Nhiều đại học tư đào tạo bác sĩ: Mừng hay lo?

18/06/2018 - 06:48

PNO - Có khoảng 10 trường đại học tư được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo bác sĩ. Trường tư đào tạo y khoa là chuyện bình thường của thế giới, nhưng tại Việt Nam, xu hướng này đang khiến nhiều người lo ngại.

Khống chế đầu vào

Trước kỳ tuyển sinh 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho phép thêm ba trường đại học (ĐH) tư được đào tạo ngành y đa khoa. Trường ĐH Phan Châu Trinh bắt đầu tuyển sinh ngành y đa khoa với 50 chỉ tiêu. Trường ĐH Nam Cần Thơ có 60 chỉ tiêu. Sau vài năm có đào tạo các ngành liên quan sức khỏe, từ năm 2018, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành được phép tuyển sinh và đào tạo ngành y đa khoa. 

Hai năm tới đây, tức năm 2020, Trường ĐH VinUni cũng sẽ bắt đầu đào tạo ngành y đa khoa qua việc hợp tác với Trường ĐH Pennsylvania (Mỹ). 

Nhieu dai hoc tu dao tao bac si: Mung hay lo?
Không phải trường công hay tư, chất lượng đào tạo bác sĩ mới là điều quan trọng

Ngoài ba trường nói trên, trước đó, các trường ĐH Tân Tạo, ĐH Duy Tân, ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, ĐH Võ Trường Toản cũng đã được phép đào tạo ngành y đa khoa. Ngành bác sĩ răng-hàm-mặt có Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH Duy Tân… Thông tin này khiến dư luận lo ngại, bởi lâu nay bác sĩ vốn được xem là ngành đặc thù và chỉ được đào tạo tại các trường công. Bây giờ mở cửa cho trường tư, liệu chất lượng bác sĩ có đi xuống?

Lo lắng ấy không thừa khi Bộ GD-ĐT từng cho phép Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội mở ngành y đa khoa khi không đủ điều kiện khiến giới chuyên môn phải lên tiếng, bởi đây là ngành liên quan đến sức khỏe và sinh mệnh con người. Bộ Y tế buộc phải có công văn gửi Bộ GD-ĐT với nội dung: khi không có sự tham mưu về mặt chuyên môn của Bộ Y tế thì việc thẩm định mã ngành đào tạo nhân lực ngành y, dược sẽ không đảm bảo chất lượng.

Cuối năm 2014, Bộ GD-ĐT từng quyết định tạm dừng việc xem xét mở ngành đào tạo trình độ ĐH các ngành đa khoa, răng - hàm - mặt, y học cổ truyền và trình độ ĐH, cao đẳng đối với ngành dược tại trường đa ngành, không thuộc khối chuyên ngành y, dược. Nhưng đến nay, số lượng trường tư đào tạo ngành y không ít hơn trường công. Một chuyên gia dẫn chứng: khu vực Cần Thơ - Hậu Giang có ba trường ngoài công lập đều có đào tạo y khoa và chỉ tiêu tuyển cộng lại còn nhiều hơn Trường ĐH Y Dược Cần Thơ. 

Ông Đặng Quang Việt - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT - cho biết: hồ sơ đăng ký mở ngành khoa học sức khỏe của các trường phải đảm bảo các điều kiện theo quy định, đòi hỏi cơ sở đào tạo đăng ký mở ngành đào tạo phải có tiềm lực lớn, phải đầu tư xây dựng đội ngũ giảng viên cơ hữu, cơ sở vật chất, trang thiết bị rất mạnh mới đáp ứng được. Bên cạnh đó, các trường phải có ý kiến của Bộ Y tế về nhu cầu nhân lực ngành y tế và phải thực hiện đúng cam kết theo đề án đã đăng ký.

Ngoài ra, để đảm bảo chất lượng đào tạo, các trường phải thực hiện cam kết điểm đầu vào và chỉ tiêu đào tạo cho ngành y đa khoa theo đề án đăng ký mở ngành. Chẳng hạn, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành sẽ tuyển sinh bằng điểm thi THPT quốc gia, điểm chuẩn là 22,5, chỉ tiêu 50 sinh viên, không xét bằng học bạ. Trường ĐH Nam Cần Thơ sẽ tuyển với điểm chuẩn tối thiểu là 24… 

Cũng theo ông Việt, bộ sẽ hậu kiểm các điều kiện về mở ngành đào tạo, trong đó có cam kết về điểm chuẩn tuyển sinh đầu vào và việc thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh theo từng ngành đào tạo. 

Liệu đã yên tâm?

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa - nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM - cho biết: hiện nay, nhu cầu đào tạo thêm bác sĩ rất lớn, vì chỉ số bác sĩ /1 vạn dân của Việt Nam còn thấp. Tôi cho rằng, không nên phân biệt công hay tư mà nên phân biệt chất lượng cao hay thấp. Khi cho phép mở ngành đặc biệt như y đa khoa thì điều kiện đào tạo phải được thẩm định nghiêm ngặt, thậm chí thẩm định liên ngành để đảm bảo năng lực đào tạo chuyên môn của ngành y.

Hồ sơ mở ngành cũng có nêu chuẩn đầu ra của sinh viên tốt nghiệp bác sĩ. Chưa kể ngành đào tạo còn được đánh giá ngoài cấp chương trình (tất nhiên phải sau một khóa đào tạo mới đánh giá được). Nhưng trước khi có những đánh giá đó, bản thân trường đã phải lấy thương hiệu của họ ra để đặt cược, nếu làm ẩu sẽ bị tẩy chay. 

Đại diện một trường ĐH tư thục được đào tạo ngành y đa khoa cho biết: “Chi phí đào tạo ngành y tại một số nước lên đến cả chục ngàn đô la/năm/sinh viên, trong khi chi phí đào tạo ngành này tại các trường công của ta chỉ hơn 10 triệu đồng/năm/sinh viên. Với sự chênh lệch này, đừng ảo tưởng không bột cũng gột nên hồ.

Riêng ngành y, sự đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ đào tạo và con người thực sự có ảnh hưởng lớn đến chất lượng. “Cuộc chơi” này tốn kém rất nhiều, chúng tôi coi đây là trách nhiệm xã hội và lấy uy tín cho trường. Nếu chọn kiếm tiền sẽ không chọn mở ngành y. Số tiền đầu tư quá lớn trong khi mỗi năm chỉ đào tạo vài chục sinh viên, học phí không đủ bù chi”.

Trưởng khoa y một trường ĐH tư nhấn mạnh: lâu nay người ta nghi ngại đầu vào của ngành y trường tư toàn học sinh yếu kém. Chúng tôi tuyển 23-24 điểm cho ba môn thi, bình quân mỗi môn 8 điểm, đó là điểm của học sinh giỏi. Lại nữa, hiệu quả đào tạo không nằm ở đầu vào mà phải được đánh giá qua quá trình 6 năm học và giỏi - dở nằm ở đầu ra. 

Trường ĐH “đóng mác” công lập hay tư thục không có giá trị bảo chứng cho chất lượng. Với ngành y cũng vậy. Cơ chế thị trường sẽ chứng nhận cho trường tốt và loại bỏ trường kém chất lượng. 

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI