Nhà văn Trần Thùy Mai: Nguyện cháy hết mình trên trang viết

06/07/2023 - 19:19

PNO - Trong 6 năm vừa qua khi xa quê, tôi vẫn luôn có quê hương trong lòng. Mỗi buổi sáng, sau buổi điểm tâm, tôi ngồi vào bàn và viết. Lúc đó, một thế giới xa xưa hiện lên quanh tôi.

Nhà văn Trần Thùy Mai vừa có đợt giao lưu, trò chuyện với bạn đọc Hà Nội, Huế, TPHCM và Tiền Giang về bộ tiểu thuyết lịch sử Từ Dụ thái hậu Công chúa Đồng XuânTác phẩm Từ Dụ thái hậu với những dấu mốc thời gian trải qua 3 triều vua Nguyễn: Gia Long, Minh Mạng và Thiệu Trị. Bộ truyện Công chúa Đồng Xuân tiếp nối thời đại từ triều vua Tự Đức, Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh…

2 bộ tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Trần Thùy Mai hợp thành như 1 bộ truyện sử hoàn chỉnh về Triều Nguyễn, gắn liền với những thân phận con người và vận mệnh của đất nước. Nhà văn soi chiếu lịch sử bằng góc nhìn của hậu thế - bao dung, từ bi và thấu hiểu trong những kiến giải về một thời đoạn “chìm nổi, luân lạc, mất mát đến tận cùng vẫn không bao giờ nguôi hy vọng”… 

Nhà văn Trần Thùy Mai giao lưu tại Huế
Nhà văn Trần Thùy Mai giao lưu tại Huế

Viết là mở ra một cuộc đối thoại 

Phóng viên: Sau hành trình “book tour” đến với bạn đọc 3 miền đất nước, cho đến bây giờ, đọng lại trong lòng chị là những cảm xúc như thế nào?

Nhà văn Trần Thùy Mai: Tôi quan niệm viết là mở ra một cuộc đối thoại. Chuyến “book tour” vừa qua với tôi là những ngày rất vui: được quay về thăm lại những di tích xưa, được gặp gỡ, chia sẻ ý tưởng với bạn đọc, bạn viết từ nhiều miền đất nước. 

Bạn đọc ở Hà Nội quan tâm về tương quan giữa tiểu thuyết lịch sử và chính sử. Bạn đọc Huế hỏi nhiều quanh những chi tiết về Triều Nguyễn và những nhân vật của hoàng tộc. Tôi cũng đã được gặp hậu duệ của công chúa Đồng Xuân tại Huế dịp này. Ở TPHCM, bạn đọc nêu nhiều câu hỏi về trách nhiệm của nhà giáo, nhà văn trước tình hình tuổi trẻ “biết sử Tàu, sử Hàn hơn sử Việt”. Còn ở Tiền Giang, nhiều người vui và tự hào khi nói về Từ Dụ thái hậu - một bà hoàng nổi tiếng “phúc đức hiền minh” xuất thân từ quê hương Tiền Giang…

* Người đọc choáng ngợp với nguồn sử liệu về các nhân vật chính sử - qua các triều đại được nhà văn xử lý trong các tác phẩm. Với chị, thử thách lớn nhất khi làm việc với các bản thảo của mình là gì?

- Tư liệu tôi nghiên cứu để viết các tác phẩm gồm nhiều nguồn: chính sử, giai thoại, thơ ca dân gian, hồi ký, sách nghiên cứu của người nước ngoài và người Việt đời sau. Đó là một khối lượng không nhỏ và nhiều khi mâu thuẫn, buộc người viết phải phân tích, lựa chọn. Tuy vậy, khó khăn lớn nhất mà tôi dụng tâm vượt qua là làm sao cho cả một rừng rậm như vậy được trình bày có lớp có lang, với những con đường sáng sủa dễ đi nhất. Tôi phải dành 1 năm để làm công việc sắp xếp trước khi khởi bút.

Nhà văn Trần Thùy Mai giao lưu tại Huế
Nhà văn Trần Thùy Mai giao lưu tại Huế

* Thật ra khi biết chị từng là giảng viên văn học dân gian và biên tập viên sách sử của Nhà xuất bản Thuận Hóa, tôi đã tự hỏi: “Vì sao cho đến bây giờ nhà văn Trần Thùy Mai mới viết tiểu thuyết lịch sử?”…

- Vì lẽ giản dị là bây giờ tôi không còn bận rộn với công việc biên tập và sưu khảo văn học dân gian nữa. Thời kỳ đi sưu khảo văn học dân gian rất vất vả nhưng thú vị, nhờ đó tôi viết được nhiều truyện ngắn về những vùng nông thôn ở Bình Trị Thiên và Quảng Nam. Nếu không làm biên tập viên ở nhà xuất bản, chắc tôi không đủ can đảm đọc kỹ từng dòng các bộ sử xưa vì sử thời trước có lối hành văn cổ, dù đã được dịch ra tiếng Việt nhưng nhiều chỗ tôi đọc lui đọc tới muốn… nổ não mới nắm được ý.

* Lịch sử tùy thuộc những góc nhìn và lịch sử không thể thay đổi. Nhưng thông qua tác phẩm của mình, nhà văn có thể thay đổi góc nhìn của hậu thế về lịch sử. Theo chị, đây có phải là “sức mạnh lớn nhất” của thể loại tiểu thuyết lịch sử và cũng là “tự do lớn nhất” của nhà văn trong những kiến giải của riêng mình?

- Nhà văn có nhiều tự do hơn các sử gia, đúng vậy. Nhưng, nhà văn không thể lạm dụng tự do của mình. Trong kỹ thuật viết tiểu thuyết lịch sử, luôn phải có công đoạn xác định một bộ khung những sự kiện có thật. Công đoạn tiếp theo là ghi nhận những chỗ khuyết hoặc đáng ngờ trong lịch sử. Nhà văn buộc phải tuân thủ những sự kiện có thật và chỉ được hư cấu hoặc đưa ra giả định của mình ở những khoảng mờ ấy. 

Ví dụ trong vụ án Đồng Xuân, có rất nhiều góc khuất cần soi tỏ: Tại sao tất cả vụ việc dẫn tới tan nát cả nhà Gia Hưng vương, khiến một nàng công chúa bỗng chốc hóa thành nữ tỳ, lại chỉ dựa trên lời tố cáo của một người vốn nổi tiếng là thiếu nghiêm túc? Tại sao người đứng ra định đoạt vụ này không phải đại diện Tôn nhân phủ hay quan chức bộ Hình mà là Tôn Thất Thuyết - người đang có mâu thuẫn quyền lực với Gia Hưng vương? Tại sao việc xét xử lại quá gấp gáp (chỉ trong vòng 2 ngày), bất chấp lời cầu xin của Từ Dụ thái hậu. Thái hậu Từ Dụ, người nổi tiếng phúc đức hiền minh, ở địa vị tôn quý của mình, lẽ nào có thể bênh vực kẻ quả thật mang tội loạn luân nhơ nhuốc?

Nhà văn Trần Thùy Mai hiện sống và viết tại San Francisco (Mỹ). Bà vẫn đi về Việt Nam trong nhiều dịp giao lưu, trò chuyện văn chương. Tiểu thuyết Từ Dụ thái hậu được trao giải nhất Tiểu thuyết 2016-2019 của Hội Nhà văn Việt Nam và giải Sách hay 2020. Bộ truyện Công chúa Đồng Xuân (2 tập) vừa được Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam phát hành đã  nhanh chóng nhận được sự yêu mến của bạn đọc.

Trước đó, nhà văn Trần Thùy Mai cũng được trao giải A Văn học cố đô năm 2008 với tập truyện ngắn Thập tự hoa và giải thưởng Văn chương năm 2011 của Hội Hữu nghị thành phố San Francisco - TPHCM với các sáng tác văn học và công trình nghiên cứu văn học dân gian Việt Nam. Nhiều truyện ngắn của chị đã được chuyển thể thành phim hoặc tác phẩm sân khấu: Gió thiên đường, Hãy khóc đi em, Thập tự hoa, Trăng nơi đáy giếng… 

Nỗi đau xưa vẫn còn giá trị soi chiếu cho tương lai 

* Điều đặc biệt là tôi luôn thấy sự “ưu ái” của chị với các nhân vật nữ dù thế cuộc ra sao, họ đứng ở phía thiện - ác thế nào. Đây phải chăng chính là một diễn ngôn của nhà văn về thân phận phụ nữ trong lịch sử, rằng họ luôn là nạn nhân của thời cuộc và vô tội?

- Tôi không cho rằng phụ nữ luôn vô tội. Họ cũng không luôn luôn là nạn nhân vì thực tế có không ít tội phạm nữ. Song, trong vụ Đồng Xuân, giả định oan khuất được đặt ra chính từ những chỗ hổng pháp lý trong việc xử án. Không cần áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội của nền tư pháp ngày nay, ngay cả với quy trình tư pháp của Triều Nguyễn đương thời, việc xử tội như vậy cũng là ép uổng, là xử bằng “luật của kẻ mạnh”.

Bộ tiểu thuyết Công chúa Đồng Xuân với những góc nhìn,  kiến giải mới về lịch sử
Bộ tiểu thuyết Công chúa Đồng Xuân với những góc nhìn, kiến giải mới về lịch sử

* Vòng xoáy của lịch sử, sự hưng thịnh hay tồn vong của một vương triều đôi khi cũng là định mệnh. Khi nhìn lại thời cuộc, những thân phận của lịch sử, chị có nghĩ rằng “những gì đã xảy ra tất yếu phải xảy ra”…? và chúng ta cuối cùng vẫn không thể trả lời cho câu hỏi: “Ai đã làm mất nước?”?

- Nếu kiên nhẫn đọc kỹ sử liệu, ta sẽ nhận ra đâu là thủ phạm làm mất nước lúc ấy. Đó là sự chia rẽ, độc đoán, thiển cận của người Việt đương thời. 2 chữ người Việt ở đây bao gồm cả triều đình, quý tộc và sĩ phu, là những người có trách nhiệm với đất nước; đặc biệt là sĩ phu, mà thời ấy thường gọi là văn thân. Nguyễn Trường Tộ, Phan Thanh Giản là những người nhìn thấy được toàn cảnh của thế giới, hiểu được sự cần thiết phải canh tân nhưng họ không thể thuyết phục được người cùng thời. Đại đa số nho sĩ thì yêu nước, khẳng khái, sẵn sàng hy sinh nhưng không đưa ra được cách giải quyết nào ngoài giải pháp “Sát Tả”, đưa cả đất nước vào một cuộc hỗn loạn còn tàn khốc hơn cuộc xâm lăng của ngoại bang. 

Ai cũng yêu nước nhưng ai cũng muốn độc quyền yêu nước! Nếu quy tội làm mất nước cho Triều Nguyễn thì đây chỉ là một câu chuyện của quá khứ. Tuy vậy, nếu tìm nguyên nhân từ những hạn chế trong dân tộc tính Việt thì nỗi đau xưa vẫn còn giá trị soi chiếu cho tương lai.

Để viết về một vùng đất, cần sự lắng đọng trong tâm hồn 

* Đã có những chuyến đi tìm đến các lăng mộ, di tích về các nhân vật được đề cập trong Từ Dụ thái hậu và Công chúa Đồng Xuân sau khi tác phẩm ra đời. Trước khi viết, chị có từng đến những nơi chốn ấy? 

- Năm 2010, lần đầu tiên tôi đến thắp nhang ở lăng Xương Thọ, nơi an nghỉ của Từ Dụ thái hậu, bó nhang chợt rực lên và cháy thành tro đến tận cùng. Tôi choáng váng vì xúc động và nguyện sẽ cháy hết mình trên trang viết. 

Về sau, tôi đã tìm thăm lăng mộ của Phạm Đăng Hưng, Trương Định ở Gò Công, đền thờ Phan Thanh Giản ở Vĩnh Long, đền thờ Nguyễn Tri Phương ở Biên Hòa. Trong chuyến “book tour” vừa qua, lại một lần nữa tôi được thăm lại dấu xưa trong tâm thế nhẹ nhàng vì tương đối đã làm xong một phần những gì mình mong ước.

Các tác phẩm của nhà văn Trần Thùy Mai
Các tác phẩm của nhà văn Trần Thùy Mai

* Văn chương Trần Thùy Mai trước giờ không rời xa đất Huế, người Huế. Cuộc tìm về với lịch sử lần này của nhà văn cho độc giả có được những bộ tiểu thuyết đồ sộ, đáng đọc. Nhưng, với riêng chị, điều ý nghĩa lớn lao nhất mà chị đã nhận được từ 2 bộ tiểu thuyết trên là gì?

- Điều ý nghĩa nhất là trong 6 năm vừa qua khi xa quê, tôi vẫn luôn có quê hương trong lòng. Mỗi buổi sáng, sau buổi điểm tâm, tôi ngồi vào bàn và viết. Lúc đó, một thế giới xa xưa hiện lên quanh tôi. Tôi đắm mình trong thế giới đó và cảm thấy hứng thú như đi vào một vùng rất quen mà rất lạ. Khi viết đến chương cuối, tôi cảm thấy rất mệt nhưng trong lòng lại khoan khoái vì từ nay được nghỉ ngơi. Vậy mà nghỉ ít lâu lại thấy mình chơi vơi lạc lõng, thế là phải nghĩ ra một câu chuyện khác để viết.

* Với nhiều người cầm bút sống xa quê hương, những trang viết về quê nhà, ký ức lại càng mãnh liệt, dạt dào cảm xúc. Trần Thùy Mai không còn viết truyện ngắn về Huế nữa. Vậy chị có nghĩ rằng chị sẽ trở lại với thể loại từng làm nên tên tuổi mình với những đề tài từ San Francisco?

- Sống xa quê hương, từ lâu tôi đã không còn mỗi ngày ngồi với sông Hương để lắng nghe những câu chuyện, những xáo động của đời sống. Thế nên tôi không còn viết được truyện ngắn về người Huế nữa. Nhưng với San Francisco, tôi lại chỉ mới ở 6 năm, chưa nhiều thời gian để trải nghiệm. Bạn biết đấy, để viết về một vùng đất, không chỉ cần sự hiểu biết mà còn cần sự lắng đọng của tâm hồn. 

* Có lẽ cũng như nhà nghiên cứu Trần Hữu Phúc Tiến, nhiều người bất ngờ trước “sự chuyển hướng” của chị với thể loại tiểu thuyết lịch sử. Chị sẽ còn viết tiếp những tác phẩm tiếp nối trong dòng chảy của lịch sử cận đại?

- Thường khi đang viết, tôi sống ẩn dật, một cuộc sống gần như “heo hút” bởi ngay cả với Facebook, tôi cũng chỉ thỉnh thoảng ngoi lên để biết tin bạn bè, người thân. Khi viết xong, tôi cho mình 1 năm nghỉ ngơi để đọc, giao tiếp và giới thiệu tác phẩm. Bây giờ, tôi sắp hết 1 năm ấy rồi. Tôi đang ấp ủ kế hoạch về 1 cuốn tiếp theo. Viết về ai và giai đoạn lịch sử nào thì tôi xin phép được giấu kỹ… cho đến khi có sách.

* Cảm ơn chị đã chia sẻ. 

Bùi Tiểu Quyên (thực hiện)

Ảnh: Nhân vật cung cấp

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI