Người trẻ đang định hình lại văn hóa tiêu dùng

20/05/2025 - 06:58

PNO - Đang có một xu hướng chuyển biến về văn hóa tiêu dùng trong người trẻ. Nhiều người đã dần tìm đến sống xanh, sống chậm, sống tối giản như một cách định nghĩa lại giá trị, ý nghĩa và bản sắc cá nhân trong xã hội hiện đại.

Sống xanh hay sống tối giản từ lâu đã là sự lựa chọn của một bộ phận công chúng. Gần đây, lối sống ấy dần trở nên phổ biến hơn. Những hội nhóm chia sẻ đồ cũ trên mạng xã hội, các chiến dịch “thử thách không mua sắm trong 30 ngày” hoặc câu chuyện về những bạn trẻ rời phố về quê để tự trồng rau, làm xà phòng, tái sử dụng từng mảnh vải cũ… không còn là chuyện lạ.

Các bạn trẻ tham gia Ngày hội giảm nhựa 2024 tại Huế - Nguồn ảnh: Thông tấn xã Việt Nam
Các bạn trẻ tham gia Ngày hội giảm nhựa 2024 tại Huế - Nguồn ảnh: Thông tấn xã Việt Nam

Họ không phản đối tiện nghi nhưng đã suy gẫm lại câu hỏi về việc có nên tiếp tục tiêu dùng theo cách đánh mất mối quan hệ với môi trường, thiên nhiên và chính mình?

Báo cáo của Công ty Kiểm toán PwC (PricewaterhouseCoopers) tại hội thảo “Sản phẩm, dịch vụ xanh - đặt hàng từ người dùng” diễn ra vào tháng 3/2025 cho biết: 85% người tiêu dùng toàn cầu đã cảm nhận rõ tác động của biến đổi khí hậu trong cuộc sống và đang ưu tiên lựa chọn các sản phẩm có tính bền vững cao. Tại Việt Nam, xu hướng trên cũng thể hiện rõ bằng khảo sát của NielsenIQ năm 2022: 66% người tiêu dùng cho biết họ sẵn sàng chi nhiều hơn cho các thương hiệu gắn với cam kết bảo vệ môi trường.

Người trẻ tại Việt Nam đã và đang chủ động thay đổi thói quen tiêu dùng, từ lựa chọn sản phẩm thân thiện môi trường đến hạn chế rác thải, tái sử dụng đồ dùng. Đó không phải là cuộc “nổi loạn” chống tiêu dùng mà là hành trình tự nhận thức trong một thế giới đang tiêu dùng quá mức.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng lối sống xanh, tối giản không dễ tiếp cận với số đông, nhất là trong bối cảnh đô thị hóa nhanh, đời sống nhiều áp lực, chi phí sinh hoạt cao. Và một nguy cơ khác cũng đang hình thành: sống xanh bị thương mại hóa, trở thành cái mác cho sản phẩm đắt đỏ thay vì là hành vi tiêu dùng có trách nhiệm.

Do đó, ý thức cộng đồng trở nên cực kỳ quan trọng. Khi mỗi người hiểu rằng sự lựa chọn của mình không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mà còn tác động đến môi trường và cộng đồng, cách tiêu dùng không còn là chuyện riêng mà là cách sống có trách nhiệm với xã hội.

Hiện nay, nhiều cộng đồng sống xanh được thành lập bởi chính người trẻ, những “hạt nhân văn hóa” đang thầm lặng tạo ra sự lan tỏa. Từ các nhóm tái chế rác thải, trạm chia sẻ đồ cũ cho sinh viên đến những “nông dân thành thị”…, họ chứng minh văn hóa tiêu dùng bền vững không cần phải cao siêu, chỉ cần bắt đầu từ những điều nhỏ nhất và cùng nhau.

Ở tầm vĩ mô, nếu không có sự đồng hành từ các nhà làm văn hóa, giáo dục, truyền thông và chính sách, những nỗ lực cá nhân rất dễ trở nên mong manh. Việc tạo ra không gian sống, học tập và làm việc thân thiện môi trường, đưa lối sống bền vững vào giáo dục phổ thông hay khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào sản phẩm sinh thái không còn là chuyện “có cũng được”.

Văn hóa tiêu dùng là thói quen được hình thành theo thời gian. Nó hoàn toàn có thể thay đổi nếu mỗi người cùng hướng đến những giá trị mới: sống giản dị, có trách nhiệm và gắn kết với cộng đồng.

Chiếc túi vải thay túi ni lông, chai nước cá nhân thay chai nhựa dùng 1 lần…, cách chúng ta chi tiêu đều có thể trở thành thông điệp sống. Văn hóa không nằm ở thứ chúng ta mặc, ăn hay sở hữu mà ở cách chúng ta lựa chọn.

Minh Thuận

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI