Như đốm lửa rung rinh trước gió

22/05/2023 - 06:15

PNO - Nhót là thứ trái mang lại sự thích thú không dừng được khi ăn. Ăn đến xít cả răng miệng mà vẫn ham.

 

Nhót chín nghĩa là trời xuân đã cuối mùa, ngày hạ sắp sang.  Ảnh: Ngọc Linh
Nhót chín nghĩa là trời xuân đã cuối mùa, ngày hạ sắp sang - Ảnh: Ngọc Linh

Sáng nay chị hẹn cà phê, lúc ra về thì lấy từ cốp xe 1 túi nhỏ trái cây dúi vào tay tôi. Ngạc nhiên quá! Dễ có đến mười mấy năm không được ăn thứ trái này. Chị khoe: “Chị bận việc quanh năm, đi sớm về trễ, chẳng biết mẹ chị ươm cây nhót từ bao giờ mà nay đã ra đầy trái. Nhà giữa phố mà trồng được nhót, ai đi ngang cũng đưa mắt ngó nghiêng, thú vị ghê”. Nhìn những trái nhót đỏ mọng, dày đặc lớp phấn trắng li ti, không dưng miệng cứ thèm thuồng.

Ấn tượng của tôi về mùa nhót chín không phải là niềm tự hào nhà có cây nhót sum suê trái mà là những lần bạn “thậm thụt” mang cho, từ lúc trái còn xanh chua lè và chát xít cho tới khi ngả màu vàng cam rồi chín đỏ, chỉ để “hối lộ” mượn vở bài tập, hay nhờ coi giùm trâu bò để bạn đi tát đìa, đá banh… Là khoảnh khắc háo hức khi thấy bầy chim chào mào chảnh ăn lượn lờ quanh cây nhót. Chúng cứ mổ vài cái nham nhở vào trái nhót mọng cho tóe nước rồi kiêu ngạo bay đi, thế là đương nhiên việc mấy đứa trẻ hái nhót chim ăn sẽ không bị ai trách mắng.

Biết nhà bạn có cây nhót, biết kỳ nhót ra hoa là vào quãng ngày mưa xuân còn lạnh, bọn trẻ đã gọi nhau đi học nhóm, năng tới chơi sáng tối. Có bữa vừa ăn cơm xong đã chạy quắn sang, nhà bạn còn đang bận bó rau để sáng mai ra chợ. Thế là mấy đứa xắn tay vào phụ giúp. Mẹ bạn có nghề làm bánh, nào bánh cuốn, bánh cam, bánh giò… Hôm nào tới mà thấy bạn còn loay hoay xay bột, đứa nào đứa nấy đều xăng xái ngồi vào quay cối. Đi học nhóm là cái cớ để được chơi, là “lấy công làm lời” để khi nhót chín, mẹ bạn sẽ hào phóng cho ăn thỏa thuê, còn gói túi lớn túi nhỏ mang về cho cả nhà.

Nhót là thứ trái mang lại sự thích thú không dừng được khi ăn. Ăn đến xít cả răng miệng mà vẫn ham. Một thời, nó là món quà quê, chỉ ở quê vườn tược rộng dài mới có. Ăn nhót là phải mặc quần áo có độ thô nhám, để khi chà vào lớp bụi phấn li ti mới nhanh chóng rơi ra, trái nhót bóng lên và mềm thì mới đạt chuẩn. Ăn nhót là phải có nắm muối hột giã cùng trái ớt te te cay hoặc sang hơn là túi bột canh trong gói mì tôm. Cứ một tay cầm nhót mài vào vạt áo ống quần, tay kia cầm muối, ăn đến ê răng mới chịu ngưng. Ăn xong còn tiếc rẻ chỗ muối đã nhểu nước sót lại trong lòng bàn tay, có đứa còn lấy lưỡi tém sạch. 

Chuỗi ngày thơ ấu ấy, đã bao lần tôi ngước nhìn lên cây nhót chín. Từng trái nhót ánh lên như những đốm lửa mời gọi. Nhót chín nghĩa là trời xuân đã cuối mùa, ngày hạ sắp sang. Sự tròn đầy, căng mọng, đỏ au của trái nhót dường như có thể khiến người ta trở nên vui vẻ. Thứ màu sắc tươi tắn, cái vị chua chua, chan chát xen lẫn ngọt ngào, phút thưởng thức nhót chín là khi người ta nhẹ nhàng chậm lại; bởi ăn nhót mà ăn nhanh thì chỉ vài trái đã chê rồi. Chậm rãi mà nhâm nhi, mà xuýt xoa cái chua chát lọt qua kẽ răng, mới thấy vị ngọt hậu cuốn hút lắng lại trên đầu lưỡi, đánh thức các giác quan và cả chuỗi ký ức xa xăm. 

Thứ trái bình dị ấy, theo năm tháng cũng dần phai đi vị nguyên bản. Người ta tìm tòi, lai tạo cho nó ngọt hơn, ít phấn hơn… Nhót “kiêu hãnh” len vào lòng phố thị, vừa mang dáng vẻ dân dã mộc mạc, lại vừa bắt mắt lạ lẫm, nên được nhiều người ưa chuộng. Người ta bảo nhau, không thưởng thức nhanh là hết mùa, phải đợi cả năm sau mới có. Phố phường vì những “đốm lửa” nhỏ xíu ấy mà cũng trở nên chộn rộn hơn. Nhìn mớ nhót chín hòa vào dòng người tấp nập, tôi như thấy cả hình bóng quê nhà, thấy bạn bè tíu tít cười nói đâu đây…

Mai Đình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI