Nhà sản xuất Mỹ ‘xài chùa’ ca khúc của Việt Nam, bị truy thu tiền tác quyền 700 triệu đồng

10/01/2020 - 17:15

PNO - Lý do nhà sản xuất Mỹ ‘xài chùa’ sáng tác của NSƯT Xuân Ba là vì nghĩ tác giả đã qua đời hơn 50 năm, bài hát hết hiệu lực tác quyền.

Theo chia sẻ từ Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC), hiện trung tâm đã “đòi” giúp NSƯT - nhạc sĩ Xuân Ba 700 triệu đồng từ một nhà sản xuất (NSX) phim của Mỹ vì sử dụng trái phép nhạc phẩm Tình quân dân của ông. 

Cụ thể, NSX của Mỹ đã sử dụng ca khúc này trong một bộ phim nói về chiến tranh Việt Nam. Sau khi phim phát sóng, VCPMC phát hiện và ngay lập tức đơn vị này tiến hành truy thu tiền tác quyền thông qua các tổ chức bảo hộ tác quyền quốc tế. Đến nay, VCPMC cho biết NSX đã gửi trả 700 triệu đồng tiền tác quyền,  dựa trên lượt truy cập của người xem phim.

NSƯT - nhạc sĩ Xuân Ba nổi danh với khả năng chơi đàn bầu và đàn tranh
NSƯT - nhạc sĩ Xuân Ba nổi danh với khả năng chơi đàn bầu và đàn nguyệt

"Anh Xuân Ba hiện có cuộc sống rất khó khăn. Ngày tôi tìm anh để thông báo xử lý vụ việc, trước mắt tôi là người nghệ sĩ già từng đêm đi đánh đàn ở nhà hàng để kiếm tiền. Ngày nhận được số tiền tác quyền này, anh vui đến mức không nói nên lời" - ông Đinh Trung Cẩn, giám đốc VCPMC nói.

Phía VCPMC chia sẻ thêm, lý do mà NSX Mỹ đưa ra cho việc sử dụng “chùa” ca khúc Tình quân dân là vì “họ tưởng tác giả đã mất hơn 50 năm”. Với khoảng thời gian hơn 50 năm, tức bài hát hết hiệu lực tác quyền, có thể sử dụng miễn phí, đơn vị làm phim lập luận. Theo ông Cẩn, trong năm 2019, số tiền VCPMC thu tiền bản quyền từ quốc tế là gần 1,8 tỉ đồng.

Tình quân dân là một trong những nhạc phẩm được biết đến nhiều nhất của nhạc sĩ Xuân Ba. Với khả năng có thể chơi đàn bầu và đàn nguyệt, cùng kiến thức âm nhạc dân tộc, nhạc sĩ Xuân Ba sáng tác nhiều nhạc phẩm nằm lòng với người nghe nhạc trong nước như: Khúc tùy hứng (độc tấu đàn nguyệt), Nước non ngàn dặm (độc tấu đàn bầu), Trăng Tây Hồ, Tìm người giữa hội Lim, Mai em đi rồi...

Trong 2019, số tiền tác quyền mà VCPMC thu về là hơn 133 tỷ đồng. Trong đó, sao chép phát hành trực tuyến (YouTube) năm 2019 tăng 346%; Website, ứng dụng nhạc, mạng xã hội (YouTube, Facebook) tăng 87%; trong khi sao chép bản ghi âm, ghi hình, sách nhạc giảm 40%, sao chép chương trình truyền hình giảm 23%.

Minh Tú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI