Những người đàn ông đồng hành cùng Hội phụ nữ

24/11/2021 - 06:06

PNO - Với ý nghĩa tốt đẹp, cùng sự khéo léo, Hội Phụ nữ không chỉ tập hợp các chị em mà còn “lôi kéo” được cả cánh “mày râu” vào các hoạt động.

Xông pha Vì cộng đồng

Bước vào năm học mới 2021 - 2022, em Nguyễn Đức Vinh, học sinh lớp 11A5 Trường THPT Bình Chánh, (H.Bình Chánh), đã có hơn 100 ngày làm việc với Hội Phụ nữ. Công việc hằng ngày thường bắt đầu từ tờ mờ sáng cho đến tận chiều tối. Vào những ngày dịch lên cao, Vinh cùng các chị cán bộ Hội, cán bộ mặt trận phải thức đến 21 - 22 giờ để phân chia gạo, nhu yếu phẩm; tuyên truyền phòng, chống dịch và hỗ trợ các điểm test cộng đồng…

Vinh cho biết, công việc em thích làm nhất là cùng cán bộ Hội vận chuyển các phần quà, túi an sinh, nhu yếu phẩm, rau củ quả… đến cho các hộ dân nghèo. “Ai nhận quà cũng vui cười rạng rỡ khiến em rất cảm động!” - Vinh nói. Những ngày giữa tháng Tám, nghe tin có người cho 400 ký rau cải, Vinh theo các anh chị đi nhổ cải giữa trời trưa nắng. 17 giờ, hàng trăm ký cải được chuyển về 32 tổ nhân dân rồi mang đến cho từng hộ dân.

Từ những ngày đầu tháng Chín đến hết tháng Mười vừa qua - sau khi đã bước vào năm học mới, cứ sau giờ học trực tuyến là Vinh lại có mặt tại điểm tập kết hàng hóa của ấp 2, xã Bình Chánh để phụ giúp công việc thiện nguyện.

Em Nguyễn Đức Vinh - tham gia thiện nguyện cùng Hội ngay những ngày dịch bệnh cam go
Em Nguyễn Đức Vinh - tham gia thiện nguyện cùng Hội ngay những ngày dịch bệnh cam go

Chị Đặng Thị Ánh Tú - Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Chánh, H.Bình Chánh - kể: “Công việc những ngày ấy nhiều lúc rất mệt, nên có một bàn tay đỡ đần, chị em ở ấp quý lắm. Gần như không công việc thiện nguyện nào ở địa phương vắng bóng em”.

Chị Tú vẫn nhớ ngày Vinh nhận hộp cơm trưa của mình rồi đem tặng lại cho một ông cụ lang thang gần cầu Bến Lức vì “thấy ông có vẻ đói hơn mình”. Nhìn ông cụ ăn cơm ngon lành, Vinh quên cả đói. 

Còn kỷ niệm đối với Trần Hoàng Linh - tình nguyện viên tại P.Phú Trung, Q.Tân Phú - là lần chờ đợi chuyến xe rau từ Q.7 về lúc nửa đêm. Trời mưa rả rích, cả con đường vắng ngắt. Đợi khoảng một tiếng đồng hồ thì xe rau đến. Cả nhóm hối hả chuyển 2 tấn rau tươi về điểm tập kết thì trời cũng vừa hừng sáng. Linh lại tiếp tục cùng mọi người phân chia rau và các loại nhu yếu phẩm vào các túi quà rồi đưa ngay đến các khu phong tỏa. Linh nói: “Không ít lần tôi đi tiếp nhận lương thực thực phẩm trong đêm, ngủ ngoài trời, mỗi chuyến đi đều để lại cho tôi một trải nghiệm khó quên trong cuộc đời”. 

Trần Hoàng Linh tham gia công tác tình nguyện và bắt đầu với những hoạt động mới mẻ của Hội phụ nữ
Trần Hoàng Linh (bìa phải) tham gia công tác tình nguyện và bắt đầu với những hoạt động mới mẻ của Hội phụ nữ

Quê ở Lâm Đồng, Linh vào Sài Gòn được bốn năm nay và hiện đang phụ giúp việc kinh doanh cho người cô. Do tính tình hiền lành nên chưa bao giờ bạn tham gia các hoạt động mang tính cộng đồng. Đợt dịch COVID-19 vừa qua khiến cuộc sống bị đảo lộn, cửa hàng đóng cửa nên mỗi ngày như kéo dài hơn. Lên mạng, thấy nhiều nơi tuyển tình nguyện viên tham gia phòng, chống dịch nên Linh chủ động ra UBND P.Phú Trung ứng tuyển. Những tháng ngày trải nghiệm bắt đầu với những công việc mới mẻ của Hội Phụ nữ. 

Linh bị cuốn theo những hoạt động của Hội, em làm cả ngày lẫn đêm. Nhiều lúc thấy mình dường như kiệt sức, nhưng cứ nhớ đến người dân thiếu thốn, bệnh tật không ai chăm sóc là em lại không đành lòng bỏ cuộc. 

Thương cán bộ Hội vất vả 

Anh Nguyễn Bằng Thanh Hải kinh doanh quán cà phê tại P.Tây Thạnh, Q.Tân Phú. Dịch bệnh bùng phát khiến công việc kinh doanh của anh phải tạm dừng. Thay vì đóng cửa thì quán cà phê của anh tại số 2 Nguyễn Hữu Tiến trở thành điểm bán rau củ quả bình ổn và là nơi tập kết hàng hóa hỗ trợ phòng, chống dịch. Dẫu không có thu nhập nhưng anh Hải vẫn bỏ tiền túi và vận động thêm anh em, bạn bè cùng góp sức để nấu hàng trăm suất cơm từ thiện mỗi ngày. Không chỉ P.Tây Thạnh mà các phường Sơn Kỳ, Hòa Thạnh, Phú Thạnh… cũng nhận được những suất cơm tiếp sức của anh. Anh Hải chia sẻ: “Xung quanh mình còn rất nhiều người tốt. Đại dịch xảy ra đã cho thấy rằng ngay lúc gian nan nhất, mọi người đã cùng nhau siết chặt bàn tay, nối rộng vòng tay, chia sẻ yêu thương”. 

Trong thời điểm thành phố thực hiện giãn cách xã hội, thị trường hàng hóa bị đình trệ, riêng nguồn thực phẩm rau xanh thì có tiền cũng không mua được. Nghe Hội Phụ nữ phường kêu gọi, anh Hải đã kết nối các nhóm bạn từ khắp các tỉnh Lâm Đồng, Tiền Giang, Bình Thuận… chuyển rau củ quả về Sài Gòn để cùng với Hội thực hiện việc cung cấp rau xanh cho bà con ở các khu cách ly, phong tỏa. Do có bệnh nền nên khi tham gia công tác thiện nguyện mùa dịch, anh và gia đình cũng có phần lo lắng. Nhưng cứ nghĩ đến những khó khăn của bà con, những mảnh đời bất hạnh, anh không thể ngồi yên. “Cứ đi, cứ cố gắng làm được gì thì làm… cuộc sống sẽ trở nên tốt đẹp hơn” - anh nói. 

Chị Phí Thị Ngọc Yến - Chủ tịch Hội LHPN P.Tây Thạnh - kể: “Phường có số ca bệnh tăng nhanh liên tục, cao điểm có tới 20 khu phong tỏa. Hàng hóa, thực phẩm không kịp về. Nếu không có sự góp sức của những tấm lòng như anh Nguyễn Bằng Thanh Hải, Hội đã không đảm bảo cung ứng nguồn thực phẩm cho bà con. Hội gọi điện bất cứ lúc nào anh cũng giúp. Ba tháng liên tục, mỗi ngày anh Hải hỗ trợ khoảng 200 suất cơm cho người dân tại các khu cách ly, khu nhà trọ. Các chuyến xe rau thì về liên tục, 2 - 3 chuyến mỗi tuần lúc cao điểm”. 

Anh Nguyễn Bằng Thanh Hải đã tự nguyện kết nối và tự bỏ tiền mua các chuyến rau hỗ trợ người dân khó khăn do dịch
Anh Nguyễn Bằng Thanh Hải đã tự nguyện kết nối và tự bỏ tiền mua các chuyến rau hỗ trợ người dân khó khăn do dịch

Không chỉ tham gia tích cực trong thời gian dịch bệnh, hơn mười năm qua, anh Hải đã cùng với nhóm thiện nguyện của mình hằng tuần nấu cơm từ thiện tại các tuyến bệnh viện và các mái ấm chăm sóc người già, trẻ em… Những ngày đầu tháng 11 này, nhóm của anh Hải vẫn tiếp tục nấu cơm cho những người cơ nhỡ, vô gia cư… 
Nhắc về những ngày tham gia chống dịch, chị Nguyễn Thị Lan - Chủ tịch Hội LHPN Q.Gò Vấp - xúc động: Gò Vấp là địa phương bùng phát dịch và thực hiện giãn cách đầu tiên. Thời gian đầu Hội Phụ nữ cũng lúng túng trong khâu liên hệ xe vận chuyển hàng hóa, lương thực thực phẩm. Ngay lúc đó, chị Lan được kết nối với chuyến xe 0 đồng của anh Lê Nguyễn Cẩm Tú. Bất cứ ngày hay đêm, chỉ cần Hội Phụ nữ gọi là anh Tú cho xe lên đường làm nhiệm vụ. Cao điểm, mỗi ngày phải đi 2 - 3 chuyến hàng. Nhiều lần chúng tôi ngỏ ý hỗ trợ tiền xăng xe nhưng anh Tú đều từ chối. Biết Hội Phụ nữ quận có bếp ăn phục vụ tuyến đầu, cứ cách vài ba ngày, anh Tú lại gọi điện hỏi thăm và chở đến hỗ trợ vài trăm ký rau xanh. 

Anh Lê Nguyễn Cẩm Tú (doanh nghiệp Lê Hoàn Vũ) kinh doanh ngành hàng trái cây, rau củ quả. Thấy người dân khó khăn, anh chủ động kết nối và hỗ trợ nguồn hàng cho bà con. Ngoài tổ chức các chuyến xe vận chuyển “0 đồng”, anh Tú còn kết nối các chuyến hàng rau củ quả, trái cây từ miền Tây về hỗ trợ bà con. Mỗi chuyến xe anh chở từ 5 - 10 tấn. Về tỉnh, thấy bà con nông dân không tìm được đầu ra sản phẩm, anh bỏ tiền túi ra mua rồi chở về hỗ trợ người dân thành phố. 

Liên tục nhiều tháng liền, bốn chiếc xe tải và bán tải của gia đình được anh trưng dụng làm “chuyến xe 0 đồng”. Anh đã cùng bạn bè, anh em trong gia đình làm tài xế chuyển hàng hóa từ khắp nơi qua sự kết nối của Sở Công Thương và các quận, huyện. Trong đó, anh dành nhiều ưu ái cho quận nhà Gò Vấp. Chị Lan nhớ: “Những chuyến xe Hội cần đi lúc 1 - 2 giờ sáng, anh Tú đã chủ động lái xe giúp Hội. Về đến nơi, anh ở lại giữ hàng để chờ trời sáng mới bàn giao”.

Cao điểm của đại dịch COVID-19 đã qua, thành phố trở lại cuộc sống bình thường mới, những người đàn ông ấy vẫn gắn bó, đồng hành với Hội để thực hiện các hoạt động an sinh. Khi Hội cần là có mặt. 

Thiên Ân - Phạm Phan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI