Những lớp học của F0

03/03/2022 - 06:30

PNO - Những ngày này, số F0 trong trường học không ngừng tăng lên, học sinh nhiễm nhiều và thầy cô cũng không tránh khỏi. Sau khi vượt qua ải khó khăn của nhiều tháng trước đó, giờ đây dù cho có thành F0, dù là thầy hay trò, cũng không muốn ngơi nghỉ chuyện dạy, chuyện học. Những lớp học của F0 cứ thế duy trì, không gián đoạn…

Không muốn bỏ lớp

Suốt một tuần qua, cứ sáng sáng, trong căn nhà nhỏ của cô giáo Nguyễn Thị Dung, chủ nhiệm lớp 1/6 Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) cứ vang lên những tiếng dạ vâng, ê a của trẻ nhỏ. Qua màn hình máy tính, cô dạy những học trò bé nhỏ của mình đánh vần, tập viết, làm toán từ chính căn phòng cách ly tại gia.

Một tuần cô và trò được quay trở lại trường sau hơn nửa năm chưa được gặp nhau, cô phát hiện con mình dương tính với COVID-19. Một mặt vừa lo cho con, mặt khác cô lại lo cho 36 đứa con ở trường.Thế rồi, cô cũng trở thành F0, cả lớp lập tức bật chế độ online. Cô gấp rút sắp xếp  nội dung gói gọn trong buổi sáng để các trò không ngồi máy quá lâu nhưng vẫn đảm bảo mạch kiến thức then chốt. 

Cô Nguyễn Thị Dung dù mệt mỏi với các triệu chứng nhưng đến giờ là đeo khẩu trang, mặc áo dài và lên lớp để dạy trực tuyến ẢNH: PHÚC TRẦN
Cô Nguyễn Thị Dung dù mệt mỏi với các triệu chứng nhưng đến giờ là đeo khẩu trang, mặc áo dài và lên lớp để dạy trực tuyến - Ảnh: Phúc Trần

“Nếu hỏi mệt không? Mệt chứ. Có muốn nghỉ ngơi không? Rất muốn. Song, mình thấy thương học trò. Với lớp Một, không được cô cầm tay uốn nắn những con chữ đầu đời sẽ không chỉ là khó khăn, mà còn là thiệt thòi nên mệt cỡ nào mình cũng ráng. May mắn là trong thời gian này có phụ huynh hỗ trợ, thay cô cầm tay con chỉ dạy. Một mặt quan tâm chuyện học để cô yên tâm, một mặt không ngừng động viên cô nên mình cố gắng mau khỏe để quay lại trường với các con”, cô Dung tâm tình. 

Trưa 26/2, phát hiện mình trở thành F0, cô Bích Vân, giáo viên môn vật lý Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1), lập tức báo cho tổ bộ môn, ban giám hiệu và y tế địa phương, bắt đầu chuỗi ngày “dưỡng thương”. Vậy là nhà cô có hai F0 khi chỉ cách đó ít hôm, đứa con lớn học lớp Bốn đã nhiễm bệnh. Rồi số F0 trong nhà cô lại tăng lên khi đứa con nhỏ đang học lớp chồi cũng hai vạch sau mẹ hai ngày. Cả nhà còn mỗi chồng cô - F0 đã khỏi bệnh - chăm ba F0.

Những ngày này, nhà cô như “đánh trận”, đứa con nhỏ sốt 40oC, nhịp tim tăng nhanh. Còn cô thì đau họng, ho nhiều và chỉ số SpO2 xuống thấp. Vợ chồng thay nhau trông chừng các chỉ số của con, cặp nhiệt hạ sốt, chườm nước… 

Dù đang bệnh nhưng 5 giờ sáng cô đã dậy, tranh thủ nấu ăn, rồi kêu hai con dậy đo các chỉ số, cho ăn sáng. Đúng 6 giờ 45 phút, cô bàn giao hai đứa nhỏ cho chồng, vào phòng bật máy, lên lớp. Kể từ thời gian này, mọi người trong nhà tuyệt đối không được làm phiền trừ… tiếng ho liên tục của cô.

Đến giờ ra chơi, cô lại tranh thủ nấu bữa trưa. Thời khóa biểu lên lớp của cô đều rơi vào buổi sáng, mỗi tuần dạy bốn ngày từ 4-5 tiết. Càng về những tiết cuối, họng cô càng đau dữ dội, những cơn ho càng kéo dài… cho đến khi ngừng giảng mới thuyên giảm.

Đêm đến, cô lại rị mọ chấm bài, sửa bài, soạn giáo án, gửi tài liệu và bài học của hôm sau lên hệ thống… Mỗi ngày của cô Bích Vân cứ xoay vòng như thế, kín mít lịch, không ngơi nghỉ. Dù rất mệt nhưng cô không muốn bỏ lớp. Bởi nhiều thầy cô khác cũng dần bị bệnh hoặc có người nhà bị bệnh, trong khi học sinh sắp bước vào những kỳ thi quan trọng. 

Đuối vì xoay vòng trực tiếp - trực tuyến

Tính đến nay, phần lớn các trường tại TPHCM đều xuất hiện F0 và bắt buộc phải chuyển sang hình thức học trực tuyến đối với nhiều lớp. Em Ngọc Thư, học sinh lớp Mười tại Q.Bình Thạnh, kể khi lớp có 1 - 2 F0 thì chỉ các bạn F0 nghỉ ở nhà học online, còn lại lớp vẫn đi học trực tiếp. Nhưng dần dần F0 gần nửa lớp, và mới đây trường quyết định chuyển sang học online cả lớp. 

Dù có lớp chuyển sang học online thì giáo viên vẫn phải phân thân cho hai hình thức dạy đang tồn tại trong điều kiện hiện nay. Có thể thấy, các thầy cô vất vả không kể xiết, đảm đương nhiều phần việc hơn trong công tác chuyên môn, vừa phải động viên tinh thần phụ huynh, học sinh, trong khi bản thân cũng nơm nớp trước nguy cơ chính mình cũng sẽ trở thành F0.

Cô N.N.T. đang dạy môn văn tại một trường THCS ở Q.4 cho hay: “Khi trường duy trì các lớp học online lẫn offline thì giáo viên phân thân gần như đuối luôn. Đặc thù của giáo viên THCS và THPT là dạy theo môn, theo tiết chứ không theo lớp như tiểu học nên lớp nào đã chuyển sang học online thì giáo viên mở máy dạy online, lớp nào vẫn học trực tiếp thì thầy cô lên lớp như bình thường. Việc chuẩn bị bài giảng cũng phải gấp đôi vì với hai hình thức dạy học khác nhau phải dụng nhiều công sức để các em tiếp thu bài giảng tốt nhất có thể. Đó là chưa kể phải sắp xếp dạy phụ đạo cho những học sinh đang bị F0”.

Không chỉ thầy cô vất vả mà học sinh cũng mệt mỏi để duy trì việc học trong điều kiện dịch bệnh phức tạp. Đi học rồi lại nghỉ học khi có F0, cách ly xong đi học rồi lại có F0...  Điệp khúc này một khi chưa thấy được hồi kết nghĩa là đang bào mòn sức lực và ý chí của cả thầy và trò.

Chị Mai Hương, có hai con đang học lớp Bốn và Mười tại Q.3, nói: “Thử hình dung cơ thể đang nhiễm bệnh, các triệu chứng cứ liên tục kéo đến, từ sốt, ho, đau họng, khó thở… Thế mà hai đứa mỗi ngày đều đặn học online, giữa giờ học là những tràn ho sù sụ, mỗi khi nóng sốt thì uống thuốc hạ sốt để lên lớp. Nhìn các con có ý thức và cố gắng học tập mà thương, và thương cả thầy cô đang cố gắng giúp các con từng chút một ở phía bên kia màn hình…”.

Ngay lúc này, không ít thầy cô phải dạy học từ giường bệnh, phòng cách ly và vô số học trò đang cố gắng thoát khỏi F0 để đến lớp. Mong mỏi lớn nhất của họ trong những mệt lả này là sớm trở lại với học trò chuẩn bị cho những thời điểm quan trọng nhất của năm học.

Gia Tuệ 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI