Cuối tháng 3, nhót chín như những đám lửa

25/03/2021 - 06:14

PNO - Vào những ngày cuối tháng 3, ven hàng rào, ngoài chợ, những quả nhót chín đỏ rực như những đốm lửa nhỏ, bắt mắt và bắt miệng.

Quả nhót vốn được trồng nhiều ở miền Bắc. Thứ trái ấy khi vào mùa không mắc tiền, nhưng với đặc trưng khi chín mọng, nhiều nước, vào khoảng 20 năm trước, xe cộ khó khăn, một túi nhót vài ký mang vào Lâm Đồng làm quà cho bạn bè, người thân phải "nhõn" hết 80%.

Hiếm như vậy nên khi nhận được món quà ấy, cô hàng xóm quý tôi và chị gái lắm mới cho vài trái. Ngày đó, bánh kẹo khan hiếm, nên khi nhận được những trái nhót chín đỏ mọng, lấm tấm cám từ cô, hai chị vui lắm. Sau khi cảm ơn sẽ chạy vội về nhà, chui ra khu vườn phía sau, chà nhanh trái nhót vào áo hay quần để trôi lớp phần da ngoài, rồi cắn từng mẩu nhỏ mà thưởng thức.

Vỏ căng mọng cùng màu đỏ bắt mắt, quả nhót có khả năng thu hút tất cả mọi người.
Vỏ căng mọng cùng màu đỏ bắt mắt, quả nhót có khả năng thu hút tất cả mọi người

Miếng cắn đầu tiên, vị chua, rồi vị chát tràn trong khoang miệng, ngập đầu lưỡi khiến hai chị em mặt "nhăn như khỉ", rồi đến miếng thứ hai, thứ ba và phải đến khi mút hết phần thịt dính trên hạt, lại lập lại quy trình, chùi trái lên áo.

Dù chín và có vẻ ngoài đỏ, căng mọng rất hấp dẫn, nhưng trái nhót có vị khá chua cùng cái hậu chát nhẹ. Nên ăn từ tốn phần vì sợ hết, phần vì vị chua khó chiều. Mà mùa nhót lại qua rất mau, chỉ khoảng một tháng. Trong thời gian đó, nếu không có người quen hay thân từ Bắc vào, cô hàng xóm không được người thân hay bạn bè tặng, chúng tôi cũng "mất mùa".

Ăn không đủ nhiều, đủ đã miệng nên trái nhót theo tôi từ tuổi thơ, đến đại học, đi làm. Và vài ngày trước, tôi bắt gặp chiếc xe bán nhót gần vòng xoay Hàng Xanh. Những quả nhót chín, đỏ như đốm lửa trên con phố.

n
Khi ăn nhót, bạn phải dùng vải hay khăn giấy khô lau sạch phần phấn phủ ngoài vỏ

Thoả chí lựa, thoả chí mua, bày lên bàn với hộp khăn giấy, tôi tỉ mẩn chọn những trái mọng nhất, chùi sạch phấn cho vào miệng. Vị chua, hương thơm tràn đầy trong miệng, trong mũi. Nhai khẽ vài cái vì sợ ê răng, rồi nhẩn nha cái hạt. Lúc nhỏ, cô hàng xóm dặn kỹ ăn trái phải nhả hạt, không thì "cây sẽ mọc trong bụng".

Cô bạn cùng phòng ào vào, thấy đĩa nhót thì òa lên: "cà chua bi" rồi nhón một trái, cho vào miệng, chóp chép nhai và... nhăn mặt vì chua và vì cảm giác khó chịu nơi cổ họng. Tôi phải hướng dẫn cô ấy cách ăn, cách phủi bụi phấn. "Trái gì mà dơ đến mức không thể rửa sạch bằng nước vậy". Khi tôi bảo "nhót", cô nhìn tới, nhìn lui, phán: "cà chua bi phủi bụi".

Nhót chín chấm với muối, chua chua, cay cay, mặn mặn, chát chát. Ăn đến e răng chứ không ngán.
Nhót chín chấm với muối, chua chua, cay cay, mặn mặn, chát chát. Ăn đến ê răng chứ không ngán

Tôi bật cười. Tôi nhớ khi tra thông tin loại trái này, có một vài người con vì COVID-19, chưa thể trở về, chia sẻ trên diễn đàn rằng họ đang da diết nhớ cà chua bi phủi bụi. Ban đầu, tôi cũng không để ý lắm, sau nhìn hình dạng trái nhót, nhìn lớp phấn phủ ngoài vỏ, tên thật như hình.

Uyên Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI