Nhiều ngành mới, phương thức xét tuyển mới cho mùa tuyển sinh đại học 2021

25/12/2020 - 11:11

PNO - Chưa vào cao điểm mùa tuyển sinh đại học (ĐH) 2021, nhiều trường ĐH đã bắt đầu “tung” phương thức tuyển sinh mới cũng như ngành học mới đón đầu xu thế nguồn nhân lực.

ĐH Quốc gia Hà Nội dự kiến sẽ quay lại tổ chức thi đánh giá năng lực quy mô khoảng 10.000 thí sinh, bên cạnh các phương thức tuyển sinh truyền thống. Kỳ thi sẽ chia thành bốn, năm đợt, bắt đầu từ tháng Năm đến tháng Mười với khoảng 1.000 - 2.000 thí sinh mỗi đợt.

Ngoài xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ĐH này còn đưa ra quy định đặc thù của mình, là xét tuyển các kết quả thi chuẩn hóa quốc tế SAT, ACT, A-Level, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế IELTS và tương đương.

Nhiều phương thức xét tuyển, ngành học mới đón thí sinh ở mùa tuyển sinh 2021
Nhiều phương thức xét tuyển, ngành học mới đón thí sinh ở mùa tuyển sinh 2021

Ngày 23/12, Trường ĐH Nha Trang đưa ra bốn phương thức xét tuyển dự kiến cho mùa tuyển sinh 2021. Trong đó, đáng chú ý là phương thức tuyển dựa vào điểm xét thi tốt nghiệp THPT. Điểm này được tính dựa trên 70% điểm thi tốt nghiệp THPT (tổng điểm bốn bài thi) và 30% điểm trung bình cả năm lớp 12 và cộng điểm ưu tiên nếu có).

Theo tiến sĩ Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, đây là đơn vị đầu tiên sử dụng điều kiện xét tốt nghiệp THPT làm phương thức xét tuyển vào ĐH.

Tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức, cho biết trường có ba phương thức: xét tuyển học bạ; xét tuyển thẳng đối với các thí sinh có văn bằng, chứng chỉ tốt nghiệp THPT quốc tế như TestAS, SAT, IBD, AS/A-Level, IGCSE, WACE... hoặc đoạt giải các kỳ thi quốc tế, quốc gia. Đặc biệt, trường sẽ dành khoảng 70% chỉ tiêu để xét tuyển kết quả thi đánh giá năng lực do trường tổ chức vào tháng Năm. 

Sẽ có nhiều trường tự tổ chức thi đánh giá năng lực
Sẽ có nhiều trường tự tổ chức thi đánh giá năng lực

“Kỳ thi đánh giá năng lực của trường sử dụng bài thi TestAS với học sinh Việt Nam và quốc tế. Bài thi gồm: ngoại ngữ trực tuyến, kiến thức cơ bản (110 phút) và kiến thức chuyên ngành (từ 145 - 150 phút). Bài thi cơ bản kiểm tra các kỹ năng tổng quát về toán học cơ bản, suy luận logic, quy luật chuỗi số. Bài thi chuyên ngành được thiết kế theo các nhóm ngành khác nhau gồm: nhân văn, văn hóa và khoa học xã hội; khoa học kỹ thuật; toán học, khoa học máy tính và khoa học tự nhiên; kinh tế học”, tiến sĩ Hà Thúc Viên thông tin.

Nắm bắt xu hướng chuyển đổi số, nhiều ĐH đưa ra những ngành mới liên quan. Như Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM mở ngành mới quản lý đô thị thông minh và bền vững - lần đầu tiên được đào tạo tại Việt Nam.

Tiến sĩ Phan Hồng Hải, hiệu trưởng nhà trường, cho hay: “TP.HCM đã công bố chương trình chuyển đổi số, phát triển doanh nghiệp công nghệ thông tin thúc đẩy xây dựng đô thị thông minh. Để đón đầu xu thế này và đáp ứng nhu cầu nhân lực mới, từ năm 2021, trường mở các ngành robot và hệ thống điều khiển thông minh, quản lý đô thị thông minh và bền vững, kỹ thuật hóa phân tích, quản trị nguồn nhân lực, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, kinh tế tài nguyên thiên nhiên…”.

Trường ĐH Gia Định cũng mở rộng đào tạo đến các ngành nghề xu hướng này như logistics và quản lý chuỗi cung ứng, kinh doanh quốc tế, thương mại điện tử, truyền thông đa phương tiện, quan hệ công chúng, truyền thông kỹ thuật số...

Thanh Thanh
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI