Người Việt ngày càng chuộng hàng Thái

25/02/2017 - 10:01

PNO - Kết quả điều tra hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) năm nay đã tiết lộ nhiều thông tin quan trọng đối với doanh nghiệp và các cơ quan quản lý.

Theo đó, thị trường hàng tiêu dùng Việt Nam vẫn chưa phát triển chiều sâu thực sự. Người tiêu dùng còn coi trọng các yếu tố rất cơ bản như chất lượng, giá cả hợp lý. Các yếu tố như an toàn sử dụng, mẫu mã đẹp vẫn được quan tâm nhưng ít quan trọng hơn. 

Điều này do cả hai phía: sức mua của người tiêu dùng và yêu cầu chưa cao, nhà sản xuất chưa đáp ứng được kỳ vọng cơ bản của người tiêu dùng.

Xài hàng Việt nhưng chưa tin hàng Việt

Bên cạnh đó, người tiêu dùng ngày càng gia tăng lo ngại về vệ sinh an toàn thực phẩm, lo lắng về việc sử dụng chất cấm trong sản xuất và bảo quản hàng hóa, đặc biệt trong ngành nông sản tươi và thực phẩm đóng gói và đồ uống không cồn. 

Vấn đề chất lượng vẫn cơ bản đang buộc các doanh nghiệp phải giải quyết. 

Cụ thể, ¼ số người được khảo sát lo ngại doanh nghiệp sử dụng chất cấm trong sản xuất và bảo quản, hay sử dụng nguyên liệu không đảm bảo chất lượng để sản xuất. 

Nguoi Viet ngay cang chuong hang Thai
Giữa lúc người tiêu dùng e dè, tẩy chay hàng Trung Quốc thì hàng Thái đã nhanh chóng thay thế .

Một trong những lo ngại đáng lưu tâm hơn cả, là dù có 22% người được hỏi cho biết do dù biết sản phẩm không an toàn vẫn phải mua dùng, vì chưa có sản phẩm thay thế trên thị trường. 

Đặc biệt đối với ngàng nông sản tươi và thực phẩm đóng hộp, lo ngại lớn nhất là chưa có nhiều sản phẩm (sạch) thay thế trên thị trường (chiếm tới 53% và 41%)

Kết quả cuộc điều tra cũng chỉ ra rằng, người tiêu dùng sử dụng hàng sản xuất trong nước là chủ yếu, nhưng tỷ lệ ưa thích thấp hơn. Cụ thể, có đến 92% người được hỏi cho biết họ sử dụng chính là hàng Việt, nhưng tỷ lệ thích là 78%. 

Một điểm đáng lưu ý, người tiêu dùng có tâm lý ngày càng e dè, thậm chí tẩy chay hàng Trung Quốc, đặc biệt ở một số sản phẩm thuộc ngành thực phẩm, may mặc, nông sản tươi,… 

Và hàng Thái đã nhanh chóng nắm thời cơ thuận lợi này, đã đang nỗ lực thay thế chỗ trống. Họ gia tăng quyết liệt mức tiếp cận thị trường bằng việc tổ chức nhiều loại hình tiếp thị sản phẩm nhắm vào tâm lý tiêu dùng “sính” hàng ngoại của người tiêu dùng Việt. 

Vậy là sau khi đánh bật được hàng Trung Quốc thì cơn lốc hàng Thái Lan, và sắp tới sẽ là hàng Nhật Bản, Hàn Quốc có nguy cơ đánh bật hàng Việt khỏi các kệ trưng bày.

Sản phẩm tốt mà bán ở chợ là... sai lầm

Ông Hoàng Trọng, cố vấn chuyên môn cuộc điều tra Hàng Việt Nam chất lượng cao, cho rằng người tiêu dùng Việt rất tham, họ vừa muốn sản phẩm giá rẻ lại đòi hỏi phải an toàn.

Ông Trọng cho biết, đây là những đòi hỏi khá hóc búa từ phía người tiêu dùng mà nhà sản xuất buộc phải tìm ra biện pháp đáp ứng cho phù hợp. 

Nguoi Viet ngay cang chuong hang Thai
Cửa hàng, điểm bán hàng Thái Lan mọc lên khắp nơi từ thành thị đến nông thôn.

“Rau an toàn thì thường không đẹp, không bắt mắt như các sản phẩm có dùng hóa chất. Nhiệm vụ của nhà sản xuất là phải chỉ ra được cho người tiêu dùng thấu hiểu vấn đề này”, ông Trọng cho hay.

Tương tự, ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho biết để làm ra hạt gạo sạch, doanh nghiệp phải đầu tư lớn nên không thể có gạo sạch với giá rẻ như gạo thông thường. 

Tuy nhiên không phải người tiêu dùng nào cũng hiểu và chấp nhận trả giá cao cho sản phẩm tương xứng. “Doanh nghiệp cần phải 'giáo dục' người tiêu dùng để họ có thể phân biệt được đâu là sản phẩm tốt, uy tín”, ông Bình nói.

Kênh phân phối cũng là yếu tố quan trọng làm nên vị thế của một sản phẩm.

Theo ông Trọng, nếu doanh nghiệp muốn định vị sản phẩm của mình là sản phẩm sạch, có chất lượng mà chọn kênh phân phối là chợ truyền thống là… sai lầm. Bởi việc bày bán tràn lan ở chợ đã góp phần làm cho hình ảnh sản phẩm bị bình dân hóa.

Trong xu thế tiêu dùng mới, kênh hiện đại ngày càng quan trọng. Người tiêu dùng vẫn mua chính ở kênh truyền thống (chợ, cửa hàng,tạp hóa) đến 60%, nhưng mua ở kênh hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi) đã lên tới 34%.

Điều này là do sự thay đổi điều kiện sống và mức sống và còn do cả sự lo lắng về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Khánh Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI