Nhật Bản quan ngại sâu sắc trước tình hình Biển Đông

28/08/2019 - 07:14

PNO - Trả lời báo chí tại Tokyo ngày 27/8, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono bày tỏ quan ngại về những diễn biến gần đây trên biển Đông.

Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono cho biết, cộng đồng quốc tế - bao gồm Nhật Bản - quan ngại sâu sắc trước tình hình ở biển Đông, và Nhật Bản phản đối bất kỳ hành động nào của nước nào làm gia tăng căng thẳng trên biển Đông.

Nhat Ban quan ngai sau sac truoc tinh hinh Bien Dong
Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono (Ảnh: Reuters)

Trả lời câu hỏi của Thông tấn xã Việt Nam, đề nghị bình luận về việc nhiều nước thể hiện quan ngại trước những hành động đơn phương của Trung Quốc làm leo thang căng thẳng trên biển Đông, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và chủ quyền, cản trở hoạt động dầu khí hợp pháp và lâu đời trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam và một số nước ven biển, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono nhấn mạnh: "Biển Đông là tuyến hàng hải quan trọng đối với Nhật Bản và nhiều quốc gia khác, và liên quan trực tiếp tới ổn định, hòa bình khu vực. Chúng ta cần tiếp tục nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì thượng tôn pháp luật ở biển Đông và bất kỳ nơi nào khác".

Ông Kono cũng đề nghị cộng đồng quốc tế phản đối những hành động cưỡng ép nhằm làm thay đổi hiện trạng các vùng nước ở biển Đông. Ông đề nghị "tất cả các bên liên quan phi quân sự hóa các cơ sở hay thực thể ở biển Đông", và giải quyết tất cả tranh chấp trên nền tảng của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS).

Trước đó, Tham dự Hội nghị ngoại trưởng Đông Á tại Bangkok, Thái Lan hồi đầu tháng, ông Kono cũng đã chia sẻ quan ngại của Tokyo đối với các nước ASEAN về tình hình ở biển Đông.

Phát biểu của ngoại trưởng Nhật Bản được đưa ra trong bối cảnh từ hôm 13/8 vừa qua, tàu khảo sát Hải dương 08 của Trung Quốc cùng các tàu hải cảnh hộ tống đã trở lại xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Ngày 22/8, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết, Việt Nam đã nhiều lần giao thiệp với phía Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm, rút toàn bộ tàu khỏi EEZ của Việt Nam, không có hành vi làm gia tăng căng thẳng, gây phức tạp tình hinh, đe dọa đến hòa bình, ổn định và an ninh ở biển Đông cũng như khu vực.

Trong vài ngày qua, Bộ ngoại giao và Bộ quốc phòng Mỹ cũng đã lần lượt lên tiếng, chỉ trích "hành vi cưỡng ép" của Trung Quốc đối với hoạt động dầu khí hợp pháp, lâu đời của Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Đ.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI