Những tòa nhà ngộ nghĩnh ở Mỹ

26/07/2020 - 12:18

PNO - Kiến trúc ven đường (roadside architecture), xu hướng hoàng kim vào những năm 30 ở miền Nam California, từng bị các nhà phê bình mỹ học phản đối dữ dội, giờ đây đang chứng kiến sự hồi sinh rực rỡ nhờ hình dáng đặc biệt của nó.


Một chiếc bánh donut khổng lồ đặt trên mái nhà, một cửa hàng sửa giày có hình chiếc ủng, một tiệm kem mang hình dáng con cú dềnh dàng đôi cánh, một cái hot-dog lớn như xe cứu hỏa… là vài trong số những điều kỳ thú du khách có thể tìm thấy khi dạo chơi tại khu vực Greater, Los Angeles. 

Một tòa nhà theo phong cách kiến trúc ven đường ở Nam California
Một tòa nhà theo phong cách kiến trúc ven đường ở Nam California

Kiến trúc ven đường là sản phẩm đô thị hóa của những năm 1920 tại California khi ngành công nghiệp ô tô mới bắt đầu bùng nổ, các làn đường cao tốc đua nhau mọc lên và người Mỹ được khuyến khích ở trên xe nhiều hơn ở nhà. Các ngôi nhà hình thù ngộ nghĩnh xuất hiện bên vệ đường nhằm thu hút sự chú ý của những người lái xe, với hy vọng bán được một món gì đó như đồ ăn, thức uống. Nhanh, gọn, bắt mắt và giá rẻ là yêu cầu được đặt ra.

“Khi ô tô trở nên phổ biến, có những người đã chạy xe liên tục 35 dặm một giờ để tìm kiếm một điểm dừng chân và Nam California trở thành cái nôi cho kiểu kiến trúc này bởi California được thành hình nhờ sự thúc đẩy phát triển của ngành công nghiệp ô tô” - Jim Heimann, tác giả cuốn California Crazy (tạm dịch: Cali điên rồ), xuất bản năm 1980, lưu giữ hình ảnh kiến trúc ven đường, chia sẻ với CNN.

Một nhà hàng ở Los Angeles với hình chiếc hot-dog lớn được xây dựng vào năm 1959, hiện đang được khôi phục
Một nhà hàng ở Los Angeles với hình chiếc hot-dog lớn được xây dựng vào năm 1959, hiện đang được khôi phục

Suốt một khoảng thời gian dài, những tòa nhà này và giai đoạn kiến trúc đô thị ven đường bị giới kiến trúc sư và các nhà sử học phủi bỏ hoàn toàn khỏi lịch sử ngành kiến trúc, bởi chúng bị phàn nàn rằng quá tầm thường và xấu xí, kỳ dị. Nhưng thời gian qua đi, giá trị lịch sử mà những công trình này lưu dấu càng nhiều thêm. Mọi thứ bắt đầu vào năm 1972, khi Learning from Las Vegas, một cuốn sách về chủ nghĩa Hậu hiện đại, và Las Vegas Strip (dải Las Vegas, chỉ thiên đường giải trí, hoạt động nghệ thuật tọa lạc tại sa mạc Nevada) làm thay đổi nhận thức về khái niệm kiến trúc bên đường.

 

 


 

Một tiệm sửa giày hình chiếc ủng tại  Bakersfield, cách Los Angeles 90 dặm vẫn còn đến ngày nay
Một tiệm sửa giày hình chiếc ủng tại Bakersfield, cách Los Angeles 90 dặm vẫn còn đến ngày nay

Tuy nhiên, sự tăng trưởng chậm về mức độ phổ biến và tính chất thời đoạn của các doanh nghiệp liên kết với các mô hình kiến trúc ven đường, chủ yếu là các cửa hàng bán thức ăn nhanh nhỏ lẻ, đã khiến mô hình này dần biến mất vì không đủ chi phí vận hành; cũng như phải nhường đất cho các công trình khác trong quá trình đô thị hóa.

Heimann ước tính, hiện chỉ còn khoảng 15-20 công trình còn đứng vững trong số hàng trăm ngôi nhà đã được các quyển sách miêu tả trước đó. Đáng mừng thay, ở thời điểm hiện tại, một số nhà đầu tư đã bắt đầu nhận ra giá trị của kiến trúc ven đường, sẵn sàng bỏ tiền ra mua, sửa chữa, khôi phục đưa chúng về hiện trạng ban đầu.

Lý giải vì sao kiến trúc ven đường trở thành “đặc sản” của miền Nam California, Heimann cho biết, nó là sự kết hợp của nhiều yếu tố, gồm bối cảnh hình thành, những loại vật liệu giá rẻ tạo nên chúng và cộng đồng dân cư phong phú với rất nhiều người tài năng từng sống ở đây. Heimann gọi đó là “sự kết nối Hollywood” giữa các hãng phim, công viên giải trí và những người tìm kiếm giấc mơ Mỹ tại Hollywood.

Văn Khoa. Ảnh: TASCHEN

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI