Nhiều tranh cãi quanh giải Oscar

02/07/2023 - 12:33

PNO - Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật điện ảnh Hoa Kỳ (AMPAS) đã liên tục đưa ra những thay đổi trong quy chế và cùng lúc tạo ra nhiều tranh cãi.

Với một giải thưởng lâu năm như Oscar, việc điều chỉnh quy chế để phù hợp thực tế phát triển của ngành điện ảnh là cần thiết. Tuy nhiên, các thay đổi lần này của Oscar đang gây nhiều tranh luận. Cụ thể, vì muốn nâng cao tính đa dạng, hòa nhập đối với điện ảnh, AMPAS yêu cầu phim tranh giải ở hạng mục Phim xuất sắc nhất từ mùa giải 2024 phải đáp ứng 2 trong số 4 tiêu chí cho thấy sự cởi mở, hoan nghênh của tổ chức với “nhóm chủng tộc hoặc sắc tộc ít được đại diện”.

Đơn cử như diễn viên chính hay thứ chính, hoặc 30% trong số tổng diễn viên, hoặc cốt truyện của phim phải thuộc nhóm “ít được đại diện”. Nhóm này bao gồm phụ nữ, LGBTQ+, người da màu hoặc dân tộc thiểu số, người khuyết tật.

Các quy định mới quanh giải Oscar đang gây nhiều tranh cãi trong thời gian gần đây
Các quy định mới quanh giải Oscar đang gây nhiều tranh cãi trong thời gian gần đây

Để giúp cho các phim có thể vượt qua nhóm tiêu chí kể trên, AMPAS mở rộng yêu cầu đa dạng sang nhóm nhân sự đằng sau ống kính - gọi là nhóm tiêu chuẩn B. Ở nhóm này, trưởng bộ phận hay giám đốc dự án, nhân sự kỹ thuật, quay phim, giám đốc phát hành, đại diện truyền thông… nếu thuộc nhóm “ít được đại diện” sẽ được xem là đủ tiêu chuẩn giúp phim vượt qua vòng loại ban đầu.

Oscar không vô cớ tạo ra những thay đổi đáng kể trong hành trình gần trăm năm tồn tại. Nhiều năm qua, giải thưởng không ít lần bị tẩy chay với thông điệp #OscarsSoWhite (ngụ ý rằng giải thưởng chỉ tôn vinh người da trắng), được cho là lạc hậu khi cả thế giới đang hướng đến sự đa dạng. Tuy nhiên, nỗ lực thay đổi của Oscar cũng khiến một bộ phận, trong đó có nhiều nhà làm phim phản ứng vì cho rằng AMPAS đang “đánh mất chính mình”, “giả tạo”, “lộ sự sợ hãi”, “gượng ép”… khi cố đảm bảo yếu tố đa dạng, hòa nhập nói chung.

Kể từ Oscar 2025, các phim tranh hạng mục Phim xuất sắc nhất phải có thời gian chiếu tại rạp. Đây là yêu cầu cũ nhưng từng thay đổi khi dịch COVID-19 ập tới và các hệ thống rạp buộc phải đóng cửa. Đến nay, AMPAS thấy cần đưa yêu cầu này trở lại để khán giả được thưởng thức phim tại rạp, trong vòng 7 ngày đúng với tiêu chuẩn vốn có. Tuy nhiên, thay đổi này ảnh hưởng lớn đến các đơn vị phát hành phim trực tuyến như Netflix, Amazon, Apple TV+… và chúng bị cho là không còn phù hợp. Đặc biệt, khi các đơn vị này luôn muốn dành sự ưu tiên cho đối tượng khán giả trực tuyến của họ và thị trường phim ảnh hiện tại cũng đã có nhiều thay đổi khi thói quen, nhu cầu xem phim của khán giả thay đổi.
Mới nhất, AMPAS vừa thông báo đã mời 398 thành viên mới, trong đó có nhiều ca sĩ, diễn viên như Taylor Swift, Austin Butler, Keke Palmer… vào làm thành viên của viện để tiếp tục tăng lên sự đa dạng.

Sau đợt bổ sung thành viên mới nhất, hội đồng sẽ tăng lên 10.817 người, gồm 40% là phụ nữ, thành viên người da màu cũng chiếm hơn 34% và 52% thành viên đến từ 51 quốc gia/vùng lãnh thổ ngoài Hoa Kỳ. Đây là những con số tích cực, cho thấy AMPAS đang “xoa dịu dư luận”, lấy lại vị thế, uy tín của mình. 

An Trịnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI