Nhiều ngành không “hot”, nhưng tỉ lệ có việc làm trên 90%

30/05/2023 - 06:06

PNO - Tại diễn đàn phát triển hợp tác nhà trường - doanh nghiệp do Bộ GD-ĐT và Cơ quan Phát triển quốc tế Úc (Australian Aid) tổ chức cuối tuần qua, bộ đã đưa ra thống kê tình hình việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp 12 tháng từ năm 2018-2021 đối với 22 lĩnh vực đào tạo. Đáng chú ý, các ngành không “hot” như nông, lâm nghiệp và thủy sản, môi trường và bảo vệ môi trường, tỉ lệ sinh viên có việc làm rất cao.

Theo thống kê trên, không chỉ sinh viên ngành kinh tế, máy tính và công nghệ thông tin... dễ tìm việc, mà tỉ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp các ngành không “hot” như nông, lâm nghiệp và thủy sản, môi trường và bảo vệ môi trường cũng đạt trên 90%. 

Cụ thể, lĩnh vực đào tạo nông, lâm nghiệp và thủy sản; môi trường và bảo vệ môi trường; sản xuất và chế biến, máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật, nghệ thuật, sức khỏe, dịch vụ xã hội... duy trì tỉ lệ sinh viên có việc làm ở mức cao. Riêng ngành môi trường và bảo vệ môi trường, tỉ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp 12 tháng tăng dần theo thời gian, trong năm 2021 là 96,3%.

Tiến sĩ Trần Đình Lý - Phó hiệu trưởng Trường đại học Nông Lâm TPHCM - cho rằng tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm của nhóm ngành nông lâm nghiệp, thủy sản và môi trường cao nhất có thể không nằm trong dự đoán của một số người và xã hội nhưng thật sự không bất ngờ với những người làm trong lĩnh vực giáo dục đại học. Đặc biệt là những người tham gia công tác dự báo nguồn nhân lực, tư vấn hướng nghiệp và định hướng ngành học cho học sinh hằng năm.

Sinh viên tìm kiếm cơ hội việc làm tại ngày hội việc làm do Trường đại học Mở TPHCM tổ chức tháng 8/2022
Sinh viên tìm kiếm cơ hội việc làm tại ngày hội việc làm do Trường đại học Mở TPHCM tổ chức tháng 8/2022

Ông nhấn mạnh: Việt Nam là nước nông nghiệp, nền kinh tế nông nghiệp chiếm một tỉ trọng lớn của đất nước. Vì vậy, khối ngành nông lâm, thủy sản, chăn nuôi thú y vẫn là nền tảng của nền kinh tế nước nhà. Mặt khác, tình hình biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, công tác bảo vệ môi trường được chú trọng không chỉ trong nước mà còn ở tầm quốc tế. Việc bảo vệ môi trường sống được quan tâm và ngày càng có nhiều đơn vị, doanh nghiệp xem đây là mục tiêu phát triển bền vững nên tỉ lệ có việc làm của nhóm ngành này cao hơn các ngành khác không có gì bất ngờ. “Về phía nhà trường, chúng tôi đã cập nhật và kiểm định chương trình đào tạo theo chuẩn AUN-QA, nâng cao chất lượng đào tạo, chuẩn đầu ra để khi sinh viên ra trường có cơ hội “chọn việc” chứ không phải “tìm việc”, lại càng không còn cảnh “xin việc”, vị phó hiệu trưởng nhấn mạnh. 

Về xu hướng việc làm hiện nay, thạc sĩ Trương Tiến Sĩ - Phó trưởng Phòng Công tác sinh viên, phụ trách công tác quan hệ doanh nghiệp Trường đại học Ngân hàng TPHCM - nói thêm, sau giai đoạn dịch COVID-19, thói quen sinh hoạt và mua sắm đã có nhiều thay đổi. Sự thay đổi này, xảy ra trên phạm vi toàn cầu chứ không riêng ở một quốc gia nào. Theo đó, những phương thức giao dịch truyền thống được thay thế bằng hình thức giao dịch online. Chính vì vậy, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng đang dần thay đổi và thích ứng. Từ xu hướng này, nhu cầu nhân lực thuộc lĩnh vực công nghệ, công nghệ số (digital) gia tăng đột biến. Ngay cả những ngành nghề như tài chính, nhân sự, kế toán... cũng cần nhân lực có khả năng ứng dụng và sử dụng về công nghệ số... để giúp doanh nghiệp tinh gọn bộ máy.

Do tác động của suy giảm kinh tế toàn cầu hiện nay, nhiều lĩnh vực, ngành nghề đang sa thải nhân sự hàng loạt thì một số ngành nghề vẫn có nhu cầu tuyển dụng nhân sự cao. Ví dụ như: sản xuất kinh doanh hàng tiêu dùng, nông sản thực phẩm... Sau dịch COVID-19, con người quan tâm nhiều đến sức khỏe. Do đó, những vấn đề liên quan đến môi trường, bảo vệ môi trường sinh thái được quan tâm nhiều hơn. Điều này, cũng là cơ hội cho những doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm dịch vụ trong lĩnh vực này “lên ngôi”. Vì vậy, nhu cầu nhân lực liên quan đến ngành môi trường gia tăng là điều dễ hiểu. 

Nhu cầu nhóm ngành nông nghiệp công nghệ cao rất lớn

Tiến sĩ Trần Đình Lý cho biết, nông nghiệp của Việt Nam ngày càng phát triển và theo hướng nông nghiệp công nghệ cao nên nhu cầu về nguồn nhân lực của nhóm ngành này rất lớn, nhiều tập đoàn lớn rất “khát” nhân lực khối ngành này. Việc phát triển các vật liệu thay thế hoặc chế biến lâm sản xuất khẩu đang là một trong những ngành thu hút nhân lực. Các công ty, tập đoàn lớn thường xuyên liên hệ với nhà trường để tuyển dụng nhân sự nhưng trường vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của các đơn vị. Hiện mức lương của sinh viên mới tốt nghiệp dao động hơn 10 triệu đồng/tháng với các chế độ, phúc lợi khác rất hấp dẫn và thiết thực.

Bài và ảnh: Trương Mẫn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI