Người trẻ Hàn Quốc chọn cuộc sống khép kín

18/07/2025 - 20:12

PNO - Thống kê mới nhất của Hàn Quốc cho thấy, nửa triệu thanh niên nước này sống cô lập. Họ không có động lực kết nối xã hội, tìm việc làm.

Đất nước đang vật lộn với sự gia tăng của thanh thiếu niên sống khép kín
Tình trạng thanh thiếu niên sống khép kín đang gia tăng ở Hàn Quốc

Mặc dù đã 33 tuổi nhưng Ahn Ja Han vẫn không hề nao núng khi nói và nghĩ về tương lai. Ahn gần như chỉ muốn quanh quẩn trong nhà, không màng thế sự. “Tôi hầu như không ra ngoài trong gần 1 thập kỷ. Tôi chỉ đến những nơi gần nhà, nhưng không thể đi xa hơn. Tôi hầu như không nói chuyện với ai ngoài mẹ" - Ahn nói.

Ahn nằm trong số khoảng 540.000 thanh thiếu niên Hàn Quốc không hoạt động xã hội và kinh tế, thường giam mình trong nhà và ít hoặc không giao tiếp với người khác. Hiện tượng này, được mô tả bằng thuật ngữ "hikikomori" ở nước láng giềng Nhật Bản, để mô tả tình trạng thu mình, không giao tiếp xã hội.

Một báo cáo từ Viện Y tế và xã hội Hàn Quốc cho thấy, tính đến năm 2021, những người sống khép kín chiếm 5% dân số Hàn Quốc trong độ tuổi từ 19 đến 34. Nghiên cứu cũng phát hiện 45,6% những người trẻ sống khép kín này không thể xác định được nguyên nhân rõ ràng khiến họ xa lánh xã hội. Tiếp theo là nhóm “khó khăn trong việc tìm việc làm”. Khoảng 35% cho biết họ đã bỏ học sau nhiều lần không tìm được việc làm trong khi bạn bè cùng trang lứa đã tốt nghiệp và tham gia lao động.

Theo Cục Thống kê Hàn Quốc, tỉ lệ việc làm của nhóm người từ 15 - 29 tuổi chỉ đạt 46,2% trong tháng Năm, đánh dấu tháng giảm thứ 13 liên tiếp. Số người trẻ cho biết "chỉ đang nghỉ ngơi", tức là không làm việc cũng không chuẩn bị cho việc làm hay học tập, đã tăng lên 421.000 người, tăng thêm 20.000 người so với cùng kỳ năm ngoái.

Ahn học chuyên ngành hóa học với mong muốn chuyển tiếp lên chương trình dược. Tham vọng của cô là có công việc ổn định, lương cao, điều mà cha mẹ cô chưa bao giờ đạt được dù đã làm việc chăm chỉ cả đời. Việc chứng kiến những khó khăn của họ đã thôi thúc cô tìm kiếm một con đường khác, an toàn hơn.

Sau năm thứ hai, cô dồn hết tâm huyết vào việc học để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh dược sĩ đầy cạnh tranh. Nhưng rào cản lớn nhất chính là chi phí. "Chỉ 1 buổi học đã tốn hơn 1 triệu won (725 USD). Nếu học hết tất cả các môn bắt buộc, tổng chi phí chắc chắn lên tới hơn 10 triệu won. Tôi cảm thấy tội lỗi vô cùng khi nhờ bố mẹ giúp đỡ, đến nỗi chẳng tập trung học được".

Ahn đã cố gắng xoay xở chi phí học tập thông qua học bổng, vì gần như học kỳ nào cô cũng nhận được 1 suất. Nhưng gánh nặng cuối cùng đã trở nên quá sức chịu đựng. Năm 2015, cô bị trầm cảm nặng. Thuốc chống trầm cảm gây ra tác dụng phụ không lường trước: buồn ngủ liên tục, không kiểm soát được, khiến khả năng hoạt động càng thêm khó khăn.

Nhịp sống của Ahn đảo ngược. “Tôi thường ngủ thiếp đi lúc 7g sáng, ngay sau khi gia đình tôi đi làm. Sau đó, tôi thức dậy vào khoảng 6g chiều, ăn một bữa rồi lại lên giường ngủ tiếp” - cô kể.

Mẹ cô sẽ chuẩn bị bữa ăn, Ahn lặng lẽ lấy đồ ăn và ăn một mình trong phòng. Trong suốt thời gian đó, gánh nặng lớn nhất của cô là nhận thức về bản thân.

“Những người khác đã trở thành dược sĩ rồi, còn tôi vẫn bế tắc. Tôi bắt đầu tự hỏi liệu mình có đủ thông minh để làm được điều đó không. Chính tôi là người khiến bản thân suy sụp nhất” - Ahn nói.

Nhiều người cố gắng trở lại xã hội bằng cách tham gia các nhóm, hội đoàn
Nhiều người cố gắng trở lại xã hội bằng cách tham gia các nhóm, hội đoàn

Kwon (37 tuổi) cũng có xu hướng khép kín, đã chuẩn bị tái hòa nhập với xã hội trong gần một năm thông qua chương trình của Dudug tại Seoul.

Từ năm 2022 đến đầu năm 2024, Kwon cô lập xã hội trong thời gian thất nghiệp.

Sau 5 năm làm lập trình viên phần mềm ở Ulsan, anh chuyển đến Seoul để tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp mới. Tuy nhiên, sau khoảng 1 năm làm việc tại 2 công ty liên tiếp, những khó khăn dai dẳng về mối quan hệ nơi công sở và hiệu suất công việc, cùng với chứng trầm cảm và lo âu, đã khiến anh dần xa lánh xã hội.

“Đến khi nghỉ việc thứ hai, tôi đã cảm thấy thật sự thất bại. Khi nghỉ việc, bạn có thể nghĩ đến việc xin việc ở nơi khác hoặc thử điều gì đó mới. Nhưng tôi thậm chí còn không dám nghĩ xa đến thế" - Kwon nói.

Anh có nói chuyện với gia đình, nhưng chỉ trả lời ngắn gọn khi họ trò chuyện. Trong 3 năm đó, những chuyến đi ra ngoài của Kwon chỉ giới hạn ở việc mua sắm nhu yếu phẩm, hiếm khi vượt quá ngã tư gần nhà.

Đối với Kwon, những khoảnh khắc khó khăn nhất trong thời gian xa lánh xã hội là khi anh đau đớn nhận ra thực tế của mình và cảm thấy bị mắc kẹt.

Chuyên gia Lee Eun-ae chia sẻ, yếu tố quan trọng góp phần vào tình trạng xa lánh xã hội của giới trẻ Hàn Quốc là sự cứng nhắc của xã hội như học giỏi, vào trường học tốt, vào đại học danh tiếng, công việc nhiều tiền, lập gia đình, kinh tế vững chắc... "Áp lực quá lớn và thường xuyên kéo dài khiến họ không thể thoát ra" - bà nói.

Thảo Nguyễn (theo Korea Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI