Nhiều người trình độ đại học thất nghiệp, chuyên gia hiến kế tháo gỡ

21/05/2025 - 16:43

PNO - Trong số 43.000 hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp tại TPHCM từ đầu năm tới nay, nhiều người đã qua đào tạo, có trình độ đại học trở lên.

37% lao động thất nghiệp có trình độ đại học

Ngày 21/5, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên TPHCM đã tổ chức tọa đàm “Lao động trẻ - Khát vọng phát triển thành phố”.

Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Quang Cường - Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Thanh niên TPHCM - nhìn nhận, qua nửa thế kỷ, TPHCM đã từng bước khẳng định vị thế đầu tàu kinh tế của cả nước. Ở từng giai đoạn, lao động trẻ luôn đóng vai trò là lực lượng chủ chốt trong công cuộc tái thiết, xây dựng các công trình trọng điểm và mang lại những thay đổi rõ nét cho diện mạo thành phố.

Ông đánh giá, thế hệ trẻ trong giai đoạn này không chỉ tham gia sản xuất mà còn góp phần đổi mới quy trình, tiếp thu các công nghệ hiện đại từ nước ngoài. Họ không chỉ dừng lại ở vai trò “người thực thi”, mà còn là những nhà sáng tạo, nhà lãnh đạo tương lai, góp phần tạo nên sự thịnh vượng bền vững cho thành phố.

Tuy vậy, trước yêu cầu phát triển ngày càng cao, nhiều nhà quản lý, doanh nghiệp cho rằng lực lượng lao động trẻ ngày nay cần phải chủ động thích ứng, linh hoạt và trau dồi nhiều kỹ năng cần thiết để đáp ứng được yêu cầu công việc, phát triển bản thân.

Bà Nguyễn Văn Hạnh Thục - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố - cho biết, từ đầu năm tới nay, trung tâm đã tiếp nhận 43.000 hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong đó số lao động trẻ (dưới 35 tuổi) chiếm gần 50%.

Trong tổng số lao động trẻ thất nghiệp, có 43% không có bằng cấp và có tới 37% lao động thất nghiệp đã qua đào tạo, có trình độ đại học trở lên. Đặc biệt, số lao động có tay nghề và chuyên môn kỹ thuật lại chiếm tỉ lệ thất nghiệp rất thấp.

Đại diện các sở ban ngành, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo tham gia tọa đàm “Lao động trẻ - Khát vọng phát triển thành phố” - Ảnh: Nguyễn Loan
Đại diện các sở ban ngành, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo tham gia tọa đàm “Lao động trẻ - Khát vọng phát triển thành phố” - Ảnh: Nguyễn Loan

Cần liên kết đào tạo giữa doanh nghiệp, nhà trường

Theo bà Nguyễn Văn Hạnh Thục, nhiều lao động có tay nghề và chuyên môn kỹ thuật trình độ trung cấp, cao đẳng nhận mức lương trên 10 triệu đồng/tháng khi mới ra trường. Thậm chí, nhiều lao động có mức thu nhập 15-16 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, lao động tốt nghiệp bậc đại học, nhiều người chấp nhận đi làm với mức lương 5-6 triệu đồng/tháng.

“Điều này chứng tỏ thị trường có nhu cầu tuyển dụng rất lớn với lao động có tay nghề cao. Tuy nhiên, chúng ta cần có định hướng cho các bạn trẻ ngay từ bậc THCS để các em có cái nhìn tổng thể về bức tranh thị trường lao động hiện nay. Xóa bỏ định kiến với việc đi học nghề. Việc có kỹ năng và nâng cao chuyên môn chính là chìa khóa để thành công hơn” - bà Thục nói.

Ngoài ra, bà cho rằng các cơ sở đào tạo nghề cần phối hợp với nhà sử dụng lao động để chuẩn hóa quá trình đào tạo, đáp ứng đầu ra, góp phần giải quyết bài toán việc làm cho người lao động thành phố.

bà Nguyễn Văn Hạnh Thục - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố cho biết, từ đầu năm tới nay, Trung tâm đã tiếp nhận 43.000 hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp - Ảnh: Nguyễn Loan
Bà Nguyễn Văn Hạnh Thục - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố - cho biết, từ đầu năm tới nay, Trung tâm đã tiếp nhận 43.000 hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp - Ảnh: Nguyễn Loan

Bà Lê Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Viện Đào tạo Quốc tế FPT (Tập đoàn FPT) - nhận định, thế hệ lao động trẻ gen Z, gen alpha (thuật ngữ chỉ những người trẻ) đã thay đổi toàn bộ tư duy tiếp cận giáo dục, đào tạo.

Theo bà, cần có liên minh sâu sắc hơn giữa doanh nghiệp và trường học. Doanh nghiệp cần “can thiệp” sâu hơn vào quá trình đào tạo của nhà trường từ thiết kế chương trình đến đánh giá đầu ra. Cũng như cần có các chính sách vĩ mô để có thể “cho ra lò” một thế hệ lao động trẻ vừa đáp ứng được yêu cầu công việc, vừa có những kỹ năng cần thiết của thời đại.

“Nhu cầu lao động trẻ không chỉ ở Việt Nam mà các nước đang và đã phát triển cũng thiếu lao động trẻ, và họ sẵn sàng “nhập khẩu” nguồn nhân lực lao động từ nguồn nước khác với chi phí cao.

Với lợi thế là nước có lực lượng lao động dồi dào, chúng ta phải hướng tới không chỉ đào tạo lao động cho thị trường trong nước, mà có thể là nguồn cung cấp lao động trẻ chất lượng cao, vươn tầm quốc tế. Để làm được điều này, phải có những chính sách vĩ mô khuyến khích, ủng hộ những thay đổi và phải có chương trình hành động cụ thể” - bà Hồng Hạnh nói.

Ông Nguyễn Văn Sang - Phó giám đốc Trung tâm việc làm Thanh niên thành phố - lo ngại, trong kỷ nguyên vươn mình, lực lượng lao động trẻ rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay tỉ lệ sinh ở TPHCM rất thấp, dẫn tới tình trạng bị thiếu hụt lao động trẻ. Thành phố cần có 1 chính sách tổng thể để vừa bổ sung số lượng, vừa nâng cao chất lượng của lực lượng lao động trẻ.

Để tránh thất nghiệp, ông Trần Anh Tuấn - Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM - cho rằng, người lao động trẻ cần nắm bắt các xu hướng làm việc mới ngày càng đa dạng, ứng dụng AI vào công việc để luôn thích ứng với những biến đổi nhanh của xã hội trong thời kỳ hội nhập và công nghệ, nâng cao năng suất lao động, phát triển việc làm và thu nhập...

Nguyễn Loan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI