Văn: hỏi gì trả lời nấy
Cô Phan Thị Xuân Hồng - Tổ trưởng tổ ngữ văn, Trường THCS Âu Lạc (quận Tân Bình) - chia sẻ: dù thi chương trình mới nhưng bản chất văn học, thể loại không có gì thay đổi. Tuy nhiên, nhìn theo đề minh họa thì hơi khó vì trong vòng 120 phút, học sinh phải tiếp nhận 2 văn bản mới chưa từng xuất hiện trong sách giáo khoa.
 |
Học sinh lớp Chín Trường THCS Nguyễn Hiền (quận 12) trong giờ ôn tập môn ngữ văn |
Cụ thể, học sinh phải tiếp nhận văn bản văn học (truyện hoặc thơ) ở phần 1, phần 2 là văn bản thông tin hoặc nghị luận, kèm viết bài văn. Việc này khó cho những học sinh nằm ở nhóm năng lực trung bình - yếu. Còn những em khá giỏi thì sẽ “có đất” để thể hiện sự hiểu biết và sức sáng tạo của mình.
Học sinh phải nắm chắc tất cả thể loại mà các em đã học. Khi gặp một văn bản truyện, học sinh phải nắm chắc các nội dung sau: cốt truyện, sự kiện, chi tiết, nghệ thuật, tình huống truyện, ngôi kể, tư tưởng tình cảm, thông điệp, bài học… Văn bản thơ thì phải nắm được thể loại thơ, hình thức, nội dung… để khi viết đoạn biết cái nào thuộc về nội dung, cái nào thuộc về hình thức nghệ thuật để diễn giải.
Còn với nghị luận xã hội, học sinh phải nắm chắc luận đề, luận điểm, lý lẽ, dẫn chứng, trình bày chủ quan, khách quan và tìm hiểu được vai trò, tác dụng của những vấn đề đó với nhau.
Kỳ thi không nặng về câu chuyện bài học mà nặng về giải pháp để học sinh thực hiện được vấn đề hay hoặc loại bỏ tác động của một vấn đề xấu. Trong đó, học sinh cần chú ý đưa ra những giải pháp mang tính cá nhân, có tính khả thi chứ không phải là giải pháp chỉ nằm trên giấy hay nằm ở cấp vĩ mô.
Cấu trúc đề thi năm nay thay đổi, chia đều 5-5 cho nghị luận văn học và nghị luận xã hội. Cả 2 phần đều là 5 điểm nên tùy năng lực mà học sinh phân bố thời gian làm bài cho phù hợp, nên dành 60 phút cho mỗi phần. Hiện nay, nhiều học sinh thường bị lố giờ, mất từ 130-140 phút mới hoàn thành.
Đi thi, các em nên nhớ quy tắc là dễ làm trước, khó làm sau. Nên gạch chân câu hỏi, từ khóa trên đề, đề hỏi gì trả lời nấy, hỏi bao nhiêu trả lời bấy nhiêu, ngắn gọn, rõ ràng. Lỗi hay gặp ở phần lớn học sinh là đọc không kỹ đề, viết cả đoạn văn chỉ có 1 ý thay vì mỗi câu văn 1 ý. Để đạt điểm 8, học sinh phải nắm chắc đặc trưng thể loại, có khả năng cảm nhận ngôn ngữ, diễn đạt ngắn gọn, súc tích, mạch lạc và chữ viết rõ ràng. Muốn như vậy thì phải làm nhiều đề, tự rèn luyện mỗi ngày.
Học sinh nên đọc sách theo sự hướng dẫn của giáo viên. Ví dụ, về văn học thì nên tìm sách của những nhà văn nổi tiếng như Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Nhật Ánh hoặc sách Hạt giống tâm hồn... Về nghị luận xã hội thì quan sát những vấn đề nóng diễn ra và chủ động định hướng cách xử lý vấn đề. Các em đừng quá áp lực, chỉ cần nhớ ôn luyện thường xuyên và nếu có khó khăn thì trao đổi với giáo viên.
Toán: dễ làm trước, khó làm sau
Thầy Nguyễn Minh Châu - Tổ trưởng tổ toán Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1) - thông tin, đề thi toán năm nay của TPHCM tăng số câu hỏi vận dụng lên 40% thay vì 25 - 30%, đòi hỏi thí sinh phải biết cách áp dụng linh hoạt kiến thức vào các tình huống thực tế. Câu hỏi vận dụng có độ khó cao nên sẽ tạo ra sự phân hóa điểm số rõ rệt giữa các thí sinh.
Đề dự kiến có 7 câu, bao gồm các mạch kiến thức: hình học và đo lường, số và đại số, thống kê và xác suất. Bài toán hình học phẳng gồm các nội dung: chứng minh 4 điểm thuộc đường tròn, các yếu tố song song, vuông góc, bằng nhau; chứng minh hệ thức, các yếu tố bằng nhau, thẳng hàng, đồng quy; tính toán độ dài, chu vi, diện tích, số đo góc.
Để đạt kết quả tốt, học sinh cần nắm vững các công thức, định lý cơ bản bằng cách hệ thống lại bài học, viết thành sổ tay các công thức quan trọng, sử dụng tài liệu cẩm nang bổ trợ với sự tư vấn của giáo viên.
Những lỗi học sinh hay mắc phải: sai sót khi thực hiện phép tính hoặc biến đổi biểu thức; quên điều kiện của ẩn dẫn đến nhận loại nghiệm sai; không đọc kỹ đề; trình bày cẩu thả, thiếu kết luận rõ ràng; chạy theo câu khó mà dành ít thời gian làm các câu cơ bản; quá sa đà vào lời giải mà không soát lại các câu đã làm.
Để tránh những lỗi trên, học sinh phải làm bài tập nhiều để rèn các phép biến đổi. Luôn đặt điều kiện khi giải phương trình và nhận loại nghiệm phù hợp. Đọc kỹ đề và gạch chân từ khóa, trình bày rõ ràng từng bước, tránh viết tắt quá nhiều. Học sinh phải ưu tiên làm câu dễ, câu cơ bản trước, câu khó làm sau, không nên mất quá nhiều thời gian nếu chưa tìm ra hướng. Các em cũng có thể luyện đề và thi thử theo khuyến nghị của thầy cô. Trong quá trình này, phải tự canh giờ để có chiến lược làm bài và phân tích các lỗi sai để rút kinh nghiệm.
Trong 120 phút, học sinh nên dành khoảng 15-20 phút cho bài 1 và bài 2, vì đây là phần cơ bản, dễ lấy điểm. Tiếp theo, dành khoảng 45-50 phút cho các bài toán thực tế (từ bài 3 đến bài 6), làm từ dễ đến khó. Bài 7 là hình học nên dành khoảng 40-45 phút để giải quyết 3 ý: a (dễ), b (trung bình), c (khó). Cuối cùng, dành khoảng 5-10 phút để kiểm tra lại toàn bài, chỉnh sửa lỗi tính toán và trình bày.
Khi gặp câu hỏi khó, các em nên đánh dấu lại và chuyển sang câu khác. Nếu làm được 1 phần, hãy trình bày rõ ràng vì vẫn có thể được điểm cho phần đúng. Trường hợp có ý tưởng nhưng chưa giải hết, nên ghi lại nháp và quay lại sau khi đã hoàn tất các phần khác. Điều quan trọng là giữ bình tĩnh, không để 1 câu khó ảnh hưởng đến toàn bộ bài thi.
Tiếng Anh: chú trọng học từ vựng
Thầy Nguyễn Đình Hoài Nhân - Tổ trưởng tổ tiếng Anh Trường THCS Nguyễn Văn Bé (quận Bình Thạnh) - cho biết: đề thi tiếng Anh có 40 câu, làm trong 90 phút. Đề tăng cường tính vận dụng vào thực tiễn cuộc sống nên các câu hỏi đều đặt trong bối cảnh thực tế, thay vì những câu đơn lẻ.
Cụ thể, những câu hỏi về biển báo không chỉ về chủ đề giao thông mà rất đa dạng, gắn vào từng tình huống thực tế. Những đoạn văn hội thoại có thể là thông báo, quảng cáo, tờ rơi, quy định, quy luật… Một điểm khác nữa, đề thi sẽ bỏ phần sắp xếp từ, câu, thay vào đó là câu sử dụng từ điển. Những câu này đòi hỏi học sinh phải biết sử dụng từ điển giấy chứ không phải ứng dụng điện thoại hay công cụ Google.
Bài thi không giới hạn từ vựng trong sách giáo khoa. Các em cần nắm vững những từ thông dụng và từ loại thuộc các chủ đề quen thuộc như: cuộc sống thành thị, nông thôn, ô nhiễm, thiên tai… Hệ thống từ vựng, ngữ âm và phát âm trong trang đầu từng bài học. Về ngữ pháp, học sinh nên ôn tập theo chủ đề: chủ ngữ và động từ, thì của động từ, câu bị động, câu trần thuật, các loại mệnh đề… và những cấu trúc thường gặp. Ngoài ra, những dạng thức trong động từ, động từ khuyết thiếu, so sánh, các dạng câu bị động, giả định, gián tiếp, trực tiếp, mệnh đề quan hệ… cũng cần xem lại.
Đề thi vẫn ưu tiên từ vựng, không nặng nề về cấu trúc ngữ pháp. Do đó, học sinh phải quan sát cuộc sống và liên hệ với môn học. Để đạt điểm 7-8, các em cần ôn luyện kỹ nội dung cơ bản trong sách giáo khoa. Thông qua các đợt thi khảo sát tại trường để biết mức độ làm bài, sau đó luyện tập chia nhỏ theo từng dạng bài.
Ở giai đoạn này, thay vì luyện “đề tổng” liên tục, học sinh nên dành thời gian ôn tập theo dạng bài. Ví dụ: dành 2 buổi liên tục ôn 1 dạng reading, 2 buổi tiếp theo ôn viết lại câu. Xen kẽ giữa các buổi ôn dạng bài là 1-2 buổi làm đề trọn vẹn. Chia thời gian ôn tập theo tuần, liệt kê mục tiêu mỗi tuần. Ví dụ: tuần 1 ôn phát âm, tuần 2 ôn ngữ pháp trọng điểm, tuần 3 ôn dạng bài viết lại câu… Với từ vựng, học sinh không cần học dàn trải cùng lúc mà nên thường xuyên ôn lại, mỗi ngày 5-10 từ vựng của từng bài. Lưu ý, nên dành những buổi cuối cùng để làm đề tổng hợp, đặt đồng hồ đếm ngược 90 phút như thi thật để quen với áp lực phòng thi.
Về chiến lược làm bài, thí sinh cần dành 3 phút đầu để đọc lướt toàn bộ đề, xác định mức độ khó dễ của từng phần. Sau đó chia thành 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1: làm những câu thuộc cấp độ biết và hiểu trong đề, mỗi câu chiếm 30-60 giây.
Giai đoạn 2: xử lý các câu vận dụng, mỗi câu có thể mất 2-3 phút và nên chọn làm câu chắc chắn trước, câu khó làm sau. Nếu câu đó quá khó, hãy đánh dấu và quay lại sau. Nếu không chắc chắn, hãy khoanh theo phương pháp loại trừ.
Giai đoạn 3: kiểm tra và hoàn thiện bài trong những phút cuối, rà soát lỗi sai và đảm bảo không bỏ sót câu nào.
Trang Thư