Trước thời khắc quyết định của đợt sóng COVID-19 thứ hai:

“Nhỡ bước” phong tỏa Đà Nẵng, từng cá nhân phải đối diện và hành động

05/08/2020 - 08:21

PNO - “Vào lúc này, cho dù mục tiêu của từng cá nhân là gì, thì mỗi người đều phải có trách nhiệm gắn nó song song với mục tiêu chung của toàn xã hội là hạn chế tiếp xúc hòng dập dịch hiệu quả nhất” - đó là lời khuyên khẩn thiết của phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Bùi Quang Vinh (Đại học Y Dược TPHCM) thông qua cuộc trao đổi với Báo Phụ Nữ TPHCM ngày 4/8, trước thời khắc quyết định của đợt sóng COVID-19 thứ hai, đang có vẻ “hung tợn” hơn ở Việt Nam.

Ông nói, bên cạnh đề nghị phải thay đổi các thói quen, gần đây Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phải đưa ra quan điểm rằng, nhân loại phải chấp nhận khả năng sống chung với vi-rút trong nhiều thập niên. COVID-19 không thể là vấn đề có thể giải quyết ngay trong vài năm.

Sau gần 100 ngày “gồng mình” duy trì không có ca nhiễm mới trong cộng đồng kể từ tháng Tư là nỗ lực hết sức đáng khích lệ, chúng ta lại trở về từ đầu và cũng nên xem là điều bình thường. Bình thường ở đây là vì khả năng lây nhiễm cộng đồng rất khó tránh khỏi, sẽ tiếp tục xảy ra. Các nước cũng đạt được giai đoạn “không ca mới” trong thời gian ngắn như Israel, đạt được ba tuần lễ nhưng ca nhiễm cộng đồng đã quay lại.

 Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Bùi Quang Vinh
Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Bùi Quang Vinh

Mỗi người phải xem người đối diện như thể người có vi-rút

Phóng viên: Vậy thưa bác sĩ, ngay khi xuất hiện bệnh nhân 416 - ca đầu tiên sau “99 ngày zero” - có ý kiến cho rằng, lẽ ra chúng ta phải áp dụng ngay biện pháp phong tỏa (lockdown) TP. Đà Nẵng. Mới đây, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cũng có đề nghị tương tự. Ông có thể nêu quan điểm của mình?

Ông Bùi Quang Vinh: Thật sự, trong nhiều biện pháp phòng, chống dịch mà thế giới đã đề ra, gồm giãn cách xã hội (cách ly), vắc-xin, thời tiết và miễn dịch cộng đồng, thì cho tới giờ này, qua thực tế hơn nửa năm đương đầu với COVID-19, người ta thấy rằng tất cả các biện pháp đều rất yếu. Kinh nghiệm của tất cả các nước trong thời gian giãn cách từ tháng Ba đến tháng Năm, đều cho thấy số nhiễm và tử vong có giảm, tuy nhiên, không thể về 0 được. Nhưng nếu cứ giảm bớt giãn cách thì bệnh lại tăng trở lại, mọi nơi đều như thế.

Theo tôi, biện pháp mạnh mẽ hơn cả đó là phong tỏa, chẳng hạn như ở Vũ Hán. Kết quả tương đối rất mỹ mãn thời gian đầu, nhưng cho tới giờ này, các ổ dịch và ca mắc cộng đồng vẫn xảy ra. Phong tỏa là một biện pháp mạnh để cô lập, khoanh vùng ngay khi ca nhiễm cộng đồng đầu tiên xuất hiện tại một địa phương, một thành phố. Đến lúc này, không nên chờ đợi hiệu quả sẽ triệt để như mong muốn nữa. Lây nhiễm cộng đồng, như đã nói, chỉ còn là vấn đề thời gian và đến lúc xảy ra ở những nơi khác, chúng ta phải tìm mọi cách hạn chế dịch lây lan.

* Theo ông, biện pháp nào triệt để đối với giai đoạn này?

- Tôi cho rằng có. Và nó hoàn toàn phụ thuộc vào khía cạnh cá nhân phải đối diện với khả năng lây nhiễm cộng đồng như thế nào và mỗi người phải tự ý thức trang bị kiến thức gì để tự mình bảo vệ mình. Còn công tác phòng, chống lây nhiễm cộng đồng ra sao, có thể thấy vai trò của Đảng, Nhà nước, chính quyền và y tế các cấp đã tỏ ra hết sức nỗ lực trong những biện pháp từ đầu dịch đến nay.

* Ông có thể phân tích rõ hơn về chiều kích cá nhân trong đợt sóng COVID-19 thứ hai tại Việt Nam?

- Với cá nhân, nên lấy kinh nghiệm của đại dịch HIV/AIDS. Khi mới xảy ra, tinh thần chống dịch của đại dịch này là tất cả nhân viên y tế phải luôn nghĩ rằng bất cứ bệnh nhân nào mà mình tiếp xúc, thăm khám, điều trị cũng đều có thể là người nhiễm HIV. Nhờ đó sẽ có được những hành động và các biện pháp phòng, chống thích hợp. Tôi nghĩ ta cũng nên áp dụng tinh thần đó trong đại dịch COVID-19. Khi tiếp xúc với bất cứ ai trong cộng đồng, thậm chí ngay cả trong gia đình, mỗi người đều cũng nên nghĩ rằng đó có khả năng là người nhiễm COVID-19, để từ đó có biện pháp phòng ngừa ở mức độ cao nhất.

Vấn đề “chìa khóa”, yếu tố cơ bản nhất trong phòng ngừa là cơ chế lây bệnh, để biết rằng mỗi cá nhân nên làm gì cho phù hợp. Từ ban đầu, WHO đã khẳng định cơ chế lây chính là qua giọt bắn ra khi nói, thở và cơ chế thứ hai là tiếp xúc mặt phẳng cứng. Mới đây, WHO bước đầu công nhận cơ chế lây qua không khí dù điều này rất khó chứng minh. Bởi trải qua lịch sử hàng chục ngàn năm mắc các bệnh lý đường hô hấp, nhưng chỉ chừng 100-150 năm nay, nhân loại mới chứng minh được chính xác hai loại lây qua không khí là vi trùng lao và vi-rút cúm.

Với COVID-19, hàng chục năm nữa mới có đủ bằng chứng khoa học chứng minh nó lây qua không khí. Nhưng về mặt cá nhân, phải nghĩ ở mức độ cao nhất là vi-rút SARS-CoV-2 có thể lây qua con đường này để tiếp tục các biện pháp rất cần thiết gồm mang khẩu trang, rửa tay, giãn cách xã hội và giãn cách ngay trong gia đình từ 1-2m.

Một tinh thần nữa cũng cần khẳng định rằng, ngay cả trong tình huống có vắc-xin hoặc thuốc đặc hiệu, thì với đại dịch COVID-19, việc chờ đợi các yếu tố đó trở nên khả thi với số lượng lớn dân chúng bị nhiễm, dịch lây lan trong thời gian ngắn và điều kiện kinh tế eo hẹp của nước ta, thì đó là điều không tưởng.

Mỗi người phải ý thức và có cách hành xử với bất cứ người đối diện nào cũng như thể người đó là bệnh nhân COVID-19 - Ảnh: CR
Mỗi người phải ý thức và có cách hành xử với bất cứ người đối diện nào cũng như thể người đó là bệnh nhân COVID-19 - Ảnh: CR

Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa vấn đề tăng cường khả năng tự bảo vệ của mỗi người. Điều đó có ích hơn và phù hợp thực tế hơn. Có thể nói corona là khắc tinh của toàn cầu hóa và các chiều hướng đang diễn ra trên thế giới trong phát triển kinh tế như xu thế sản xuất đại công nghiệp, đại quy mô…

Bỗng dưng, COVID-19 xuất hiện mang theo đặc điểm nổi bật là buộc người ta phải bó chặt mình, quay trở lại thời kỳ của những nhóm nhỏ, hạn chế tiếp xúc, hạn chế tập trung đông người, hạn chế di chuyển… Nó có vẻ như biến chúng ta về “thời đồ đá” nhưng phải bảo đảm tinh thần rằng hãy nhìn mỗi người đối diện giống như một người nhiễm vi-rút.

* Một số thay đổi hành vi đã có như đeo khẩu trang nơi công cộng, rửa tay thường xuyên, nhưng dường như chưa khiến chúng ta an tâm trong cơn sóng thứ hai này, thưa bác sĩ?

- Tôi nghĩ một số thói quen cố hữu của người Việt buộc phải tiếp tục thay đổi. Trong bữa ăn ở quán xá hay tại gia đình, vì không thể đeo khẩu trang khi ăn và rất khó bảo đảm khoảng cách trên 2m. Vậy hãy tập thói quen khi ăn bớt nói lại nhằm hạn chế tối đa giọt bắn. Cũng liên quan đến ăn là thói quen dùng đũa. Chúng ta nên cố gắng tập không gắp vào đĩa thức ăn chung và không gắp cho người khác. Bảo đảm mọi thứ chén, bát, muỗng đũa, nước chấm tất tần tật riêng và không dùng cái chung cho cái riêng.

WHO cũng khuyên khi tiếp xúc nói chuyện với nhau thì không nên đứng đối diện, không nhìn thẳng vào mặt nhau mà nên nhìn về một hướng. Mục đích cũng là nhằm hết sức tránh giọt bắn bay trực tiếp từ người này vào người kia. Khẩu trang thì càng nhiều lớp càng tốt và bảo đảm đeo thật kín.

Hậu quả phải thay đổi hành vi bởi một con vi-rút còn là một thói quen rất quan trọng nữa. Đó là khi đi chợ, siêu thị, nhất là các bà, các cô nội trợ, nên tập thói quen lập trước một danh sách các món gì mình sẽ mua ngay khi ở nhà. Việc này giúp chúng ta hoạch định chính xác thời gian tối thiểu phải đi lại, tiếp xúc ở chợ, siêu thị, đám đông. Mua thức ăn với số lượng lớn để ăn dần, trừ những món buộc phải mua hằng ngày. Ai cũng đã biết nên dần tập việc đặt hàng online… Còn nhiều nữa, nhưng điều quan trọng mà tôi muốn nói, vào lúc này, cho dù mục tiêu của từng cá nhân là gì, thì mỗi người đều phải có trách nhiệm gắn nó song song với mục tiêu chung của toàn xã hội là hạn chế tiếp xúc hòng dập dịch hiệu quả nhất.

Một vấn đề cũng quan trọng không kém, đó là đối với đối tượng nguy cơ cao. Theo phân nhóm của Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ, tỷ lệ tử vong của bệnh nhân nhập viện trong nhóm 18-49 tuổi là 2%, nhóm 50-64 tuổi là 9,8% và nhóm trên 65 tuổi là 28,1%. Người già gần như khả năng chết rất cao, cần được bảo vệ.

Và đối với người có nguy cơ cao, biện pháp bảo vệ tốt nhất là cho họ tự cách ly tại nhà. Trong phòng riêng có đầy đủ tiện nghi tối thiểu như nhà vệ sinh và bếp ăn, tiếp xúc với họ ở cự ly xa trên 2m. Đặc biệt, cần chú ý theo dõi diễn biến tâm lý của họ, nhất là các biện pháp giảm, chống stress trong suốt thời gian cách ly. Tăng cường dinh dưỡng đạm, chất béo vừa phải, uống nhiều nước, rau quả, trái cây...

Điều trị là thứ yếu, mệnh lệnh vẫn là hạn chế tối đa ca nhiễm

* Chúng ta có bằng chứng nào về miễn dịch cộng đồng tại những quốc gia có số ca mắc và tử vong khá cao vừa qua không thưa ông?

- Khả năng hình thành kháng thể là rất ít. Chẳng hạn như ở Thụy Điển cổ động miễn dịch cộng đồng, để tự do lây lan và không áp dụng các biện pháp giãn cách. Sau ba tháng, họ làm test miễn dịch thì chỉ có 5,6% dân số có kháng thể chống lại vi-rút trong máu. Tỷ lệ này không có khác biệt đáng kể nào so với các nước như Tây Ban Nha, Ý đã áp dụng biện pháp cách ly hiệu quả. Đó là cộng đồng, còn trong số bệnh nhân sau khi khỏi bệnh, cũng chỉ 1/3 có kháng thể mà thôi.

Bác sĩ từ Sài Gòn, Hà Nội đang khẩn trương “chi viện” cho Đà Nẵng - Ảnh: CR Bác sĩ từ Sài Gòn, Hà Nội đang khẩn trương “chi viện” cho Đà Nẵng - Ảnh: CR
Bác sĩ từ TPHCM, Hà Nội đang khẩn trương “chi viện” cho Đà Nẵng - Ảnh: CR 

Trước ca bệnh tại Đà Nẵng, Việt Nam có năm chủng vi-rút và tới bệnh nhân 416 thì ta ghi nhận chủng thứ sáu. Thế nhưng, WHO đã xem lại, và vẫn trả lời rằng chủng này chưa phải là chủng có nguy cơ siêu lây nhiễm. Theo cách phân loại của thế giới trên các nghiên cứu về gen, chỉ cho thấy hai chủng chính là D614 và G614. Chủng G614 xuất hiện sau và là chủng chính lây lan tới 68% bệnh nhân ở châu Âu, từ đó lan qua Mỹ. Thực tế chứng minh G614 lây nhanh hơn D614, nhưng loại mới xuất hiện ở Việt Nam (ca 416) vẫn thuộc nhóm D614 theo phân loại của hệ gen liên quan đến lây nhiễm của thế giới, chưa phải chủng có nguy cơ lây rất cao.

* Chúng ta có hy vọng gì về vắc-xin trong thời gian tới?

- Nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature ngày 18/6 nhận xét trong 37 trường hợp nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 không triệu chứng ở Bệnh viện Quang Du (Trung Quốc), 40% không có kháng thể IgG và kháng thể trung hòa trong giai đoạn hồi phục sớm. Trong 37 bệnh nhân khác nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 có triệu chứng, tỷ lệ kháng thể âm tính là 12,9%. Do đó khả năng hình thành kháng thể từ vắc-xin có thể không cao lắm. Nó khó hơn nhiều so với vi-rút cúm. Ngay cả cúm thì khi có vắc-xin rồi, khả năng bảo vệ ngăn ngừa cũng chỉ đạt 50%. Đó là chưa kể sự tuân thủ.

Tính đến ngày 2/8, có 165 vắc-xin được đề nghị, 27 vắc-xin đang thử nghiệm trên người, bao gồm sáu vắc-xin giai đoạn 3, 12 vắc-xin giai đoạn 2. Nhắc lại trong thử nghiệm vắc-xin trên người, có ba giai đoạn là giai đoạn 1 thử tính an toàn (safety), giai đoạn 2 thử tính ích lợi trên các đối tượng (extended) và giai đoạn 3 thử tính hiệu quả (efficacy).

Hiện nay, có ba vắc-xin hứa hẹn nhất là một của Moderna - NIH (Mỹ) đang ở giai đoạn 3, một của Pfizer (Anh) ở giai đoạn 2-3 và một của Arcturus & Duke (Singapore) ở giai đoạn 1-2 với cỡ mẫu lớn. Tuy nhiên, chưa có vắc-xin nào được các chính phủ chấp thuận dùng, ngoại trừ vắc-xin CanSino của Trung quốc được chính phủ nước này chuẩn thuận ngày 25/6.

* Gần đây, có ý kiến chuyên môn tha thiết kiến nghị Bộ Y tế chấp thuận phác đồ hydroxychloroquin + azithromycine + kẽm để điều trị sớm cho những người nhiễm giai đoạn đầu, đồng thời, ban hành những hướng dẫn chi tiết để hạn chế tác dụng phụ nếu có. Xin bác sĩ cho biết ý kiến của mình?

- Hiện trên thế giới có hơn 300 loại thuốc được đề nghị để điều trị COVID-19 và có hàng ngàn đề nghị về các cách phối hợp thuốc khác nhau trong điều trị. Nhưng chưa có cái nào được công nhận chính thức bởi chưa có bằng chứng thuyết phục xác thực. Điều quan trọng hơn là người ta sợ tác dụng phụ của thuốc, đặc biệt trên cơ địa người già, ngay cả đề nghị lớn từ Hydroxychloroquin, tức thuốc trị sốt rét.

Chính xác trong điều trị COVID-19 có hai thuốc hứa hẹn là kháng thể đơn dòng, ví dụ Tolicizumab và Redemsivir. Các thuốc này có thể chặn biến chứng bệnh và cơn bão cytokine. Hai loại này có chi phí cực đắt. Ngoài ra, còn có thuốc corticoid như Dexamethasome có thể có ảnh hưởng tốt lên diễn tiến nhưng không nhiều, chỉ nhằm điều trị hỗ trợ.

Nhưng thôi, quay lại dữ kiện này, cứ 100 người nhiễm COVID-19, thì 40 người không có triệu chứng gì, nhưng có khả năng lây vào thời gian trung bình là ngày thứ sáu. Còn lại, 45 người nữa có triệu chứng nhẹ (ho, sốt, đau họng, tiêu chảy…) và không cần thiết phải nhập viện. Chỉ còn 15 người phải nhập viện theo dõi. Trong 15 người này, chỉ có 5 người phải nằm hồi sức cấp cứu để hỗ trợ hô hấp. Và cuối cùng, khoảng 2-3 người này chết. Như vậy, tỷ lệ tử vong của COVID-19 là 2-3%. Hiểu như thế để thấy rằng vấn đề, phòng bệnh, giảm ca mắc tối đa vẫn là ưu tiên hàng đầu, chứ không phải vấn đề điều trị.

* Xin cảm ơn bác sĩ.

Quốc Ngọc (thực hiện)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Thúy Huê 05-08-2020 09:50:02

    " Với cá nhân, nên lấy kinh nghiệm của đại dịch HIV/AIDS. Khi mới xảy ra, tinh thần chống dịch của đại dịch này là tất cả nhân viên y tế phải luôn nghĩ rằng bất cứ bệnh nhân nào mà mình tiếp xúc, thăm khám, điều trị cũng đều có thể là người nhiễm HIV" trích dẫn này theo quan điểm cá nhân tôi không đồng ý vì muốn khẳng định người nhiễm phải có XN của cơ sở được phép khẳng định của BYT và khi có kết quả khẳng định HIV dương tính mới kết luận người đó nhiễm HIV. chỉ nên xem dịch tiết của người bệnh có khả năng lây nhiễm và mỗi nhân viên y tế đều ý thức phòng ngừa chuẩn không cần đơi khi BN nhiễm mới dự phòng.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI