Những bí mật trong “Nhà Kho”

30/01/2017 - 14:00

PNO - Nguyễn Bá Hải là một gã độc hành lặng lẽ. Trên hành trình của mình, gã thu gom tất cả mọi mảnh vụn ký ức, hình ảnh, chất liệu cuộc sống thành một thứ năng lượng để nuôi sống tâm hồn.

Xong xuôi, vào một ngày đẹp trời nọ, gã đem cất tất cả vào Nhà Kho.

Một album nhạc không biết nên xếp vào thể loại gì, bởi nó có chất du ca, có mùi cỏ cháy của cánh đồng ký ức, có màu bụi bặm đường xa mòn vẹt đế giày vải, có tiếng gọi của punk cạy mở những câu hỏi nhói lòng… “Nhạc gì cũng được, miễn là nó làm con người xích lại gần nhau hơn”, Hải nói.

Âm nhạc thời kỳ nào cũng có những dị nhân với chất nhạc luôn làm người nghe phải chau mày ngẫm ngợi. Có những người bừng sáng chốn công cộng và cũng có người thư thả với những góc riêng của mình và vài người bạn cùng quan điểm. Nguyễn Bá Hải thuộc vế thứ hai vì đến giờ âm nhạc của gã chỉ mới chơi hai lần ngoài công cộng. Nhưng Hải là một gã lang thang kỳ dị, hắn có thể đóng nhiều vai với cùng bản ngã trong vở diễn có tên là Cuộc đời, và vẫn mải hứng thú như lời hát: “Vẫn có những người chọn cuộc sống cong vênh/Chọn đường đi thay về đích đến".

“Cứ thế sống lo toan làm gì”

Hải không phải là một ca sĩ mà cũng chưa từng nghĩ mình sẽ là nhạc sĩ.

Hải luôn tự cho mình là có tuổi thơ may mắn, thế giới bao la của cậu là kho sách khổng lồ ở nhà người bạn, “suốt ngày tôi và anh trai mình cùng bạn chơi trò trận giả ở giữa những ma trận hàng sách cao ngất của kho, lúc mệt thì trèo lên cao tít nằm vắt chân trên sách mà đọc”. Hải đọc và mơ ước. Đọc từ Trăm năm Minh Trị cho đến những cuốn triết khó nhằn của Plato, Aristotle rồi lan qua cả sách sử
chiến tranh…

Giữa những lo toan, anh em trong nhà xông pha ra trận đời, từ chân phụ hồ, bưng bê hàng quán, đến sửa điện nhà, điện xưởng… Hải làm tất tần tật những gì có thể với mong mỏi khi ấy cũng chỉ là không cao hơn mâm cơm, lẫn lộn trong giấc mơ ngày bé: Vì sao người ta thấy được nước trên cung trăng, vì sao người ta biết hết loài người ADN...

Lang bạt kỳ hồ, từ đông sang tây

Lời nhạc của Hải không đẹp một tí nào, không có lấy một chữ yêu, không than thở cũng không phấn khích. Toàn những từ ngữ quen tai, nhưng kết hợp với nhau thành câu vế lại rất đượm. Mới nghe thì khó cảm tình nhưng nếu kiên nhẫn thì ta sẽ đọc được đằng sau đó là mênh mông chiêm nghiệm từ những chuyến đi hay khối lần tự vỡ ra lẽ sống.

Thi rớt Bách khoa, Hải chọn Cao đẳng Sư phạm, một giải pháp dung hòa cho thực học bản thân và tình hình kinh tế gia đình, Hải nhớ lại. Cuộc đời sinh viên trôi cái vèo và sau đó Hải đậu công chức ở một ngôi trường gần nhà. “Nếu như an phận, có lẽ tôi đã tiếp tục cuộc sống nhà giáo”, Hải nói, nhưng những giấc mơ khi bé và cái máu tò mò về thế gian đã thôi thúc Hải tiếp tục học.

Chiêm nghiệm trong lời nhạc của Hải không ngẫu nhiên mà lạ kỳ như vậy, nó đến từ một quyết định mà bây giờ ngẫm lại, có thể xem là một bước ngoặt quan trọng của đời vào năm 2002. Lúc ấy, đang còn học Sư phạm kỹ thuật và đi dạy, một người bạn học Bách khoa rủ Hải thi vào công ty dầu khí Schlumberger, Hải nộp với ý nghĩ thử sức, vậy mà cuối cùng cũng đi hết các vòng thi tuyển trong ngỡ ngàng, đến khi phỏng vấn trực tiếp Hải còn không biết đọc tên công ty sao cho đúng.

“Lúc ấy tôi không thể diễn tả được niềm vui của mình", Hải nói. “Khi đi dạy học tôi chỉ khao khát bây giờ ai trả tôi 10 lần lương giáo viên, thì dù đi chùi toilet tôi cũng chấp nhận”. Vậy mà lúc mở hợp đồng lao động để ký, thấy bức thư đề nghị mức lương mà nhìn con số Hải cho là chắc chắn có nhầm lẫn, hơn 3.000 USD.

Đến khi công ty biết chàng trai này còn chưa học xong, bên nhân sự đã nói với Hải rằng: “Một là cậu học lấy bằng và quay lại đây ứng tuyển lại từ đầu. Còn thứ hai, cậu phải có một cái bằng khác để thay thế ngay”. Và Hải chính thức trở thành kỹ sư dầu khí với tấm bằng sư phạm, một công việc chưa từng hiện hữu ngay cả trong giấc mơ.

Và thế là suốt 14 năm, công việc đưa anh đi khắp thế giới, một cậu bé từ xóm lao động nghèo, dệt mộng qua những trang sách được đặt chân vào những trung tâm huấn luyện chuyên môn hàng đầu thế giới bên Anh, Mỹ. Lăn lộn làm việc ở những lò lửa sự kiện Iran, Angola, Myanmar.

Chu du qua những không gian tôn giáo khác biệt của Ấn Độ, Trung Quốc, sống làm việc dài ngày những vùng đất tương đồng địa lý như Malaysia, Thái Lan… tất cả đã in dấu vào tâm khảm anh những trải nghiệm chân thực như mô tả về thế giới phẳng của Thomas Friedman, anh cảm thấy rằng mình như được khai sáng về một không gian mà lằn ranh của tôn giáo, triết học, màu da, ngôn ngữ, quan điểm chính trị trở nên vô cùng nhạt nhòa. Cái thế giới mà Hải rung cảm và nắm bắt được gì thì chuyển hết thành lời và nhạc của Nhà Kho "chất chứa từ khi ta lớn lên".

Nhung bi mat trong “Nha Kho”
 

Chuyện buồn cười vậy thôi

Mê đắm nhạc như thế nhưng Hải lại không có điều kiện theo đuổi. Tất cả là tự học, cơ duyên đến với âm nhạc là được thừa hưởng cây đàn cũ nát từ anh chàng sinh viên thuê trọ với cảm hứng là những ca khúc Thanh Tùng, Nguyễn Ánh 9, Scorpions đến những giai điệu lạ lùng của Beatles, The Shadows.

Hải băng qua kỷ nguyên Pop-Hair metal, rồi khám phá ra thế giới classic rock lãng quên. Rồi đến khi hắn biết đến Grunge thì đồng hồ âm nhạc của hắn dừng lại. Với thời lưng chừng lớn của thế hệ cuối 7X, âm nhạc là một thế giới phù dung không dễ dàng như ngày nay. Một cuốn băng cassette, một cuốn sách nhạc cũng đủ nuôi lớn một tâm hồn.

Từ năm 2010, giữa các chuyến đi thì Hải bắt đầu sáng tác rất nhiều, như kể lại chuyện người đi qua nhiều miền cảm giác, những bài hát như Chuyện buồn cười vậy thôi, Bí mật, Nghêu ngao sử Việt, Đò xuôi Thạch Hãn… là một thế giới thật sự khá lạ lùng của Hải. Ở đó, những thân phận, mảnh đời nối tiếp nhau đi vào trong những câu chuyện nhỏ với những hơi thở cuốc sống, như Người lính hải quân tử trận vào ngày con gái chú sinh ra/Người lao công quét đường trả lại bọc tiền bị rơi hay Bình kia bị vỡ hãy cố gắng dính thêm keo con voi thật nhiều/Ngày mai mà chán cất tiếng hát xua tan hoang mang mộng mị đi.

Mô tả rõ nhất về chất liệu âm nhạc của Nhà Kho không khó, chỉ đơn giản là những câu riff guitar và những nghêu ngao theo bản năng ngang nhất có thể, về những trải nghiệm tí chút gai góc của những gã trung niên với hy vọng người nghe sẽ tìm thấy chút mảnh vụn cảm xúc nào đó tương tự, khi lục lọi trong "cái Nhà Kho rất to" kia.

Nhưng sự đời tréo ngeo, có thể sự kém may mắn của Hải lại là điều...hay, vì như thế ta có thêm một khẩu vị lạ. Cách nhìn sự việc của Hải sẽ dễ làm gợi nhớ tới những ví von trong câu hát của Nguyễn Công Hải (Hải bột) năm nào, chua nhưng thật như tiếng thở. Âm nhạc của Nguyễn Bá Hải tượng trưng cho phong cách những nghệ sĩ indie thích la cà, đắm đuối trong những mảnh riêng của xã hội đang trôi qua.

Sẽ ít ai nhìn ra được “phía cô đơn của thành phố mọi ngày đều là thứ Hai” nếu chưa từng chạm vào nhịp sống đô thị đang lấy mất dần đi những khoảnh hồn yên tĩnh. Hay như Đáy sông kia có bạn tôi nằm/Đò mà xuôi chèo nhẹ nhàng thôi nhé/Tuổi hai mươi thành sóng nước/Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm để nhớ lại những ngày Quảng Trị khói lửa mà Hải đã vận dụng giai điệu rất thành công cho câu thơ của Lê Bá Dương.

 “Ký ức đôi khi là món đồ hữu dụng mà ta tạm không dùng đến nữa, nếu ném đi thì tiếc rẻ, nhưng cất đi thì có khi mãi cũng không đụng đến”, Hải đã nói thế về Nhà Kho và điều đó hoàn toàn có thể tin tưởng rằng, trong Nhà Kho của gã chắc chắn sẽ còn nhiều bí mật chưa được tiết lộ. 

Nhà báo Cung Tuy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI