Nỗ lực lan tỏa những ca khúc về lòng yêu nước

14/05/2025 - 07:00

PNO - Theo số liệu mới nhất từ nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, ca khúc Viết tiếp câu chuyện hòa bình của anh đạt hơn 4,4 tỉ lượt nghe trên các nền tảng. Đây là thành công vượt ngoài mong đợi của nhạc sĩ, đồng thời mở ra một đời sống mới cho dòng ca khúc về lòng yêu nước.

Cần nhiều sự dấn thân

Sau thời gian dài viết nhạc tình yêu và nhạc dành cho thiếu nhi, cuối năm 2023, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung thử sức ở mảng đề tài mới. Lúc đó, ca sĩ Duyên Quỳnh đã gặp và ngỏ lời muốn anh viết các ca khúc ngợi ca quê hương, đất nước để cô tặng cha - một cựu chiến binh. Từ gợi ý của Duyên Quỳnh, Nguyễn Văn Chung gom những bài nhạc được anh sáng tác sau các chuyến về nguồn, các cuộc vận động sáng tác về Trường Sa, về TPHCM đổi mới… thành một tuyển tập album. Sau đó, anh sáng tác thêm Viết tiếp câu chuyện hòa bình như bài hát chủ đề để làm đậm hơn thông điệp xuyên suốt của album.

Ca sĩ Duyên Quỳnh và nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung được Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TPHCM tặng giấy khen biểu dương  về việc sáng tác và quảng bá ca khúc Viết tiếp câu chuyện hòa bình - ẢNH: NGỌC TUYẾT
Ca sĩ Duyên Quỳnh và nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung được Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TPHCM tặng giấy khen biểu dương về việc sáng tác và quảng bá ca khúc Viết tiếp câu chuyện hòa bình - ẢNH: NGỌC TUYẾT

Sự thành công của Viết tiếp câu chuyện hòa bình phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó có tính thời điểm, giai điệu và lời nhạc ấn tượng, sự lan tỏa nhờ mạng xã hội… Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho biết tình cảm từ người nghe dành cho ca khúc vượt ngoài tưởng tượng của anh. Điều đó cho thấy những ca khúc có chủ đề quê hương, đất nước nếu đạt chất lượng và phát hành đúng thời điểm sẽ nhận được sự yêu thích, lan tỏa mạnh mẽ và lâu dài.

Tuy nhiên, không phải ca khúc nào của Nguyễn Văn Chung cũng may mắn nhận được sự chú ý. Trong sự nghiệp 23 năm viết nhạc, anh đã có hơn 700 sáng tác nhưng trong số đó, chưa tới 1/10 bài hát trở thành hit. Nam nhạc sĩ thừa nhận anh đã nhiều lần thất bại trước khi có được thành công như hiện tại. Do đó, theo anh, điều quan trọng là không bỏ cuộc, liên tục trau dồi, sáng tác, nhất là với dòng nhạc quê hương, đất nước cần thời gian trải nghiệm, tích góp cảm xúc và mạnh dạn dấn thân sáng tác theo tinh thần mới.

Trong 2 năm trở lại đây, các cuộc vận động sáng tác ca khúc mới ở mảng đề tài quê hương đất nước liên tục được phát động. Chẳng hạn Đài Truyền hình TPHCM (HTV) phối hợp Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức cuộc vận động sáng tác Bài ca thống nhất; UBND TPHCM chỉ đạo tổ chức cuộc vận động sáng tác chủ đề TPHCM - 50 năm tự hào bản anh hùng ca; Báo Người Lao Động tổ chức cuộc vận động sáng tác ca khúc chủ đề Đất nước trọn niềm vui… Mỗi cuộc vận động đều nhận được số lượng ca khúc khá ấn tượng. Nếu các tác giả có thể sáng tác xuyên suốt, quan tâm hơn đến mảng đề tài quê hương, đất nước, tin rằng trong tương lai sẽ có nhiều hơn những ca khúc như Viết tiếp câu chuyện hòa bình.

Chú trọng truyền thông

Bất kỳ dự án, sản phẩm nghệ thuật nào cũng cần được truyền thông để khán giả biết đến. Nếu trước kia báo chí là nền tảng chính để nghệ sĩ quảng bá thì các năm gần đây, mạng xã hội là nơi lan tỏa mạnh mẽ nhất. Các nền tảng Facebook, TikTok, YouTube… trở thành công cụ hữu ích để nghệ sĩ và ê kíp quảng bá. Bằng nhiều cách - thông qua dòng trạng thái, hình ảnh hoặc clip… - các nghệ sĩ có thể chủ động truyền thông hoặc có đội ngũ thực hiện phần việc này.

Duyên Quỳnh là ca sĩ đầu tiên thể hiện Viết tiếp câu chuyện hoà bình. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Duyên Quỳnh là ca sĩ đầu tiên thể hiện Viết tiếp câu chuyện hoà bình. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Như ca sĩ Duyên Quỳnh, để quảng bá cho Viết tiếp câu chuyện hòa bình, cô thực hiện một clip theo trào lưu biến hình trên mạng xã hội và mời gọi đồng nghiệp, khán giả làm theo. Clip được thực hiện khá kỳ công với nhiều trang phục và cách trang điểm. Nhờ thực hiện chỉn chu, clip này sau đó được hưởng ứng rất lớn trên các nền tảng, giúp Viết tiếp câu chuyện hòa bình tiếp tục được lan tỏa.

Hiện nay, khi ra mắt ca khúc, ca sĩ và ê kíp thường chủ động cắt các đoạn nhạc ấn tượng trong bài vừa phát hành để đăng lên các nền tảng. Để dễ chạm đến cảm xúc người nghe, các đoạn nhạc này thường được dùng để lồng vào một số clip ấn tượng. Chính những đoạn clip ngắn giúp ca khúc lan tỏa nhanh hơn nhờ người dùng mạng xã hội chia sẻ hoặc sử dụng lại đoạn nhạc đó. Song, vì cắt nhỏ nên đôi khi, người nghe chỉ biết được 1, 2 đoạn đặc sắc trong bài mà không tìm nghe toàn bộ ca khúc.

Vài năm trước, để quảng bá ca khúc, ca sĩ thường thực hiện các clip hướng dẫn vũ đạo trên nền ca khúc mới, tổ chức thi hát hoặc nhảy để ca khúc được nhiều người biết đến hơn. Gần đây, cách làm trên không còn tạo được bất ngờ nên không được sử dụng nhiều như trước.

Với dòng nhạc quê hương, đất nước, không dễ để thu hút được sự chú ý trên mạng xã hội. Một phần vì nội dung ca khúc mang tính tuyên truyền nên lời nhạc có thể tạo cảm giác khô khan, khó tiếp cận khán giả trẻ. Phần khác, nghe đến ca khúc về quê hương, đất nước, nhiều người mang tâm lý ngại rằng nội dung, giai điệu sẽ “cũ”, như nhiều tác phẩm từng ra mắt.

Vậy nhưng, mạng xã hội vẫn luôn là bệ phóng tốt, giúp các ca khúc lan tỏa nên cần tận dụng các nền tảng này, với cách quảng bá phù hợp, sáng tạo. Như Viết tiếp câu chuyện hòa bình, chỉ khi đoạn điệp khúc được remix, ca khúc mới được chú ý. Việc lắng nghe khán giả, quan sát thị trường sẽ giúp các nghệ sĩ và ê kíp có cách quảng bá phù hợp nhất.

An Trịnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI