NSƯT Quốc Trụ: Tiếng đàn, tiếng hát đã vượt trùng dương

16/08/2021 - 08:07

PNO - Trong ký ức học trò, NSƯT Quốc Trụ không chỉ là thầy, là cha, là người bạn lớn, mà cuộc đời ông còn là tấm gương để thế hệ sau soi vào, nhìn cách ông hết mình với đam mê, hóm hỉnh yêu đời, khiêm nhường với tất thảy mà học tập. Nay ông ra đi giữa diễn biến đau lòng của đại dịch, khó có lời nào có thể nói rõ sự xót xa, thay cho một lời chào trọn vẹn.

“Sống ngẩng cao đầu” - bài học thầy để lại 

NSƯT Quốc Trụ sáng lập ra Khoa Thanh nhạc, Nhạc viện TP.HCM cũng là người giữ chức trưởng khoa lâu nhất, từ năm 1976 - 2001. Theo thời gian, số lượng học trò được ông đào tạo cứ mỗi năm một nhiều. Có những người sau khi tốt nghiệp rồi ngụp lặn theo dòng đời nổi trôi, nhưng có người giờ đây định danh được trong làng nhạc Việt, đứng ở vị trí khó ai thay thế. NSND Tạ Minh Tâm, NSƯT Thanh Thúy, NSƯT Cao Minh, NSƯT Thế Hiển, ca sĩ Quang Thành, Mỹ Tâm, Hiền Thục… từng là học trò của thầy Quốc Trụ và danh sách này vẫn cứ nối dài. 

Nay thầy Quốc Trụ qua đời giữa dịch bệnh, học trò thầy từ khắp nơi ngồi lặng thắp nén hương lòng. “Ngày đó tôi 19 tuổi (năm 1996), tôi học thầy khoảng hơn một năm. Mỗi lần nhìn thầy hát thị phạm bằng tất cả say mê, tôi thấy bản thân cũng được tiếp lửa. Khi đứng ở cánh gà nơi sân khấu kỷ niệm quãng đường nghệ thuật của thầy cách đây sáu năm, tôi lại thêm ngưỡng mộ giọng hát nội lực, sự lao động miệt mài, nghiêm túc, tận hiến của thầy”, NSƯT Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, chia sẻ.

Nghệ sĩ Quốc Trụ bên chiếc đàn piano, nơi dạy cho nhiều giọng ca thành danh hiện tại
Nghệ sĩ Quốc Trụ bên chiếc đàn piano, nơi dạy cho nhiều giọng ca thành danh hiện tại

Với nghệ sĩ Thanh Thúy, được học thầy là vinh dự lớn lao để từ đó về sau, nhìn vào những gì thầy cống hiến, chị dặn lòng cố gắng làm theo. Khác với nghệ sĩ Thanh Thúy, NSND Tạ Minh Tâm gặp thầy sớm hơn, và là một trong những học trò đầu tiên được thầy dạy dỗ. Năm đó, chàng trai Tạ Minh Tâm hãy còn ở tuổi 17, rời quê nhà lên Sài Gòn học nhạc. Chân ướt chân ráo được thầy Quốc Trụ uốn nắn, chỉ dạy suốt 5 năm từ 1981 đến 1986, rồi sau đó thầy trò cùng đồng hành trong nhiều hoạt động. Với NSND Tạ Minh Tâm, thầy như bậc đàn anh, dạy anh nhiều thứ bên ngoài sách vở, không hề có khoảng cách thế hệ.

Với ca sĩ Mỹ Tâm, thầy Quốc Trụ đã có thời gian hơn 20 năm chỉ dạy cô từ lúc chân ướt chân ráo vào nghề đến nay, nên khó có lời nào để nói trọn tình cảm thầy trò. Chừng ấy năm để cô có chỗ đứng trong âm nhạc, cũng là chừng đó thời gian thầy dõi theo. Nữ ca sĩ nói khi thầy qua đời, điều cô muốn gửi đến thầy là lời xin lỗi, vì nhỡ có lúc nào đó khiến thầy không được vui, cô mong thầy bỏ qua những lỗi lầm.

Trong lời kể của các nghệ sĩ, có nhiều bài học từ thầy Quốc Trụ được nhắc lại, trong đó, nhiều người nói về bài học phẩm chất nghệ sĩ. Với NSƯT Quốc Trụ, làm nghệ sĩ phải đáng mặt nghệ sĩ, tức là từ trong cách nói năng, đi đứng, hành xử, phát biểu, hay đơn giản nhất là cách hát và xuất hiện trước khán giả cũng phải đàng hoàng, chỉn chu. Nghề nào cũng cao quý, nhưng nếu muốn được tôn trọng, mình phải xứng đáng, chí ít là sống ngẩng cao đầu không hổ thẹn.

Một đời hiển vinh

Nghệ sĩ Quốc Trụ sinh năm 1941, thuộc thế hệ nghệ sĩ opera đầu tiên của Việt Nam. Ông từng du học tại Bulgaria trong vòng bảy năm trước khi về nước theo đuổi nghiệp ca hát và gắn bó công tác giảng dạy. Ông từng nói rằng, các thế hệ học trò ông đào tạo được, là tài sản ông trân quý nhất. Bởi khi mọi vật chất tan biến, điều còn lại duy nhất là trí tuệ, con người. Do đó, để học trò tin yêu, bản thân ông cũng luôn tự hoàn thiện mình, dù ở vị trí cánh chim đầu đàn cũng không ngừng học hỏi.

Cố nghệ sĩ (ở giữa) trong đêm nhạc đáng nhớ - NSƯT Quốc Trụ - Hơn nửa thế kỷ biểu diễn và giảng dạy diễn ra năm 2015.
Cố nghệ sĩ (ở giữa) trong đêm nhạc đáng nhớ - NSƯT Quốc Trụ - Hơn nửa thế kỷ biểu diễn và giảng dạy diễn ra năm 2015.

Nghệ sĩ Thanh Thúy nói điều chị ngưỡng mộ nhất ở thầy là niềm đam mê và sự tận hiến cho âm nhạc. Để dòng nhạc hàn lâm gần gũi với số đông khán giả trong nước, gần suốt cuộc đời làm nghệ thuật, thầy không ngừng học hỏi, nghiên cứu, sáng tạo… để đưa hơi thở của cuộc sống đương đại vào âm nhạc cổ điển. Trong suốt hành trình của mình, NSƯT Quốc Trụ chưa bao giờ ngừng nỗ lực, vì ông quan niệm đó cũng là cách truyền lửa đam mê cho học trò của mình. Bất chấp mọi khó khăn, ông chưa bao giờ nghĩ đến hai từ “bỏ cuộc”.

Còn nhớ đêm nhạc ấn tượng kỷ niệm sự nghiệp năm 2015 - NSƯT Quốc Trụ - Hơn nửa thế kỷ biểu diễn và giảng dạy, ông đứng trên sân khấu thể hiện các nhạc phẩm opera kinh điển. Ở tuổi 75 với làn hơi khỏe, giọng hát nội lực, ông trình bày tròn trịa bài Hò kéo thuyền trên sông Volga (cải biên dân ca Nga), Aria Fiesco (trích ca kịch Simon Boccanegra, của nhà soạn nhạc J.Verdi), Chiều hải cảng (tác giả Salaview Xedoi)… Trong đêm ấy, không ngớt những lời tán thưởng, tràng pháo tay dành cho một giọng ca “già gân”, mà nói đúng hơn là một tượng đài của làng nhạc Việt. NSƯT Quốc Trụ từng nhận Huân chương Lao động hạng Ba cho những gì ông đã cống hiến suốt nhiều năm dài.

Ai đó từng nói phải đến lúc rời đi, con người mới biết mình đã sống ra sao, cuộc đời mình cho - nhận thế nào, bởi những điều ấy nằm ở phía người đang sống. Nay, cánh chim đầu đàn của thế hệ nghệ sĩ opera Việt Nam có lẽ đã rời khỏi cõi tạm trong thanh thản, vì sự ngưỡng mộ, yêu thương, trân quý của người ở lại dành cho ông - một mảnh ghép quan trọng không thể thay thế của một thời đoạn âm nhạc. Cuộc đời ông, cũng vì thế mà hiển vinh, ngời sáng. 

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI