Nông dân thua lỗ vì giá thức ăn chăn nuôi, phân bón… tăng cao

24/03/2022 - 06:18

PNO - Giá phân bón, thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao trong khi giá nông sản đầu ra ở mức thấp khiến nông dân ở hầu khắp các vùng miền không có lời, thậm chí thua lỗ.

Ông Phạm Văn Hùng - chủ trại heo thịt hơn 300 con tại huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai - cho biết trước đây, mỗi năm giá thức ăn chăn nuôi chỉ có vài lần điều chỉnh tăng, những hộ nuôi heo thậm chí còn nhớ rõ trong năm, thức ăn chăn nuôi của doanh nghiệp nào tăng giá, mức tăng bao nhiêu. Nhưng thời gian gần đây, tần suất tăng giá trở nên dày đặc, không thể nhớ nổi nữa. Từ đầu năm đến nay đã có tới ba, bốn lần giá thức ăn chăn nuôi tăng, mỗi lần tăng bình quân 300 - 400 đồng/kg. Từ mức trung bình 290.000 - 300.000 đồng/bao (25kg/bao) tùy loại, giá hiện nay đã lên 350.000 - 360.000 đồng/bao. Các đại lý bán cám mới thông báo có thể sẽ thêm một đợt tăng giá trong vài ngày tới.

“Nếu tính giá thành chăn nuôi một con heo xuất chuồng khoảng 100kg, tổng chi phí (con giống, thức ăn, vắc-xin, thuốc thú y…) vài tháng trước khoảng 5-5,3 triệu đồng, nhưng hiện đã lên đến 5,5-5,6 triệu đồng. Trong khi giá heo hơi hiện chỉ 53.000-54.000 đồng/kg, nhiều địa phương khác giá còn thấp hơn, người nuôi hiện đã thua lỗ nên nhiều hộ sau khi bán hết heo đã dừng thả nuôi lứa mới”, ông Hùng cho hay.

Giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục từ cuối năm 2021 đến nay khiến nhiều hộ nuôi heo đang phải chịu lỗ ẢNH: Q.BÌNH
Giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục từ cuối năm 2021 đến nay khiến nhiều hộ nuôi heo đang phải chịu lỗ ẢNH: Q.BÌNH

Thức ăn chăn nuôi chiếm khoảng 60-65% giá thành sản phẩm chăn nuôi. Theo nhiều hộ nuôi heo, gà tại khu vực Đông Nam bộ, trước đây, để đối phó với những đợt tăng giá thức ăn chăn nuôi, nhiều hộ mua thêm các nguyên liệu như bột bắp (bột ngô), bột đậu nành, bột xương... về phối trộn thêm để giảm giá thành. Tuy nhiên, giờ thì giá các loại nguyên liệu này còn tăng mạnh hơn thức ăn thành phẩm. Mức tăng phổ biến đều trên 1.000 đồng/kg.

Theo ông Dương Tất Thắng - Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) - có đến 65% nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam là nhập khẩu. Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã làm gián đoạn nguồn cung toàn cầu, khiến giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục từ tháng 10/2020 đến nay. Gần đây, giá mặt hàng này càng tăng mạnh do xung đột Nga - Ukraine, hai quốc gia chiếm thị phần lớn trên thị trường ngũ cốc thế giới, khiến nguồn cung càng hạn chế hơn. Để giảm áp lực do giá nguyên liệu nhập khẩu được dự báo sẽ còn tăng cao trong thời gian tới, Cục Chăn nuôi đang kiến nghị Bộ NNPTNT có chính sách tăng diện tích trồng một số nguyên liệu như bắp, sắn… trong nước. Kèm theo là các giải pháp về thay đổi công nghệ chế biến thức ăn chăn nuôi.

Tuy nhiên, các giải pháp này cần có thời gian trong khi áp lực tăng giá của nhóm hàng này vẫn cao và được dự báo sẽ còn kéo dài, ít nhất đến hết năm 2022. 

Cùng với nguyên nhân tương tự, giá phân bón trong nước cũng tăng mạnh. Ngày 22/3, giá phân Ure Phú Mỹ tại tỉnh An Giang tăng thêm khoảng 300 đồng/kg lên mức 18.300 đồng/kg; phân Ure Trung Quốc cũng đã lên đến 17.800 đồng/kg. Các loại phân DAP, NPK… cũng đều thiết lập mặt bằng giá mới. Ông Nguyễn Văn Thật - nông dân tại xã An Nhơn, huyện Thạnh Phú (An Giang) - cho biết giá hầu hết các loại phân đạm đều tăng gấp hơn hai lần chỉ sau hơn một năm. Cuối năm 2020, giá phân DAP hơn 10.000 đồng/kg, hiện đã lên 25.000-26.000 đồng/kg, trong khi giá lúa không tăng. Các loại vật tư khác như thuốc bảo vệ thực vật, tiền thuê máy cắt lúa… cũng tăng do giá nguyên liệu nhập khẩu, xăng dầu tăng.

Trong khi giá phân bón, vật tư trồng trọt tăng cao thì nhiều loại nông sản, đặc biệt là trái cây giảm mạnh. Giá thanh long, dưa hấu… đều chỉ còn 3.000-5.000 đồng/kg nhưng cũng không thể tiêu thụ do sản lượng quá lớn trong khi việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc vẫn ách tắc. Tại hội nghị sơ kết sản xuất, trồng trọt vụ đông xuân 2021-2022 và triển khai kế hoạch các vụ mùa năm 2022 ở Nam bộ diễn ra cách đây ít ngày, Bộ NNPTNT đã đánh giá việc giá phân bón tăng cao đang là thách thức lớn cho sản xuất nông nghiệp. 

Quang Bình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI