Nhà nước - tư nhân hợp tác làm phim: Đâu là công thức thành công?

30/05/2022 - 07:14

PNO - Ở một số quốc gia, mô hình làm phim giữa Nhà nước - tư nhân đã đạt những kết quả khả quan. Tại Việt Nam, trong vòng mười năm trở lại, mô hình này mới được thực hiện. Dù chưa nhiều dự án hoàn thiện, cũng đã có những bài học được rút ra. Và chúng cần được người trong cuộc nhìn nhận nghiêm túc, cẩn trọng.

“Khát” kịch bản hay

Maika - Cô bé đến từ hành tinh khác của đạo diễn Hàm Trần đã chính thức ra rạp (từ ngày 27/5) với nhiều lời ngợi khen từ khán giả, giới chuyên môn. Về doanh thu phòng vé, hiện phim đang đối đầu với nhiều siêu phẩm dành cho thiếu nhi khác của quốc tế nên khó dự đoán về cục diện sau cùng. Tuy nhiên, điều mà Maika - Cô bé đến từ hành tinh khác làm được là cho khán giả niềm tin về chất lượng của bộ phim do Nhà nước (Cục Điện ảnh) và tư nhân (Công ty BHD) hợp tác.

Bộ phim Maika - Cô bé đến từ hành tinh khác từng được chọn giới thiệu tại Liên hoan phim Sundance 2022
Phim Maika - Cô bé đến từ hành tinh khác từng được chọn giới thiệu tại Liên hoan phim Sundance 2022

Cho đến nay, sau Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (2015) của đạo diễn Victor Vũ, hai phim được Nhà nước đầu tư, kết hợp cùng tư nhân sản xuất còn có Thạch Thảo (2018) của Mai Thế Hiệp và Truyền thuyết về Quán Tiên (2019) của đạo diễn Đinh Tuấn Vũ. Trái với thành công vang dội về mặt doanh thu của Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (gần 100 tỷ đồng), hai phim còn lại khá im ắng khi ra rạp.

Thạch Thảo - bộ phim khai thác chủ đề học đường lồng ghép một số vấn đề xã hội được đầu tư 15 tỷ đồng, nhưng thu về chưa tới một tỷ đồng (theo số liệu từ Box Office Vietnam). Còn Truyền thuyết về Quán Tiên chuyển thể từ truyện ngắn của nhà văn Xuân Thiều, có thay đổi một số chi tiết. Phim khai thác sâu vào nội tâm con người thời chiến, từng giành Bông sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam 2019 và Cánh diều bạc tại giải Cánh diều 2020. Dù nhận nhiều giải thưởng nhưng với chủ đề khá kén khán giả, phim ra rạp nhưng rồi đã rời đi lặng lẽ.

Mỗi số tiền mà nhà đầu tư bỏ ra, dù ít hay nhiều, dù của tư nhân hay Nhà nước, ai bỏ vốn cũng đều mong phim được khán giả đón nhận, thắng phòng vé. Chẳng ai muốn phim mình làm ra bị chê bai và rời rạp trong tình trạng lỗ. Những nhà làm phim như chúng tôi được đầu tư vốn để làm là điều hạnh phúc vô cùng, nhưng quan trọng hơn, chất lượng phim ra rạp như thế nào? Kể cả ai đầu tư, người làm phim cũng cần chăm chút cho tác phẩm, không làm qua loa, hời hợt.

Đạo diễn Charlie Nguyễn

Sự thờ ơ của khán giả với Thạch ThảoTruyền thuyết về Quán Tiên không quá khó để lý giải, bởi ngoài việc phát hành ở thời điểm có nhiều phim bom tấn quốc tế chào sân, chủ đề và chất lượng phim chưa đủ hấp dẫn để thu hút khán giả. Nếu ở Thạch Thảo là vấn đề kịch bản chưa thuyết phục, thì Truyền thuyết về Quán Tiên đã chọn khai thác chủ đề khó thu hút đại đa số người xem.

Sẽ khó có công thức chuẩn đem lại thành công của phim Nhà nước hợp tác tư nhân. Bởi ngoài chất lượng, còn cần yếu tố may mắn về thời điểm phát hành, kế hoạch truyền thông thông minh. Nhưng, trước khi chờ vận may, một câu trả lời đầu tiên mà hầu hết những người trong ngành đều nhấn mạnh, đó là kịch bản phải hay, và phải được “chọn mặt gửi vàng”. Tức đạo diễn và ê-kíp thực hiện phải chuyên nghiệp, chỉn chu.

Đạo diễn Đào Bá Sơn cũng khẳng định tương tự. Theo ông, yếu tố góp phần làm nên thành, bại của một bộ phim là kịch bản và đội ngũ nhân sự giỏi. “Điều này có gì phải bàn bạc thêm khi chúng quá rõ ràng. Phim làm sao có thể hay nếu kịch bản không tốt?”, ông nhấn mạnh.

 

“Đứng ở góc độ là một nhà sản xuất, tất nhiên được ai đầu tư tiền làm phim tôi đều rất vui. Nếu có dự án phù hợp tôi cũng mong được Nhà nước đầu tư. Nhưng theo tôi, hợp tác với tư nhân hay Nhà nước cũng không mang lại ý nghĩa gì khác nhau. Vì điều quan trọng, quyết định hợp tác thành công hay không, là phải có dự án hay, đạo diễn giỏi”, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh chia sẻ.

Theo phó giáo sư - tiến sĩ Trần Luân Kim - nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam - không có con số cụ thể về ngân sách nhà nước đầu tư cho điện ảnh thường niên, mà tùy theo kế hoạch hoạt động từng năm khác nhau. Thời gian qua, phim nhà nước đầu tư chưa tạo được ấn tượng, vì kịch bản còn yếu, chưa chọn lọc kỹ, nên phim làm ra không chạm được cảm xúc người xem, thiếu sự hấp dẫn cần có để kéo khán giả đến rạp. Theo ông, chọn lọc kịch bản là yếu tố sống còn, vì dù làm phim với mục đích tuyên truyền hay phục vụ nhu cầu giải trí, kịch bản phải hay thì mới làm được các bước tiếp theo.

Phim Thạch Thảo của đạo diễn Mai Thế Hiệp ra mắt năm 2018
Phim Thạch Thảo của đạo diễn Mai Thế Hiệp ra mắt năm 2018

Kịch bản là vấn đề mang tính “sống còn”, nhưng không dễ để Nhà nước tiếp nhận được kịch bản hay. Cái khó này cũng là khó chung cho điện ảnh Việt. Chúng ta quá thiếu kịch bản hay, thậm chí phải liên tục “remake” (làm lại) từ quốc tế. Theo chia sẻ của đạo diễn Mai Thế Hiệp, sau Thạch Thảo, anh cũng đã gửi một kịch bản đến Cục Điện ảnh để xem có phù hợp với tiêu chí đặt hàng sản xuất của Nhà nước hay không. Khoảng thời gian anh chờ đợi cũng đã khá dài. Việc này cho thấy thời gian qua, Nhà nước có mở cuộc tìm kiếm kịch bản để rót vốn đầu tư nhưng chưa có kết quả. Sự thận trọng này từ phía Cục Điện ảnh là cần thiết, bởi nếu đầu tư vô tội vạ, kém chất lượng thì chỉ phí tiền, mà lợi ích thu lại chẳng có gì. 

Sau Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, hình thức hợp tác làm phim giữa Nhà nước và tư nhân tiếp tục được triển khai trong phim Thạch Thảo, Truyền thuyết về Quán Tiên, và giờ là Maika - Cô bé đến từ hành tinh khác. Đây là mô hình đáng được khích lệ, vì phát huy được thế mạnh của mỗi bên. Nhưng có phim thành công, có phim phải âm thầm rời rạp.


 

 

Có nên áp doanh thu cho phim đặt hàng?

Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh - đặt câu hỏi trên khi chúng tôi nhắc đến sự ảm đạm phòng vé của Thạch Thảo Truyền thuyết về Quán Tiên khi cả hai phim ra rạp. Ông cho rằng đang có rất nhiều doanh nghiệp làm phim, và họ khai thác các chủ đề, thể loại khác nhau với số tiền đầu tư lớn lên tới 40 - 50 tỷ đồng. Với số vốn có định mức từ Nhà nước ước chừng khoảng 10 - 15 tỷ đồng, ông cho rằng không thể mở rộng đề tài ngoài các chủ đề được quy định bấy lâu, gồm nhóm nội dung đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng, thiếu nhi, văn hóa dân tộc. 

“Cục Điện ảnh không khuyến khích việc mở rộng đề tài vì chúng tôi biết ngân sách có hạn, không thể ủng hộ mọi nội dung, thể loại. Trên thực tế, Nhà nước chỉ đặt hàng những đề tài mà Nhà nước cần, còn phim thuần nội dung giải trí nên để các đơn vị tư nhân tự thực hiện. Đây là việc đương nhiên, tôi không thấy có vấn đề gì phải bàn cãi. Còn nếu muốn nhìn nhận chất lượng phim nhà nước đặt hàng một cách thấu đáo, phải nhìn từ rất nhiều góc độ khác nhau”, ông Vi Kiến Thành nói.

Truyền thuyết về Quan tiên không thành công như mong đợi
Truyền thuyết về Quán tiên không thành công như mong đợi

Cục trưởng Cục Điện ảnh khẳng định phim về chủ đề chiến tranh, lịch sử rất khó làm, và khó thu hút người xem, nhưng cục vẫn đặt hàng vì nếu “Cục không đặt hàng thì ai sẽ làm?”. “Chúng ta phải nhìn nhận khách quan, đừng đặt nặng yếu tố kinh doanh với những phim làm về đề tài lịch sử, chiến tranh. Cần cân nhắc hết sức bởi nếu đánh giá như thế sẽ là thiếu cẩn trọng. Nhiều năm qua, mọi người cứ đặt vấn đề phim nhà nước đặt hàng bán vé ít, doanh thu thấp nhưng phim nhà nước đầu tư có tiêu chí chọn lựa riêng, phục vụ cho nhiều mục đích. Chúng tôi cũng có hội đồng tuyển chọn kịch bản phù hợp để làm, nên nếu giữ suy nghĩ phim nhà nước đầu tư là dở, là kém thu hút thì chưa khách quan”, ông Vi Kiến Thành nói.

Ý kiến của ông Vi Kiến Thành phần nào lý giải cho khó khăn của Nhà nước, khi quyết định chọn kịch bản thực hiện. Nhưng càng khó thì càng cần cẩn trọng lựa chọn. Bởi mục đích lớn nhất mà đa phần phim nào cũng đều mong muốn đạt được, là làm sao phục vụ cho nhu cầu nghe - nhìn, thưởng thức của khán giả. Một bộ phim sao có thể gọi là thành công khi không tiếp cận được nhiều người xem, chỉ làm ra để rồi “cất kho”?

Phim nhà nước đặt hàng bấy lâu gặp khó trong việc tìm kịch bản hay, đạo diễn có tay nghề nên sau thời gian dài cũng chỉ loanh quanh những câu chuyện cũ, nằm trong nhóm đề tài quen thuộc. Nhà nước có lý do cho những lựa chọn, và từ phía khán giả, họ cũng có quyền đặt kỳ vọng phim hợp tác Nhà nước - tư nhân phải chất lượng, tránh làm phí ngân sách. Thiết nghĩ cần có sự dung hòa giữa yếu tố “đặt hàng”, tức về tư tưởng, nội dung phim và yếu tố phòng vé, thương mại. Nếu chỉ nghiêng về một trong hai, khó thể tạo ra những điểm sáng như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh hay Maika - Cô bé đến từ hành tinh khác

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI