Nhà vợ coi thường khi tôi thất nghiệp

19/05/2025 - 08:00

PNO - Ra đi không phải là thất bại mà đôi khi là cách để giữ lại lòng tự trọng, giữ lại phẩm giá người đàn ông trong em chưa bị chà đạp bởi những câu nói khinh khi, những bữa ăn lạnh lùng và những lời bóng gió cay nghiệt.

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Em ở rể. Quê em ở tỉnh, em ra đây cưới vợ rồi sống chung với gia đình vợ cho đỡ tốn kém. Ban đầu, mọi thứ còn dễ chịu nhưng mấy tháng nay em thất nghiệp, đang cố gắng nhận dịch tài liệu online kiếm thêm, mà thu nhập không đáng kể.

Từ khi em thất nghiệp, không khí trong nhà thay đổi hẳn. Mẹ vợ hay nói bóng gió, bảo “con gái mình có học, xinh xắn mà lấy thằng chồng không ra gì”. Có hôm, bà còn nhắc đi nhắc lại rằng người yêu cũ của vợ em bây giờ thành đạt, giàu có, chưa lấy vợ và nghe đâu vẫn thương nhớ vợ em.

Vợ em thì ngày càng lạnh nhạt. Hồi trước, mỗi bữa ăn, cô ấy còn gọi em xuống, bây giờ bữa nào cũng im re. Hôm nay, em đang làm việc trên lầu, đến khi xuống thì cả nhà đã ăn gần xong. Em hỏi vợ "Sao không gọi anh xuống ăn như mọi lần?" thì cô ấy lạnh lùng trả lời: “Biết giờ ăn thì tự xuống, ai rảnh mà gọi hoài”.

Em nghe xong mà nghẹn, cảm giác như mình là người thừa. Giờ em rất bối rối. Ở lại thì bị coi thường, ra đi thì tay trắng, không biết vợ còn tình cảm với mình hay đã hết. Em có nên rời đi, trả lại tự do cho cả hai hay cố chịu đựng và tiếp tục níu giữ cuộc hôn nhân này? Em thật sự không biết đâu là đúng nữa. Em và vợ chưa có con, chị ạ!

Thành Nam

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Em Thành Nam thân mến,

Đọc thư em, Hạnh Dung nhớ tới hình ảnh ông bà thường ví von về tình cảnh đàn ông ở rể: "Chó chui gầm chạn". Ở rể chưa bao giờ là dễ, nhất là khi em lại rơi vào tình huống nhạy cảm: thất nghiệp - điều mà trong mắt nhiều người, nhất là mẹ vợ em, bị đánh đồng với... vô dụng.

Đâu phải là em đã buông tay, ăn không ngồi rồi! Em vẫn đang cố gắng. Em vẫn nỗ lực dịch tài liệu kiếm tiền, không nhậu nhẹt, không trốn tránh. Hạnh Dung chắc là em vẫn đang cố gắng tìm cách kiếm việc làm để lo cho tròn vai trò trụ cột gia đình.

Vì thế, khi buộc phải thổ lộ nỗi lòng với một người xa lạ nghĩa là em đang rất đau. Không chỉ vì bữa cơm bị bỏ quên mà vì em thấy mình không còn là một thành viên trong gia đình ấy - gia đình mà khi cưới vợ và quyết định về chung sống, em đã tin tưởng và trao gửi cả niềm tin lẫn tình yêu thương.

Hạnh Dung tin rằng em là người đàn ông tử tế, chỉ là đang gặp lúc sa cơ. Và đau lòng nhất là em đang phải trả giá không phải vì em sai mà vì người ta không mở lòng để thấu hiểu.

Hạnh Dung không rõ vợ em còn yêu em không nhưng cách cô ấy im lặng, lạnh lùng trước sự tổn thương của em, cách cô ấy thờ ơ để mặc mẹ mình chà đạp chồng là dấu hiệu nghiêm trọng. Không phải vì em thất nghiệp nên cô ấy thay đổi mà có lẽ đó là bản tính của cô ấy.

Em hỏi có nên ly hôn không - Hạnh Dung nghĩ dù đau đến mấy, em cũng nên thử nói chuyện rõ ràng với vợ, không phải để van xin tình cảm mà để hiểu nhau, cho nhau cơ hội... lần cuối.

Em hãy hỏi một cách chân thành: “Em có còn muốn cùng anh vượt qua giai đoạn này không hay em đã chọn con đường khác?”. Nếu còn tình nghĩa, cô ấy sẽ lắng nghe. Hãy cho cô ấy một cơ hội để nói thẳng, nói thật điều cô ấy mong muốn. Nếu còn nhìn thấy trong lòng cô ấy điều gì đó của yêu thương và mong đợi, em hãy cùng cô ấy lên kế hoạch cho một cuộc sống độc lập, bắt đầu từ việc rời khỏi nhà vợ.

Chắc chắn sẽ vất vả hơn, thậm chí có lẽ còn phải chấp nhận những công việc lao động chân tay nhưng rồi em sẽ chứng minh được bản lĩnh gánh vác gia đình. "Đồng vợ, đồng chồng" thành công nhất định sẽ tới.

Nếu cô ấy đã không còn trân trọng thì em cũng không cần ở lại nơi không có tình người. Ra đi không phải là thất bại mà đôi khi là cách để giữ lại lòng tự trọng, giữ lại phẩm giá người đàn ông trong em chưa bị chà đạp bởi những câu nói khinh khi, những bữa ăn lạnh lùng và những lời bóng gió cay nghiệt.

Ra đi còn là cơ hội để em bước tới một không gian rộng rãi hơn, tiếp tục cuộc tranh đấu với đời sống đang có muôn vàn khó khăn, để lấy lại sức mạnh và khẳng định với bản thân rằng mình không vô dụng.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI