, đưa vào chương trình hành động của mình là xây dựng ngành công nghiệp văn hóa TPHCM: “Chúng tôi cụ thể hóa những lĩnh vực trọng điểm, thế mạnh của TPHCM để phát triển như nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, thời trang, quảng cáo, mỹ thuật, kiến trúc… Khi xây dựng các lĩnh vực này theo hướng công nghiệp văn hóa với các cơ chế, chính sách phù hợp, tự thân nó sẽ huy động các nguồn lực xã hội để lớn mạnh, sẽ sinh ra nhiều nguồn lợi và đóng góp thiết thực vào tăng trưởng kinh tế của thành phố, đồng thời nâng cao đời sống tinh thần cho người dân”.

Kết nối nhà đào tạo với đơn vị tuyển dụng

Nhiều năm công tác trong lĩnh vực giáo dục, bà Nguyễn Thị Minh Hồng - tiến sĩ văn học, Chủ tịch Hội đồng nhà trường, Trường đại học Sư phạm TPHCM - luôn tập trung trí tuệ, sức lực cho các hoạt động đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam. Theo bà, đáp số cho những bài toán về phát triển bền vững là giáo dục. 

Với tư cách là ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV, bà Minh Hồng chia sẻ mối quan tâm của mình: “Tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, phản biện, góp phần hoàn thiện các giải pháp, chính sách nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là các chính sách phát triển đội ngũ giáo viên, vấn đề sách giáo khoa mới, các chính sách liên quan các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, bảo vệ trẻ em, chuẩn hóa hệ thống trường và phát triển đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông ở các khu công nghiệp, vùng khó khăn”.

Riêng tại Trường đại học Sư phạm TPHCM, bà đặt mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo với ba định hướng. Một là, đổi mới công tác tuyển sinh, công tác hướng nghiệp để chọn lựa các thí sinh có tình yêu đối với nghề giáo và có đủ năng lực, phẩm chất phù hợp với nghề giáo và gắn bó với nghề lâu dài; nghiên cứu, tư vấn cho các tỉnh, thành về đào tạo giáo viên theo đặt hàng, đào tạo đáp ứng nhu cầu thực tiễn và chiến lược phát triển giáo dục địa phương.

Hai là, đổi mới chương trình đào tạo, tham gia kiểm định các ngành đào tạo giáo viên theo chuẩn quốc tế và quốc gia, đảm bảo sinh viên ra trường có đủ năng lực và phẩm chất làm nghề giáo, sáng tạo trong tổ chức các hoạt động dạy học và giáo dục, chú trọng giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho sinh viên. Ba là, chú trọng việc kết nối với các sở giáo dục và đào tạo, các đơn vị tuyển dụng, đảm bảo cho sinh viên ngành sư phạm có điều kiện tiếp cận vị trí việc làm phù hợp với chuyên môn được đào tạo.

Xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ 

Trong vai trò Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM khóa XIV, bà Văn Thị Bạch Tuyết luôn dành thời gian thỏa đáng để tiếp công dân, tiếp xúc cử tri, đồng thời phản ánh các kiến nghị của cử tri đến Quốc hội. Tiếp tục được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM giới thiệu tái ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bà Bạch Tuyết cho biết, sẽ tiếp tục quan tâm đến việc nâng cao chất lượng giáo dục gắn với thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, giám sát các chính sách bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân, chăm lo gia đình chính sách, hộ nghèo và các đối tượng yếu thế trong xã hội.

“Tôi thấy việc xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em đã được đề cập nhiều lần tại diễn đàn Quốc hội, nhưng chưa có nhiều chuyển biến. Thực tế cho thấy, môi trường sống của trẻ em ở nhiều nơi chưa an toàn và lành mạnh, còn xảy ra nhiều vụ bạo hành, xâm hại trẻ em” - bà trăn trở. Theo bà Tuyết, cả hệ thống chính trị cần phải quan tâm và thực hiện các giải pháp đồng bộ để bảo vệ trẻ em, phòng chống hiệu quả nạn bạo hành, xâm hại trẻ em. 

“Tôi quan tâm việc xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh cho trẻ em trên không gian mạng, sóng truyền hình, trong trường học, các khu công cộng. Điều này cần sự giám sát của Quốc hội đối với các bộ và các địa phương. Cần trang bị hệ thống giám sát an ninh nơi công cộng, khu vui chơi giải trí, trường học… và đầu tư phát triển hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em bên cạnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền thường xuyên, liên tục nâng cao ý thức của người dân, đặc biệt phụ huynh” - bà Bạch Tuyết nói. 

Muốn thực hiện tốt các mục tiêu trên, theo bà, Chính phủ phải giám sát chặt chẽ trách nhiệm của chính quyền địa phương, xử lý nghiêm lãnh đạo địa phương không thực hiện hiệu quả các giải pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em, bảo vệ môi trường sống lành mạnh cho cư dân. 

Quốc Ngọc

 

 
TIN MỚI