“Người Việt không đọc sách vì có quá nhiều sách”

27/09/2020 - 15:12

PNO - Nhà giáo dục Giản Tư Trung cho rằng người Việt đọc sách ít hơn các nước khác, là có lý do.

Giải Sách hay “gạn đục khơi trong”

Tại Lễ trao giải Sách hay lần thứ 10 - 2020, diễn ra vào sáng ngày 27/9, nhà giáo dục Giản Tư Trung bày tỏ quan điểm về ý kiến cho rằng người Việt không đọc sách. Theo ông, điều này, chỉ phù hợp với vài chục năm về trước, thời điểm thị trường thiếu sách. Còn hiện tại, tình hình đã khác.

“Ngày nay, người Việt cũng ít đọc sách so với nhiều nước nhưng lý do thì khác hẳn, không phải không có sách để đọc mà vì có quá nhiều sách, không biết đọc sách gì. Bây giờ, nếu ra nhà sách là ngất vì có nhiều sách quá. Do đó, cách để khuyến đọc sách, chúng ta cần có thêm nhiều bộ lọc”, ông nói.

Một trong số những bộ lọc, theo chia sẻ của ông, là các giải thưởng về sách, trong đó, có giải Sách hay. Đây là giải sách khá đặc biệt vì những tác giả được vinh danh cùng các tác phẩm không nhận được hiện kim hay hiện vật. Họ chỉ được vinh danh một cách trân trọng từ hội đồng chuyên môn.

Nhà giáo dục Giản Tư Trung tại Lễ trao giải Sách hay 2020.
Nhà giáo dục Giản Tư Trung tại Lễ trao giải Sách hay 2020

Qua 10 năm tồn tại, giải Sách hay đã vinh danh 62 tác phẩm viết và 70 tác phẩm dịch thuật ở nhiều hạng mục. Có nhiều tác phẩm sau khi được vinh danh, bạn đọc mới tìm kiếm.

“Giải Sách hay đã tồn tại 10 năm. Việc có nhiều hạng mục không tìm được các đầu sách để trao chứng tỏ hội đồng công minh vì chúng tôi không bắt mình phải trao nếu không có sách xứng đáng... Nói một cách nôm na, cái gì có thể mua được nhưng không thể mua được giải Sách hay”, nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn nói.

Tại giải Sách hay lần 10, vấn nạn sách giả cũng được nhắc tới. Nhà giáo dục Giản Tư Trung cho rằng, song song với việc khuyến đọc sách hay, việc khuyến đọc sách thật là vô cùng quan trọng: “Chúng tôi không chỉ nỗ lực khuyến đọc sách hay, mà chúng tôi còn khuyến đọc sách thật. Vì không những sách tràn lan, mà sách giả cũng thế. Khuyến đọc sách thật là cách tốt nhất để loại trừ sách giả”.

Sau lễ trao giải lần thứ 10, giải Sách hay sẽ tổ chức 2 năm 1 lần thay vì tổ chức thường niên. Theo chia sẻ từ nhà văn Bùi Viết Nam Sơn, có 2 lý do để giải tổ chức cách năm. Thứ nhất, khối lượng sách mà hội đồng chuyên môn phải đọc để chọn ra sách hay quá lớn, cần thêm thời gian để các giám khảo nghiên cứu, đọc sách. Thứ 2, khoảng thời gian 2 năm cũng đủ để “thị trường lắng đọng, có thêm các đầu sách hay”.

Bộ sách Từ Dụ Thái Hậu thắng giải

Cả 7 hạng mục Nghiên cứu, Giáo dục, Kinh tế, Quản trị, Văn học, Thiếu nhi Phát hiện mới tại giải Sách hay năm nay đều tìm được "quán quân". Ở hạng mục Sách Văn học, bộ sách Từ Dụ Thái Hậu (gồm Quyển thượng và Quyển hạ) của tác giả Trần Thùy Mai được chọn.

Từ Dụ Thái Hậu là bộ sách công phu, đầy đủ của nữ sĩ Trần Thuỳ Mai, thể hiện được hình tượng một người phụ nữ ở trung tâm quyền lực, giữa cuộc đấu đá đẫm máu, tham vọng, Từ Dụ Thái Hậu hiện lên là người phụ nữ hiền hậu, độ lượng. Nữ sĩ Trần Thuỳ Mai đã thể hiện rất thành công”, nhà văn Phan Nhật Chiêu, đại diện hội đồng giám khảo hạng mục Sách Văn học cho biết.

Ngoài bộ sách Từ Dụ Thái Hậu, đáng chú ý trong giải Sách hay năm nay là việc tác giả nhí Nguyễn Khang Thịnh, 13 tuổi - tác giả trẻ nhất nhận giải thưởng. Tác phẩm Nhật ký của nhóc Alvin siêu quậy của Nguyễn Khang Thịnh thắng hạng mục Sách thiếu nhi, thể loại sách viết. Hội đồng trao giải đánh giá cao tác phẩm của tác giả nhí vì câu chuyện chuyển tải cũng như thông điệp Khang Thịnh nhắn nhủ đến không chỉ độc giả ở độ tuổi trẻ em mà với người lớn trong tác phẩm của mình.  

Sau hơn 5 tháng làm việc nghiêm túc, 35 chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực đã chọn ra được 15 tác phẩm nhận giải thưởng.

Các sách đặt giải Sách hay lần thứ 10, năm 2020

1. Hạng mục Sách Nghiên cứu:

- Tác phẩm: Làng mạc ở châu thổ sông Hồng (Tác giả: Nguyễn Tùng và Nelly Krowolski)

- Dịch phẩm: Sự kiến tạo xã hội về thực tại (Tác giả: Peter L. Berger và Thomas Luckmann, Dịch giả: Trần Hữu Quang và Nhóm dịch giả).

2. Hạng mục Sách Giáo dục:

- Tác phẩm: Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản (Tác giả: Nguyễn Quốc Vương)

- Dịch phẩm: Biện hộ cho một nền Giáo dục Khai phóng (Tác giả: Fareed Zakaria, Dịch giả: Châu Văn Thuận).

3. Hạng mục Sách Kinh tế:

- Tác phẩm: Thần kỳ Kinh tế Tây Đức (Tác giả: Tôn Thất Thông)

- Dịch phẩm: Sự Giàu và Nghèo của các Dân tộc (Tác giả: Davis S. Landes, Dịch giả: Sơn Phạm và Vũ Hoàng Linh).

4. Hạng mục Sách Quản trị:

- Tác phẩm: Lý thuyết trò chơi và ứng dụng trong quản trị - kinh doanh (Tác giả: Lê Hồng Nhật).

- Dịch phẩm: Định hình cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Tác giả: Klaus Schwab, Dịch giả: Nguyễn Vân và Thành Thép).

5. Hạng mục Sách Thiếu nhi:

- Tác phẩm: Nhật ký của nhóc Alvin siêu quậy (Tác giả: Nguyễn Khang Thịnh).

- Dịch phẩm: Hành trình của cá Voi (Tác giả: Michael Morpurgo, Dịch giả: Trần Thị Minh Hiếu).

6. Hạng mục Sách Văn học:

- Tác phẩm: Bộ sách Từ Dụ Thái Hậu (gồm Quyển thượng và Quyển hạ) (Tác giả: Trần Thùy Mai).

- Dịch phẩm: Chết chịu (Tác giả: Céline, Dịch giả: Dương Tường)

7. Hạng mục Sách Phát hiện mới:

- Tác phẩm: Bộ sách 2 quyển: Nguyễn Văn Tường và cuộc chiến chống đô hộ Pháp của Nhà Nguyễn (Tác giả: Nguyễn Quốc Trị).

- Dịch phẩm: Vũ Dạ Đàm - Tự truyện Shibusawa Eiichi (Tác giả: Shibusawa Eiichi, Dịch giả: Nguyễn Lương Hải Khôi).

- Dịch phẩm: Những tìm sâu Triết học (Tác giả: Ludwig Wittgenstein, Dịch giả: Trần Đình Thắng, Đào Thị Hồng Hạnh kiểm sửa).

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI